Now Reading
Thành công trong ngành tóc: Khéo tay hay khéo nói?

Thành công trong ngành tóc: Khéo tay hay khéo nói?

Thành công trong ngành tóc: Khéo tay hay khéo nói?

Với bất cứ ai là người theo nghề tóc một cách nghiêm túc, có lẽ câu trả lời luôn là: Cần cả hai! Vấn đề là việc hội đủ, đạt được cả hai yếu tố nói trên lại không hề dễ. Hơn nữa, lại cũng có những trường hợp người thợ tóc rất khéo tay, trò chuyện rất duyên, nhưng suốt đời vẫn chỉ là người thợ đi làm thuê, tính công ăn lương và họ cũng không cho là mình đã thành công trong nghề. Dường như, để kèm theo và lý giải đầy đủ cho những câu trả lời và những trường hợp khác biệt như vậy, lại còn phải phụ thuộc quan niệm thế nào là thành công ngành tóc, và quan niệm thế nào là khéo tay, khéo nói.

Lạm bàn  hai chữ“thành công”

Hầu hết những người thợ ngành tóc nói chung, đều có những suy nghĩ khá giống nhau về hai chữ thành công của một người làm nghề, là đạt được các tiêu chuẩn Làm chủ một tiệm tóc (salon riêng), thành danh (nổi tiếng, hoặc ít nhất cũng được nhiều người, được các hãng mỹ phẩm biết tiếng, điểm mặt), có của ăn của để. Đó là cấp độ thành công bậc 1 – bậc cao nhất của ngành tóc.

Ở cấp độ hai, thấp hơn một chút, bỏ đi hai chữ “thành danh”, diễn dịch một cách dài dòng và dễ hiểu thì người thành công ở cấp độ này là người “sống đủ” bằng nghề, nuôi được gia đình vợ (chồng) con mà không phải lo ngày dài tháng rộng, có thể vừa tự làm tự ăn nhưng cũng có thể  tổ chức, quản lý cho người khác làm thuê. Khái niệm “thành danh” không được đặt nặng.

Ở cấp độ ba, một thợ chính cũng có thể coi như một người thành công. Bởi để đạt được tới bậc thợ chính, cứng cựa, anh (chị) phải trải qua bao vòng thử thách từ học nghề, giúp việc lên tới thợ phụ, đằng đẵng rồi mới được nâng hạng thợ chính. Thợ chính lâu năm ở những tiệm tóc lớn thì hoàn sống được, có thể “cá kiếm” từ nhiều nguồn thu nhập. Nhưng nhiều thợ chính của một số salon, viện tóc lớn quen nghề làm thợ, giỏi cách mấy và tích luỹ cách mấy cũng không chịu ra mở tiệm riêng, “suy nghĩ quản lý mệt đầu mệt óc”, chấp nhận làm thợ ăn lương đến hết đời. Họ cũng ngầm tự hào về tay nghề càng già càng cay của mình. Cũng có người vừa được thăng thợ chính, hoặc cả đời chưa từng qua một vài tháng thợ phụ, bỏ tiền học nghề, học xong mở thẳng tiệm của mình, vừa làm chủ vừa làm thợ chính. Tha hồ múa nhiều vai. Đây cũng điều là các hình ảnh có thể tự thoả mãn tâm lý “thành công”.

Ở các cấp độ còn lại như thợ phụ, học việc, có lẽ không mấy ai tự nghĩ là mình đã thành công. Họ vẫn còn mơ ước và đích nhắm rất cụ thể: lên thợ chính hay ra làm chủ. Chỉ khi nào thực hiện được mơ ước đó, cảm giác thành công mới thực sự đến.

