Now Reading
NTMT Trần Mạnh Thìn: Không có sự cạnh tranh trong ngành tóc

NTMT Trần Mạnh Thìn: Không có sự cạnh tranh trong ngành tóc

TÓC ĐẸP – Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, Viện tóc Thìn do nhà tạo mẫu Trần Mạnh Thìn sở hữu là một thương hiệu lớn của ngành tóc Việt Nam. Đây cũng là thương hiệu đã rất thành công trong việc khai thác cả 2 thị trường Nam – Bắc và để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ ngành tóc trẻ.

Trò chuyện với nhà tạo mẫu tóc Trần Mạnh Thìn vào dịp cuối năm, Tóc Đẹp đã cùng anh nhìn lại những câu chuyện nghề.

Viện tóc Thìn

Không dấu nghề

Với thương hiệu Trần Mạnh Thìn, “gu thẩm mỹ” mà anh đưa ra là…

Có thể nói ngắn gọn, tương tự như mỗi ca sĩ sẽ có một chất giọng đặc trưng, những salon có thương hiệu đều phải có “chất giọng” riêng. Có người thích tóc ngắn, có người thích tóc lỡ, tóc ngang, tóc vuông. Đó là sở thích. “Gu” cũng có nhiều “gu”. Tóc dài có người thích kiểu cắt lãng mạn, có người thích cắt nghịch ngợm, trẻ trung. Tóc ngắn có người thích cắt tém, cắt với mái vuông, mái bằng .v.v… Rất đa dạng trong sở thích và gu thẩm mỹ. Riêng Thìn, do đã làm lâu năm, trải qua mọi giai đoạn và sở thích, sau nhiều năm, dù tóc dài hay ngắn thì ở Thìn, gu thẩm mỹ và sở thích thường được thể hiện trong các kiểu tóc là sự sang trọng và quyến rũ. Kiểu tóc dài hay ngắn cũng có thể thể hiện đặc trưng này. Thìn vẫn có thể làm được những kiểu tóc khác nhưng đối tượng rất chọn lọc. Thìn phải xem điều họ muốn có phù hợp với họ hay không. Về cơ bản, khách hàng đến Thìn vẫn thích những kiểu tóc có các đặc trưng trên, vì khách hàng khi đến đây, đã xác định được yêu cầu đó. Một số khách hàng có những yêu cầu khác, họ cũng có những người thợ riêng tại Thìn mà họ đã từng thử và hài lòng. Càng làm nhiều thì độ nảy, nhanh nhạy của người thợ càng tốt và có thể càng đáp ứng nhiều sở thích, nhiều gu thẩm mỹ khác nhau của khách hàng. Nhưng không vì thế mà họ mất đi “gu” thẩm mỹ riêng.

Bên cạnh đó, sự đồng cảm thẩm mỹ cùng khách hàng sẽ chinh phục được khách hàng, khiến khách hàng thuộc về mình. Chính họ cũng là những người sẽ tích cực truyền miệng, giới thiệu để chinh phục những người khác có cùng cảm nhận, đồng cảm thẩm mỹ với mình và nhà tạo mẫu. Chính bản thân tôi với gu thẩm mỹ của riêng mình, nhưng khi dạy học trò, vẫn tôn trọng các gu”thẩm mỹ riêng. Và rồi các em với gu”thẩm mỹ riêng của mình sẽ có những khách hàng đồng cảm với họ. Ví dụ tôi cũng có thể cắt được theo gu quậy phá, hoặc lịch lãm quá mức, nhưng chắc chắn khách hàng có khi cũng không thích cho bằng khi tôi cắt tóc cho khách theo gu quyến rũ, sang trọng. Do đó, nói thật gu thẩm mỹ là điều không ai dạy ai được.

Vậy, anh truyền các bí quyết gì trong nghề cho học trò?

Các căn bản về kỹ thuật cắt. Căn bản về sử dụng hóa chất, sản phẩm. Căn bản về nhận diện khuôn mặt, đánh giá cá tính, phong cách khách hàng để đưa ra những tư vấn phù hợp. Căn bản nhận biết tâm lý khách hàng. Còn sáng tác là vấn đề của mỗi người, họ có khả năng sáng tác trên những điểm căn bản đó hay không, là chuyện khác.

