Now Reading
Góc nhìn Allans Ngô: Cạnh tranh giữa các Salon tại Mỹ rất khác tại Vietnam

Góc nhìn Allans Ngô: Cạnh tranh giữa các Salon tại Mỹ rất khác tại Vietnam

Nhân dịp đầu năm mới, Tóc Đẹp đã có buổi trò chuyện thú vị với NTMT nổi tiếng Allan Ngô, nhân dịp anh về thăm quê hương Việt Nam, về chủ đề hấp dẫn: Cạnh tranh giữa các Salon tại Mỹ và Việt Nam.

 

Allan Lan Ngo, tên khai sanh VN là Ngô Tiến Lân sinh năm 1966.  Bắt đầu theo đuổi nghề  tóc năm 17 tuổi (1983), chính lòng yêu nghề của người thầy nghèo khó đầu tiên đã mang lại cho anh biết bao điều quý giá. Năm 1990 di cư qua Hoa Kỳ, tiếp tục theo đuổi nghề tóc bằng tất cả sự đam mê Anh đã có những bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp. Tu nghiệp tại hầu hết các học viện nổi tiếng nhất thế giới như:

– GoldwellUS and KMS in  Santa Monica
– Vidalsassoon in London
– Tony&Guy in London
– Mohagony in London
– Mod'hair in Paris
– Framesi in Milan
– Đại học Bumbleandbumble in New York,
-Aveda in US…v.v…

Năm 2000 Allan's Salon được Anh sáng lập, dưới sự điều hành chuyên nghiệp Allan’s salon đã vươn lên vị trí uy tín bậc nhất miền Bắc California và được The Editorial Staff of the Consumer Business Recognizes chứng nhận là "Salon of the Year" 2008, 2009, 2010, 2011, 2012. Năm 2007 Hãng Thuốc Danh tiếng thế giới Goldwell tổ chức cuộc thi tóc Color Zoom đầu tiên ở Mỹ,  Allan Ngô đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh đến từ các nơi trên thế giới, để liên tục đăng quang vào các năm 2008, 2009 và 2011.

Từng làm giám khảo cho các trường huấn nghệ tóc… Năm 2010 Anh được tờ báo uy tín hàng đầu Châu Âu "Magazine Hair Professional Edition 40" phỏng vấn và bình chọn là nhà sáng tạo và tạo mẫu trên thế giới trong năm  "Isnpiracion Y Creatividad Inernacional 2010" và cũng năm 2010 Anh được xếp hạng 3 thế giới trong cuộc thi bới đầu ấn tượng và cũng là hạng 3 thế giới trong cuộc thi những kiểu tóc đẹp năm 2011. Khi được hỏi, Anh đã trả lời:

"Trong suốt quá trình học và làm việc, Allan dùng cái đẹp của thiên nhiên áp dụng lên nghệ thuật. Allan quan niệm cắt tóc giống như một tác phẩm điêu khắc trên từng cá nhân, từng vật thể, nhuộm tóc là tô vẽ cho tác phẩm đó mang màu sắc của thiên nhiên, nó như những nốt nhạc bồng bềnh mà Allan muốn gởi gắm và thổi hồn vào cho mỗi tác phẩm tóc của mình. Nghệ thuật là vô tận… và cắt tóc cũng là một khía cạnh nghệ thuật không biên giới, không thể thiếu trong đời sống hiện đại hiện nay với từng cá nhân muốn khẳng định phong cách riêng của mình”

Nhân dịp đầu xuân mới Quí Tỵ 2013, trong chuyến về thăm quê hương Việt Nam, Allan Ngô đã dành thời gian cho buổi trò chuyện thú vị cùng Tóc Đẹp quanh chủ đề hấp dẫn cạnh tranh giữa các Salon tại Mỹ và Việt Nam.

Tóc Đẹp: Chào anh Allan Ngô, xin phép được hỏi thẳng anh, có dư luận trong giới tóc cho rằng gần đây anh hay về Việt Nam do suy thoái kinh tế tại Mỹ kéo dài, nhiều Salon phải đóng cửa và Allan’s Salon gặp nhiều khó khăn. Trong khi đấy tại Việt Nam thị trường Salon vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và với kinh nghiệm lão luyện 20 năm trong nghề anh cảm nhận rất rõ cơ hội lớn tại quê hương mình.