Khéo tay – Điều kiện cần

Để có thể làm chủ tiệm tóc và đi lên từ đôi bàn tay nghề, thì yếu tố khéo tay là rất quan trọng, Đây cũng yếu tố hàng đầu của một người thợ làm nghề truyền thống. Người xưa có câu “khéo tay khéo chân” là để chỉ những người có bàn tay khéo léo có thể thêu thùa, đan lát, chạm trổ, vẽ, may…Khi nghề tóc ra đời thì nghề tóc cũng được xếp vào lĩnh vực nghề làm thủ công dịch vụ, làm bằng tay như các nghề ở trên.. Người xưa còn có câu thành ngữ “Khéo tay hay làm” hàm ý chỉ  những người khéo léo luôn là người chăm chỉ, cần cù. Mở rộng ra thêm khái niệm này, lại còn có câu “muốn ăn thì lăn vào bếp”, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” để chỉ sự học hành, chăm chỉ, miệt mài, theo đuổi và tự mình làm lấy một công việc nào đó của một người. Theo nghĩa mở rộng này, ở một số nước còn có các trào lưu “Do – It – YoursSeft” (DIY), – “Tôi làm”,“Tự mình làm lấy” như một sự phản ứng lại với thời đại và guồng máy công nghiệp mà theo trào lưu mới đó, khái niệm “handmade”, tự làm bằng tay, do con người tự làm, được coi trọng. Trong các cửa hàng có treo bảng DIY, thường thì là những cửa hàng có bãi đỗ xe rộng, chủ yếu bày rất nhiều dụng cụ cầm tay, như kìm búa đục cưa, khoan, kéo… Mỗi thứ lên đến hàng chục loại. Có cả các mặt hàng phục vụ việc làm đất, làm vườn, như các loại hạt giống, cây non, phân bón, nông cụ như cuốc xẻng v.v.. Một mặt hàng đi đâu cũng thấy là hàng dùng trong ngành ô tô, như săm lốp, ắc quy, nhất là dụng cụ sửa xe… Người mua đỗ xe, mở cốp ô tô để sẵn, vào hàng chọn dụng và quay ra đặt đồ vào cốp, lái xe về nhà, tự mình “phục vụ”, như trở lại thời tự cung tự cấp. Một cái thú tận hưởng niềm vui sướng từ thành quả lao động chân tay, tự sự thoả mãn là mình “khéo tay”, “rành nghề”…

Nhưng thôi, lại quay trở về với khái niệm khéo tay trong ngành tóc Việt. Khéo tay hiểu theo nghĩa truyền thống thì đã được giải thích. Khéo tay hiểu theo nghĩa thời nay không chỉ dừng lại ở mức độ một bàn tay khéo léo, thuần thục, mà còn đòi hỏi người có bàn tay khéo cũng phải có một cái đầu có học, có bài bản, rành nghề. Cao hơn nữa thì phải có một đầu óc sáng tạo để đi đến “tạo mẫu”, mới xứng đáng được gọi là “nhà tạo mẫu”.

Cái gọi là có học hành, có bài bản, cũng tuỳ thuộc vào quan niệm và điều kiện của người làm nghề. Một anh làm tóc ở tỉnh lẻ, được học một khoá bổ túc của một thầy giáo là thợ tóc ở đô thị lớn, tỉnh lớn, đã có thể tự hào mình có học hành bài bản. Một anh thợ tóc được hãng mỹ phẩm cho đi học một, hai khoá bổ túc – tham quan ở Trung Quốc, Thái Lan, cũng có thể “vỗ ngực” coi như mình là người cập nhật những giáo trình bậc nhất quốc tế. Cũng có những người đi học, theo dạng du học sinh 6 tháng, 1 năm, thậm chí 2,3 năm ở nước ngoài, ở các nước Anh, Úc, Ý, Mỹ… khi quay về, buồn rầu nhận ra: Hoá ra nghề tóc Việt Nam vẫn mới chỉ dừng mức độ… thợ khéo. Có đi một ngày đàng mới biết cái sàng khôn dành cho ngành tóc quốc tế thời nay là mênh mông. Chỉ khéo tay thôi cũng là chưa đủ.

Một nhà tạo mẫu Việt Nam, có rất nhiều thân làm tóc ở nước ngoài nên kinh nghiệm của anh về thế giới tóc Việt và thế giới tóc quốc tế khá dày dạn. Anh này chỉ ra sự khác biệt giữa các thợ cao cấp Việt và các thợ cao cấp quốc tế, khi đi ra “trường đấu”, là các cuộc thi quốc tế về tóc, như sau: Thợ tóc Việt đầy phiêu lưu, cảm hứng và sáng tạo, có thể có những ý tưởng, những đột phá “trên mây” về kiểu dáng, màu sắc, nhưng khi thực hành và phải nói các bước cơ bản về chia tóc, cắt tóc, đến tạo kiểu… thì rất… ú ớ. Ngược lại, thợ tóc quốc tế nói năng gọn gẽ, chuẩn xác, thực hành nhanh gọn dứt khoát các bước căn bản, khúc chiết và rõ ràng, nhưng lại ít khi… “nổ banh xác pháo” về các ý tưởng, kiểu dáng như thợ tóc Việt Nam. Do đó, phải nói ngoài khéo tay, thợ tóc Việt còn có biệt tài khéo nói. Tương tự như vậy, kiểu là tóc của thợ Việt nói chung rất… phiêu. Thường thì nhà tạo mẫu cắt xong là… xong, còn lại mọi khâu đều do đàn em, đệ tử lo liệu. Ở nước ngoài, ngược lại, một anh thợ tóc đã làm là phải làm từ A-Z, từ cắt, gội, nhuộm, uốn duỗi… theo yêu cầu của khách, đến sấy, tạo kiểu, hoàn chỉnh. Thời gian làm việc cũng vậy. Thợ Việt có thể làm một mái đầu mất cả ngày, làm cho đến khi xong, khách ưng ý mới thôi. Thợ nước ngoài làm việc theo giờ. Khách trả tiền theo giờ. Một mái đầu đáng nhẽ mất 3 tiếng mà khách chỉ mua giờ trả tiền hai tiếng, thì thợ sẽ làm thời nhanh gấp đôi, đạt đủ yêu cầu có một mái tóc. Nhưng chất lượng không như ý thì khách… ráng chịu. “Có thể nói thợ quốc tế làm tóc với mọi thứ đều rõ ràng, rạch ròi và khoa học, không phiêu lưu, cảm tính như thợ Việt Nam”, anh này nói.