Ngày xưa đến giờ, từ lúc bước chân vào nghề cho đến bây giờ, qua thời gian tôi đã đúc kết rằng để có thể thành công, người thợ phải hội đủ cả kỹ năng, đam mê, tâm huyết, sáng tạo, óc thẩm mỹ, cảm nhận tâm lý… Phải có tổng thể tất cả cái những cái đó mới có thể đạt đến đỉnh cao. Thiếu một trong những thứ đó, người thợ chỉ đạt mức “thường thường bậc trung”. Chính vì vậy, tôi không bao giờ dấu nghề với học trò. Chỉ lo mình truyền hết mọi bí quyết mà các em vẫn chưa hiểu được hết và chưa sử dụng được các bí quyết đó thôi. Vì tôi biết có em có năng khiếu thì thiếu thẩm mỹ, có em quy tụ hết mọi yếu tố đó nhưng vẫn khuyết sự đam mê. Làm thế nào để thế hệ sau mình đạt được và hơn mình, có nhiều “tuyệt chiêu” hơn mình mới là điều tôi mong mỏi. Nhiều học trò của tôi ra nghề mở salon riêng, tôi tạo điều kiện để các em độc lập theo ý nguyện. Cũng có những học trò giỏi nghề muốn ở lại, thì tôi tiếp tục đào tạo thêm. Một mình tôi không thể đứng hết mọi salon. Nếu chỉ mình tôi, salon Thìn chỉ cần 6 bàn cắt và 2 ghế gội là đủ, chứ không phải có quy mô như bây giờ. Khi chỗ làm việc của mình ngày càng rộng hơn, thì nhân sự, người làm việc cũng phải nhiều hơn. Mạnh dạn để các em làm việc, khi các em đã nắm được các kiến thức căn bản cần có trong nghề, từ cắt cho đến sử dụng hóa chất, và có đạo đức làm nghề, trừ phi khách có ý kiến và không quay trở lại tìm các em nữa, đó mới là quan niệm của tôi trong công việc.

Viện tóc Thìn

Ngoài việc tuyển chọn thợ có đạo đức, yêu nghề, nắm bắt kiến thức căn bản ra, việc phát triển chuỗi salon còn đòi hỏi cả người chủ lẫn thợ phải có kinh nghiệm quản lý nhân sự, tổ chức dịch vụ. Anh đặt ra các yêu cầu này với thợ của mình như thế nào, nhất là để hài hòa cả thị trường mà con người, dịch vụ đều có những điểm khác biệt như ở Hà Nội và TP.HCM?

Đúng như bạn nói, nhiều người thấy tôi làm 3, 4 salon, liền hỏi tôi sao không mở thêm nữa. Nhưng kinh doanh salon không phải là kinh doanh nhà hàng. Không phải cứ bê nguyên một mô hình ở chỗ này đi “nấu nướng” chỗ khác mà thành công. Đây là một nghề do chính con người làm, gần như không có tác động bao nhiêu của công nghiệp, nên con người là quan trọng nhất. Phải có trong tay những đội ngũ thợ như thế nào, mình mới dám mở chi nhánh. Có thợ giỏi mà không có đạo đức, cũng rất mệt. Nên ngoài kỹ năng, phải có những nhân sự có đạo đức. Rồi phải xây dựng một cơ chế để quyền lợi của người thợ là sự gắn bó với salon, và giá trị mà người thợ nhận được khi làm với mình.

Nếu so 2 thị trường Nam – Bắc, có rất nhiều điểm khác nhau. Các đòi hỏi cũng rất khác nhau. Ở miền Nam, nhu cầu về kiểu tóc, về chất lượng dịch vụ nhiều hơn. Hà Nội không quen cung cách được phục vụ như ở miền Nam mà đặt tiêu chí “đẹp” lên hàng đầu. Khi Thìn ra Hà Nội, đã dần dần tác động vào thói quen của khách hàng Hà Nội. Tuy nhiên, con người phục vụ tại salon Thìn ở Hà Nội, vẫn là người Bắc nên về bản chất, cách thức dịch vụ vẫn không có nhiều thay đổi. 2 thị trường này cũng có sự khác biệt trong xu hướng, do thời tiết khác nhau. Ví dụ ở miền bắc mùa hè người ta cột tóc nhiều, mùa đông lại cần những mái tóc xoăn nhiều để giữ ấm. Việc trang điểm của họ cũng nhiều hơn. Còn trong Nam thì lại khá đơn giản và chủ yếu là mùa nóng nên kiểu tóc cũng khác. Vì vậy nhu cầu thẩm mỹ 2 nơi là khác nhau. Chỉ vì quên điều này mà nhiều thợ giỏi trong Nam ra Bắc đã phải thất bại. Dĩ nhiên, đầu tiên tôi cũng lớ ngớ nhưng cũng may thời điểm mình ra sớm quá, cái mới quá được đưa ra, và một phần cả do thương hiệu của mình nên người ta theo. Nhưng cái để bền lâu, bắt rễ ở mỗi một thị trường vẫn là chất lượng.