Allan Ngô (Cười)… Phải dùng từ khốc liệt để nói về việc cạnh tranh tại thị trường tóc Việt Nam, vì ở đây các Salon cạnh tranh với nhau bằng giá cả, họ không nhìn thấy điểm mấu chốt của ngành tóc. Tại Mỹ các Salon cạnh tranh với nhau bằng văn hóa chứ không phải bằng giá cả, ví dụ như tại Allan’s Salon, mức giá dịch vụ khá cao và chỉ những khách hàng thực sự hiểu về giá trị nghệ thuật hàm chứa trong dịch vụ Salon mới dám tới đây. Họ đến với Allan’s Salon do người quen giới thiệu, do đọc được những bài viết của các tạp chí uy tín giới thiệu về Allan’s Salon. Hoàn toàn tự nhiên, tự nguyện không phải vì quảng cáo vì làm chương trình khuyến mại. Allan thu hút khách bằng chính thương hiệu uy tín của mình cho nên dù kinh tế có đi xuống nhưng Allan’s Salon giá cả dịch vụ không xuống và khách muốn tới sử dụng dịch vụ vẫn phải hẹn trước, không phải thích tới lúc nào thì tới.

Anh chị em làm nghề tóc tại Việt Nam có điểm chung là rất chịu khó học hỏi, cập nhật kỹ năng xu hướng mới, bằng mọi cách tìm tòi và không tiếc tiền bạc đầu tư cho nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên cái tôi của mọi người còn hơi lớn vì vậy việc giao lưu chia sẻ còn nhiều hạn chế. Allan mong muốn được mang tới các Salon tại Việt Nam một góc nhìn khác, một cách làm khác, cách đã giúp Allan tạo dựng được sự thành công cho Salon của mình trên đất Mỹ. Tại sao ở Việt Nam hiện nay chưa xuất hiệu thương hiệu chăm sóc tóc chuyên nghiệp AVEDA mặc dù đã có nhiều nhà phân phối gửi đơn tới hãng xin làm. Các Salon tóc tại Việt Nam khi mở ra đều nhắm tới việc làm sao để thu hút số đông khách hàng. Chỉ một con phố nhỏ, cũng có tới 10 tiệm tóc. Một Salon thành công, những người khác bắt chước mở theo. Anh chị em làm nghề thấy một số người tiên phong trong ngành đi học Vidal Sassoon về và trở nên thành công, nên mình cũng đi học Vidal Sassoon. Ở Việt Nam mọi người đều cho rằng Vidal Sassoon là đẳng cấp. Allan đã biết Vidal Sassoon gần 20 năm trước và cũng đã từng thất bại khi áp dụng kỹ thuật Vidal Sasson tại Salon của mình. Lý dó là vì kỹ thuật này hạn chế tính sáng tạo. Chỉ có 10% khách hàng, những khách hàng đứng tuổi ưa thích phong cách này. Những cô gái trẻ ưa thích những mái tóc bồng bềnh lãng mạn và họ không thể tìm thấy điều này ở Vidal Sassoon. Đây là kỹ thuật căn bản tốt nhưng để có thể cạnh tranh với nhau, nếu cả 10 tiệm tóc kể trên cùng ứng dụng kỹ thuật Vidal Sassooon thì khách hàng ra khỏi 10 tiệm tóc này đều có những mái tóc na ná giống nhau, cứ như là những sản phẩm vừa từ một dây chuyền nhà máy bước ra vậy.

Và nếu không có gì để khác biệt thì lẽ dĩ nhiên điều khác biệt dễ dàng nhìn thấy nhất là giá cả cũ dịch vụ. Khi nô nức cạnh tranh nhau bằng giá cả, chính các tiệm tóc này đang ngày qua ngày tự giết chính mình. Chính vì thế Allan mong muốn mang tới anh chị em làm nghề ở Việt Nam một tư duy mới, một tư duy cởi mở, không bị trói buộc trong những lỗi mòn cũ kỹ, chật hẹp. Để mọi người nhìn việc cắt tóc dưới góc độ nghệ thuật, mang nghệ thuật ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Allan có được may mắn học nhiều trường phái khác nhau tại Mỹ, mỗi trường phái lại có một đặc thù riêng. Vidal Sassoon sử dụng kéo bé, lược dài cắt tóc theo hình khối trong khi tâm lý người Á Đông thích những kiểu tóc bồng bềnh. Những bài cắt layer của Vidal Sassoon vì thế mà có những hạn chế, làm cho tóc có cảm giác cứng, nặng làm mất đi sự mềm mại, sư tuôn chảy của suối tóc.

