Now Reading
Bệnh “Không phải cháu…!”

Bệnh “Không phải cháu…!”

 

Sự ích kỷ sẽ đồng nghĩa với dòng thác chen lấn, xô đẩy, lấn hàng, lấn lối, đồng nghĩa với tư duy đẩy trách nhiệm sang người khác với kiểu cách rất tiểu nông "Không phải cháu mà là thằng bên cạnh".
 
                 
 
Tắc đường không chỉ là câu chuyện ở một nước đang phát triển như Việt Nam với trình độ dân trí chưa cao, hạ tầng cơ sở còn kém, năng lực quản lý hạn chế. Tắc đường là căn bệnh mạn tính ở nhiều quốc gia phát triển. Giống nhau ở hiện tượng nhưng nhận thức và ứng xử với nó lại khác hoàn toàn khi so sánh ta với nhiều nước.
 
Một chuyên gia về giao thông người Nhật khi nghiên cứu về tình trạng này ở Việt Nam đã bất ngờ khi thấy rằng chúng ta hay đổ lỗi cho đường sá nghèo nàn, phương tiện gia tăng, trong khi nguyên nhân chính là ý thức tham gia giao thông và trình độ quản lý lại ít được nói tới.
 
Ông khẳng định rằng "Việt Nam là quốc gia mà thái độ lái xe xếp vào hàng tệ nhất thế giới và nếu khắc phục được lỗi hệ thống này, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm được một nửa số vụ tai nạn giao thông". Một nhận định thật đáng lưu tâm.
 
Điều này được chứng minh cụ thể ngay trên các cung đường, trong hồ sơ phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, thế nhưng mỗi người trong chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình đã làm gì để góp phần cho "đường thông hè thoáng", giảm thiểu tai nạn hay chỉ biết chĩa bực bội vào những người xung quanh đang lấn đường, chen lối.
 
Chúng ta thường tự xí xóa bỏ qua cho chính mình những lần lao xe lên hè để tìm đường thoát; đầu trần cưỡi xe bát phố; ngó nghiêng không thấy bóng bác cảnh sát giao thông chốt chặn là vù vượt đèn đỏ cho kịp giờ họp lĩnh phong bì; hoặc rút điện thoại "gọi điện cho người thân" mỗi lần bị phạt vi phạm giao thông…
 
Cười trừ tự bỏ qua cho mình nhưng chúng ta lại lớn tiếng đổ hết lỗi cho mọi thứ khách quan, thậm chí soi vào tận sự điều hành của Chính phủ và các bộ ngành. Đã đành, với thực trạng tai nạn giao thông làm số người tử vong cao hơn nhiều số người chết trong chiến tranh, trách nhiệm của Chính phủ, bộ ngành địa phương là rất lớn nhưng thái độ nhìn lại mình của mỗi chúng ta cũng đâu phải việc thừa thãi, nói cho vui. Nó thể hiện một cách nghĩ tiệm cận gần hơn với văn minh không chỉ trong câu chuyện đi lại.
 
Nhìn sang nhiều lĩnh vực thấy tư duy đổ lỗi đang chiếm lĩnh mọi ứng xử, nó che khuất sự minh bạch, giết chết những hành xử cao thượng, bào mòn nhân cách. Đi họp muộn thì đổ lỗi cho tắc đường; con hư thì đổ lỗi cho thày cô giáo, cho xã hội phức tạp; bộ máy công quyền có vấn đề thì cứ theo trình tự: cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới, cấp này đổ sang cấp kia.
 
Và rồi cuối cùng cũng có vài người phải đứng ra nhận lỗi dù trách nhiệm vẫn chưa được mổ xẻ đến tận cùng bản chất. Có những vị sai lầm khuyết điểm rõ rành rành nhưng dựa thế quyền lực hoặc vây cánh để lấp liếm đổ thừa cho người khác. Và hậu quả là những người "thấp cổ bé họng" bao giờ cũng là bia đỡ đạn.
 
Nói đến đây bỗng nhớ đến một chuyện vui không rõ thực hư thế nào. Trong một chuyến công tác, cơ sở địa phương biếu đoàn ít nước mắm ngon, mỗi người một chai gọi là đặc sản địa phương. Cả đoàn lên xe hỉ hả ra về. Đường xa, xe xóc, bỗng rộp một cái: thế là một chai ra đi. Sếp trưởng đoàn nhận định chắc nịch: "chai vỡ là của chú lái xe đấy!". "Quân lệnh như sơn"-Sếp đã nói vậy thì còn biết cãi sao nữa.
 
Chuyện vui và nho nhỏ vậy nhưng không hiểu sao tôi cứ liên tưởng tới chuyện thời sự nóng ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Nếu không có vị đứng đầu Chính phủ công minh đứng ra làm "trọng tài" thì vụ việc sẽ đi đến đâu, lòng dân sẽ như thế nào trước sự trốn tránh trách nhiệm của các quan chức địa phương.
 
Trở lại chuyện đi lại chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày. Hãy dạy những công dân tí hon ngay từ lúc còn chập chững những bài học đầu tiên về sự nhường nhịn, về tính kỷ luật khi sinh hoạt trong cộng đồng. Sự ích kỷ sẽ đồng nghĩa với dòng thác chen lấn, xô đẩy, lấn hàng, lấn lối, đồng nghĩa với tư duy đẩy trách nhiệm sang người khác với kiểu cách rất tiểu nông "Không phải cháu mà là thằng bên cạnh".                  
 
Biết nhận lỗi, những đứa trẻ sẽ sớm trưởng thành. Biết nhận trách nhiệm, người lớn cũng sẽ quen dần với văn hoá từ chức, điều mà ở nhiều quốc gia từ lâu đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong hành xử của các quan chức./.        
 
Theo VOV                                                     
What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.