Salon hiện nay thì nhiều, nhưng sự thành công của các salon trong giai đoạn này không còn mạnh mẽ, một phần do nền kinh tế. Ngoài ra, cũng như các lĩnh vực khác, vai trò thông tin khiến chúng ta có cảm giác các salon ngày nay nhiều hơn, đông hơn, nhưng thực tế theo quan điểm của tôi, trong ngành kinh doanh không có sự cạnh tranh. Mỗi một salon phải tự cạnh tranh với chính mình. Bởi mỗi một salon  có những khách hàng riêng, một gu thẩm mỹ riêng, và họ sẽ có những người hâm mộ riêng. Chỉ có những salon mới do các bạn trẻ sau này mới mở ra, họ chưa có bản lĩnh để tạo nên bản sắc riêng thì phải cạnh tranh với nhau để hút một lượng khách hàng vốn chưa có mối quan hệ gắn bó với salon nào. Sự cạnh tranh của họ đôi khi tập trung vào giá cả và trang trí salon, chứ không tập trung nhiều vào chất lượng. Còn các salon đã có thương hiệu thì họ phải tự cạnh tranh với chính mình trong chất lượng, phải mỗi ngày nghĩ ra những dịch vụ, sản phẩm tốt hơn cho khách hàng, quản lý nhân sự sao cho tốt nhất, đảm bảo khách hàng vẫn luôn luôn gắn bó, hài lòng và thỏa mãn với mình. – NTMT Trần Mạnh Thìn nhận xét về thị trường tóc hiện nay.

Mơ để lại cái nôi cho ngành tóc

Anh có đánh giá gì về các thế hệ nghề tóc trẻ sau này, nếu so với những thế hệ trước của các anh?

Có thể nói các bạn thuộc thế hệ sau có nhiều may mắn hơn so với chúng tôi ở thế hệ trước trong quá trình học nghề của những năm gần đây. Các bạn được đi học có trường, lớp. Chính bản thân mỗi một nhà tạo mẫu tóc khi truyền nghề tại salon cũng có giáo án và đồng thời cộng thêm việc các hãng mỹ phẩm nước ngoài đều đã vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh và mang những chuyên gia nước ngoài để dạy thêm về cách sử dụng hóa mỹ phẩm, các kỹ thuật tạo kiểu tóc mới, để thu hút khách hàng. Do đó thế hệ sau này được học nhiều hơn chúng tôi ngày xưa.

Trước, chúng tôi theo học nghề chủ yếu bằng con đường thấy thầy cắt sao, thì học theo vậy. Tự mày mò mà thành. Cách học ngày xưa có thể nói không chuyên nghiệp như bây giờ. Nhưng cái được của ngày trước cũng là chúng tôi được “chọc phá” hơn bây giờ. Tại vì mình không có căn bản, không hiểu gì, không bị ràng buộc bởi mọi kỹ thuật sách vở nên có thể được tùy ý sáng tạo. Do đó mà ở thế hệ chúng tôi, đôi khi chúng tôi vẫn nói đùa nếu anh đã được khách hàng thích, thì dù có cắt tóc hư vẫn được khách hàng bằng lòng. Nhưng ở thế hệ sau, nếu cắt tóc hư là khách hàng có thể nhận biết được ngay.

Điều đó có nghĩa ở thế hệ anh, sáng tạo tự do hơn?

Thực ra thế hệ nào cũng có khả năng sáng tạo. Mỗi một thế hệ có thế mạnh riêng và cái gì cũng có cái được, cái mất. Nếu có sự đào tạo chuyên nghiệp căn bản, cộng thêm ý thức học hỏi và ý muốn sáng tạo, các em sẽ làm được rất nhiều. Điều đó do nỗ lực của mỗi cá nhân. Đồng thời cũng do khả năng cảm nhận khách hàng của mỗi người. Rất nhiều em có khả năng sáng tạo, nhưng lại sáng tạo… nhầm một kiểu tóc teen cho một quý bà đang muốn có kiểu tóc quyến rũ, thì sáng tạo đó lại là sai. Giống như đi về miền Tây mà thi triển nhạc Rock, bà con có thể nghe lạ tai nhưng không khoái, không “nghiền” được.

See Also

Vậy theo anh, đâu là những điểm cần nhất cho một nhà tạo mẫu tóc đạt tới thành công?

Như tôi đã nói, quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm thẩm mỹ với khách hàng. Tức là hiểu khách hàng muốn gì và hiểu cái gì có thể làm cho khách hàng đẹp hơn, phù hợp và tôn vóc dáng khuôn mặt, cá tính của họ hơn. Sau cùng là khả năng thể hiện sự “hiểu” đó.