See Also

Tóc Đẹp: Anh có nói rằng các nhà tạo mẫu tóc Việt Nam rất chăm chỉ và luôn tìm kiếm cơ hội để nâng cao tay nghề, vậy có thể đưa ra một so sánh giữa trình độ của các nhà tạo mẫu tóc tại Việt Nam và các đồng nghiệp tại Mỹ.

Allan Ngo: Vâng như đã nói anh chị em làm nghề rất chịu khó tỉ mỉ khi làm nghề vì thế nhà tạo mẫu tóc Việt Nam tập trung vào chi tiết tốt hơn so với người Mỹ, nhưng do cái tôi quá lớn dẫn đến anh chị em không chú trọng tới khâu chăm sóc khách hàng, không lắng nghe khách hàng và thường chỉ quan tâm tới tay nghề của mình, mình có tay nghề và khách hàng phải nghe theo mình. Vẻ đẹp của mái tóc thường được nhìn theo con mắt của nhà tạo mẫu tóc chứ không phải dưới con mắt của khách hàng. Ví dụ trong quá trình đi giảng dậy của mình, Allan có yêu cầu các bạn học viên kẹp tóc từng lớp mỏng để cắt bằng kéo tỉa, nhưng khi thực hành nhiều bạn vẫn làm theo thói quen sử dụng kéo bé để cắt, các bạn cho rằng tay nghề mình giỏi nên sử dụng kéo bé cũng chẳng khác gì. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề, Allan hiểu rất rõ sự khác nhau giữa kéo tỉa và kéo bé, nên khi các bạn khăng khăng cắt kéo bé, mái tóc không thể hiện ra đúng yêu cầu. Điều này rất tai hại vì khách hàng thấy họ không được chăm sóc tốt. Ở Mỹ khách hàng mới là người biết hết chứ không phải nhà tạo mẫu tóc là người biết tuốt, họ luôn luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng và tìm cách làm sao để khách hàng thấy hài lòng nhất.

Tóc Đẹp: Việc mở Salon tại Mỹ có gì khác biệt so với việc mở Salon tại Việt Nam không , thưa anh?

Rất nhiều điều khác nhau, thứ nhất là về vấn đề thuê nhân sự. Người làm việc trong Salon không được làm quá 40 tiếng một tuần. Để mở một Salon tại Mỹ rất khó và rất tốn kém. Ở Việt Nam ai thích thì mở Salon, miến là có khách. Ở Mỹ phải có giấy phép và có những khu vực hay trung tâm thương mại không cho phép mở thêm Salon. Bất cứ ai vào làm Salon tóc đều phải có bằng cấp để đảm bảo những đòi hỏi căn bản về sức khỏe cho khách hàng. Thuế đánh vào hoạt động kinh doanh Salon tại Mỹ rất cao. Giá dịch vụ tại Salon tóc ở Mỹ dao động theo địa điểm Salon. Tại New York giá dịch vụ từ 30$ cho đến 800$ cho một lần cắt tóc. Còn tại các tiểu bang giá từ 10 -25$. Tiêu chuẩn để đánh giá một Salon hạng sang căn cứ vào địa điểm, vào thương hiệu của nhà tạo mẫu tóc và quan trọng hơn cả là nhu cầu của khách hàng. Nếu những khách hàng giầu có chỉ đồng ý cho một số ít ỏi các tên tuổi tạo mẫu tóc động vào mái tóc của mình, thì tất nhiên nhà tạo mẫu tóc đó có giá đắt và Salon mà anh ta đang phục vụ là salon hạng sang. Các Salon hạng sang chỉ làm theo hẹn, và không có thợ phụ, thợ phụ chỉ gội đầu còn tất cả các công đoạn đều phải do nhà tạo mẫu chính làm. Chỉ có Salon bình dân mới làm theo cách sau khi cắt một số thợ phụ chia nhau người sấy người bỏ mầu… Tại Mỹ các sản phẩm cao cấp như AVEDA chỉ lựa chọn những Salon đáp ứng tiêu chuẩn nhất định của họ, không phải bất cứ Salon nào muốn có sản phẩm này cũng được đáp ứng.

Tóc Đẹp: Cảm ơn anh đã có những chia sẻ thú vị với bạn đọc Tóc Đẹp, chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2013.

PV

What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.