See Also

Khéo nói – Điều kiện đủ

Với bất kỳ người thợ tóc nào mà phóng viên Tóc Đẹp đã có dịp tiếp xúc, trò chuyện, dù là người nói nhiều, hay ít nói, một điểm chung khá giống nhau là họ đều có cái nhìn đồng thuận về quan điểm: Thái độ phục vụ khách hàng có ý nghĩa quyết định đối với làm nghề. Trong quá trình khảo sát, phóng viên Tóc Đẹp chưa gặp bất cứ ý kiến trái chiều nào về quan điểm này.

Nhìn nhận được như vậy, rõ ràng thợ tóc hôm nay đã rất ý thức nghề của mình là nghề dịch vụ. Trong nghề dịch vụ thì thái độ giao tiếp với khách hàng là vô cùng quan trọng, nói cách khác là người thợ có khả năng nói chuyện được với khách hàng hay không, cũng sẽ có ý nghĩa quyết định không thua kém gì so với việc người thợ có thực hiện được mái tóc cho khách hàng được như ý hay không. Một anh thợ dù cắt tóc đẹp đến mấy, nhuộm tóc cho ra được những màu lạ lùng như ý muốn đến mấy, chải bới độc đáo đến mấy, mà lúc nào cũng “lừ đà lừ đừ như ông Từ vào đền”, chắc chắn khách hàng sẽ đến đôi ba lần, thưa dần rồi vắng hẳn. Sự tương tác, giao tiếp, được trò chuyện và lắng nghe cũng là một yêu cầu quen thuộc, dù bất thành văn của khách hàng khi đến các tiệm tóc. Dĩ nhiên, cũng có những anh, chị “thượng đế” cá biệt, đến tiệm chỉ muốn làm tóc xong là “ù”, không muốn hỏi, không muốn nói. Cũng có những trường hợp mà tâm tính khách hàng có thể thay đổi. Giả dụ có một chị vừa mới bỏ chồng, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai mà chỉ muốn đi làm tóc để vứt bớt nỗi sầu bi qua mái tóc, anh thợ tóc không ngầm hiểu được cứ bô bô trò chuyện, thậm chí tán tỉnh, khen ngợi những câu “trớt quớt”, chắc chắn sẽ khiến chị kia đổ quạu, thậm chí còn cho là anh này “xỏ xiên”, “mát mẻ”. Mối quan hệ khách hàng – chủ tiệm vốn thắm thiết có khi thành đổ vỡ như không.

Vì vậy, nhiều thợ tóc cũng cho khéo mồm không có nghĩa chỉ là nói cho hay, cho ngọt, cho lọt lỗ tai mà khéo mồm có khi còn chính là không nói gì cả. Hình dung ngắn gọn của khéo miệng chính là: Hiểu tâm lý khách hàng. Biết nói lúc nào và “dán băng keo vào miệng” ở thời điểm nào. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” tưởng chỉ là câu áp dụng cho các cuộc đấu thương trường hoặc chiến trường vĩ đại, thực ra, cũng là bí quyết đủ để gây dựng sự tin cậy, mến yêu – con đường dẫn đến thành công của một người thợ tóc trong lòng mỗi một khách hàng.

Tóm lại, nói hay mà không làm hay thì chắc chắn dù nói có giỏi đến mức cóc trong hang phải nhảy ra, cũng chỉ được một, hai lần là khách hàng sợ “chạy mất dép”. Mà làm tóc giỏi nhưng không giao tiếp được với khách hàng, cũng coi như là một sự tự hạn chế của người thợ tóc. Đây là hai phụ đề của một mệnh đề thành công. Trên thực tế, vẫn có những người người thuộc ngành tóc thành công nhưng không phải là thợ, không đi lên từ đôi bàn tay của mình. Họ có đầy đủ các tiêu chuẩn để được xem là thành công như làm chủ salon, chủ hãng mỹ phẩm, có danh tiếng, dư của ăn của để, nhưng về mặt nghề thì họ không “hay làm”, không thực sự là nhà tạo mẫu. Họ là những nhà kinh doanh trong ngành tóc đó đúng hơn là những thợ tóc. Và với những nhân vật như vậy thì điều kiện khéo tay lại không nhất thiết được đặt ra!

Y Thư

What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.