Hiện nay ở nước mình chưa có các trường đào tạo nghề tóc cấp bằng đại học như ở nhiều quốc gia khác. Theo anh, đây có là một hạn chế của nghề tóc Việt Nam?

Đúng. Chúng ta chưa có Trường cấp bằng Đại học cho nghề tóc. Nhưng thực ra chúng ta cũng đã có rất nhiều Trường đào tạo nghề quy mô, đẳng cấp như một Trường Đại học, dạy về cắt, các kiểu tóc .v.v… Vấn đề là chúng ta chưa có Trường đào tạo và Ứng dụng Tâm lý thẩm mỹ đối với khách hàng. Như tôi đã nói, nếu thợ nào có khả năng cảm nhận này cao, họ sẽ thắng. Do đó, đây mới là chương trình đào tạo quan trọng nhất mặc dù việc đào tạo lại khá tỏ ra mơ hồ, mang tính dẫn dụ học trò đến với các trường hợp giả định nhiều hơn, chứ không phải rõ ràng đúng, sai. Điều này, ở các Trường Đại học nghề nước ngoài đã có ứng dụng.

Thí dụ ngày xưa em chỉ cần làm một kiểu tóc, mở vài chương trình khuyến mãi, là có khách tới. Bây giờ thì chưa chắc. Kinh tế đang khó khăn do đó nhiều người chọn phương án tạm hoãn các kế hoạch đầu tư, chờ thêm thời gian. Ví dụ như với tôi, dự án lập một Trung tâm Đào tạo Tóc quy mô hàng đầu Việt Nam hiện vẫn đang dừng lại. 2 năm rưỡi tôi để trống mặt bằng cũng không cho thuê, vì sợ có lúc tình hình tốt hơn mình lại có nhu cầu khởi động dự án.

Với Trung tâm Đào tạo Tóc chuyên nghiệp này, chúng tôi dự kiến mũi nhọn vẫn là nhắm đến mục tiêu đào tạo để ngành tóc VN, những thế hệ kế cận, tiếp sau chúng tôi có một cái nôi của ngành. Dự án dự kiến được xây dựng trong khuôn viên khoảng 1.000m2, với 400-500m2 dành cho hoạt động đào tạo và 400-500 m2 dành cho hoạt động thực hành với tóc, với một sàn catwall chuyên nghiệp cho các hoạt động trình diễn, show tóc phù hợp với mọi quy mô lớn, nhỏ. Địa điểm dự án đặt tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Sở dĩ tôi chọn chỗ này vì đối tượng nhắm đến là các em học sinh, thực tập sinh. Họ cần một không gian có mức sống phù hợp chứ không quá đắt đỏ như ở quận 1, quận 3, nhưng cũng không quá xa trung tâm để tiện đi lại, và khách hàng cũng dễ dàng đến đó các em mới có nguồn để thực tập. Khi chi phí mặt bằng thấp hơn thì mức học phí cũng có thể rẻ hơn. Trong dự án phải có đủ các sản phẩm, dịch vụ spa, beauty, nail, và có khu vực để bán các sản phẩm liên quan đến dịch vụ trong toàn hệ thống. Đồng thời, cũng có một tầng để bán cà phê, căng-tin, dịch vụ ăn uống cho mọi người đến sinh hoạt, sử dụng và tiện thư giãn, nghỉ ngơi… Nghĩa là với dự án này, chúng tôi quy hoạch những khu vực trong tổng thể đầy đủ và đồng bộ, như mô hình của các trường đại học tóc, thẩm mỹ chuyên nghiệp quốc tế.

Viện tóc Thìn

Nguồn vốn và nhân lực phục vụ cũng như quản lý dự án dự kiến sẽ thế nào, anh đã tính tới?

Với một dự án như vậy, tôi không thể và cũng không nên làm một mình. Vì mục đích rất đẹp, ý tưởng rất hay. Về nguồn vốn, tôi dự kiến sẽ mất khoảng 40-50 tỷ đồng đầu tư ban đầu, không bao gồm giá trị mặt bằng. Tôi có những người bạn tâm huyết đồng chí hướng cũng ở trong nghề, họ có thể sẽ cùng tôi là những cổ đông đóng góp vào dự án từ quản lý cho đến giảng dạy. Và cũng do đó dự án sẽ không để tên Thìn mà có một cái tên chung, cho tất cả, tuy rằng tôi là người dựng ra. Như vậy mọi người cũng sẽ có trách nhiệm hơn và dự án cũng sẽ triển khai được bền hơn. Nhưng sau cùng vấn đề còn lại vẫn là chọn thời điểm nào cho phù hợp.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.