My My là thương hiệu salon của nhà tạo mẫu tóc Tống Mỹ Liên, một tên tuổi được biết đến rộng rãi trong giới showbiz, với sự góp mặt ở các chương trình truyền hình về làm đẹp, và những event đình đám thời gian gần như Vietnam Next Top Model.
Nhưng My My còn là một thương hiệu được biết đến tại Sài Gòn từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, do nghệ nhân tóc Tống Hoài Linh gây dựng và phát triển. Ngày nay, khi nghệ nhân tóc Tống Hoài Linh đã “thu mình” trong salon mang tên thật của mình – Linh – và trực tiếp cùng làm việc với con trai Tống Hoài Duy, thì ông vẫn song hành và là một trong những nguồn động viên lớn lao nhất để “ngôi sao may mắn” của ông – nhà tạo mẫu tóc Tống Mỹ Liên – tiếp tục đưa thương hiệu My My tỏa sáng.
Cuộc trò chuyện của Tóc Đẹp với My My – tên quen thuộc của chị – được khơi nguồn bằng chính bài viết của một người trong giới, nhà tạo mẫu tóc Khánh Vĩnh Hoàng về các “vấn nạn” thi cử trong ngành tóc trong số cuối năm 2011. Đã từng là một thí sinh tham dự các cuộc thi tóc mấy chục năm về trước, My My tỏ ra đồng thuận với tác giả bài viết và cũng chia sẻ những niềm nuối tiếc với các em đã chọn sai con đường thi cử.
– Có vẻ như tất cả những nhà tạo mẫu thành danh đều đang khá bức xúc về không khí thi cử của các cuộc thi kéo gần đây, và cá nhân chị cũng không là ngoại lệ. Nhưng nếu nhớ không nhầm thì nhà tạo mẫu tóc My My cũng đã từng được vinh danh ở một số cuộc thi từ nhiều năm trước? Và đó chính là bệ phóng để chị có hôm nay?
Ở thời của tôi mọi cuộc thi dường như vẫn còn rất trong sáng, vô tư. Các nhà làm tóc ai muốn thử sức thì cứ nộp hồ sơ. Thời đó, làm sao có chuyện thí sinh quen biết, có mối quan hệ với Ban giám khảo, với Hội đồng chung tuyển! Làm sao có chuyện Ban tổ chức cũng đồng thời đưa ra các điều kiện anh (hay chị) phải mua ngần này sản phẩm, hàng hóa, thì mới được có phiếu tham dự cuộc thi! Dĩ nhiên là ở thời nào cũng khó tránh chuyện phe phái và hơn nữa đơn vị đứng ra bỏ tiền tổ chức một cuộc thi phải tính toán đến chuyện họ sẽ đạt được “lợi nhuận” là gì. Chính vì vậy, tôi mới nói rằng mọi vấn đề đều phụ thuộc vào quan niệm, tâm tưởng của người làm nghề. Tôi cho rằng đã gọi là “xã hội” thì mọi người đều có thể tham gia, do đó quyết định của từng người rất quan trọng. Liệu cuộc thi có trở thành bệ phóng để mình đi nhanh hơn, thuận lợi trên con đường nghề nghiệp, hay ngược lại chỉ là tấm thảm mà khi đặt chân lên đó mình có thể được vinh danh trong chốc lát nhưng lại trượt ngã nhanh hơn về sau, sẽ tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người.
– Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn những kinh nghiệm mà chị đã trải qua các cuộc thi, ở cương vị thí sinh?
Tôi tham gia cuộc thi đầu tiên vì một lý do hết sức đặc biệt. Khi sinh con đầu lòng, không ai ngờ con của tôi bị bệnh hiểm nghèo và cháu mất. Tôi và chồng rất sốc, cả hai đều bị stress rất nặng và đều phải đi điều trị tâm lý tại bác sĩ Trần Bồng Sơn. Trong quá trình đau khổ và nặng nề đó, tôi nhớ lại những chặng đường mình đã đi qua thủa nhỏ, lúc gia đình tôi phải sống trên một cái nhà sàn, bên dưới là ao rau muống, lúc ba mẹ tôi rất vất vả nuôi các con ăn học. Đặc biệt là ba tôi. Sau giải phóng, ba tôi về quận Bình Thạnh mở một tiệm tóc nhỏ, kiếm ăn lần hồi nuôi các con. Khách hàng đến rất đông và sau đó ba tôi mua thêm miếng đất, mở tiệm ngay cạnh nhà. Rồi khách vào tận nhà làm tóc. Các anh chị em tôi đi học về là làm thợ phụ cho ba. Vì những quãng đời khó khăn, vất vả mà cả gia đình phải nỗ lực trải qua, tôi thấy mình phải có ý chí hơn, mạnh mẽ hơn… (khóc).
Tôi dốc hết mọi nỗi đau vào trong công việc, làm việc quên ăn quên ngủ và cũng là để quên đi nỗi đau mất con. Đăng ký tham gia vào cuộc thi trang điểm thời điểm đó cũng là một cách để tôi vượt qua nỗi đau và tự khẳng định bản thân. Giải nhất mà tôi giành được đã khẳng định được lực chọn của mình là đúng: Để thật sự trỗi dậy sẽ chỉ có công việc và sự đam mê. Hai điều đó cũng đã dẫn tôi đến với cuộc thi Cây kéo vàng 1997 và 1998. Qua đó tôi đã đạt được điều mình mong muốn và cũng là liều thuốc chữa bệnh trầm cảm hay nhất.
Nhớ lại những cuộc thi đã trải qua, với một động lực vươn lên như vậy, thành ra khi nhìn các bạn trẻ hôm nay tham dự các cuộc thi một cách dễ dãi, tôi thấy rất tiếc. Các bạn chọn con đường đi dễ, nhưng sau đó quay lại thì rất khó.
– Ở thời điểm nào, chị dừng lại việc tham dự các cuộc thi?
Sau cuộc thi đầu tiên, tôi đã dần nhận ra cuộc sống và ý nghĩa của nó. Mục tiêu tham gia cuộc thi cũng là để tạo cho mình áp lực luôn phải vươn tới, để mình muốn thử thách. Và sau một thời gian sinh được 2 cháu, tôi mở thêm được một salon nữa, khẳng định được thương hiệu My My, tôi quyết định tham gia một cuộc thi quốc tế là “Asian Pacific” vào năm 2004. Lúc đó, tôi muốn đi ra để thách thức chính bản thân mình và thử xem mình có thể đi ra được không. Gia đình và bạn bè, trong đó có nhà thiết kế Sỹ Hoàng rất ủng hộ tôi. Nhưng trước một ngày lên đường đi Thượng Hải, thì bất ngờ bố chồng tôi mất. Tôi quyết định không đi nữa mà ở nhà chịu tang cho bố. Nhưng rồi mẹ chồng tôi, chồng tôi, những người rất mực yêu thương tôi đã động viên tôi không từ bỏ cuộc thi. Mẹ chồng tôi bảo: “Con đi thì vái ba đi theo phù hộ cho con”. Vậy là sau một ngày túc trực bên linh cữu của bố chồng, tôi lại đi.
Ngẫm lại cuộc đời mình, tôi luôn thấy mình có xui rủi, nhưng trong cái rủi lại có cái may. Mà khi đã may rồi thì trong cái may lại vẫn có cái rủi. Người mẫu mà tôi làm tóc không có trong danh sách người mẫu của Ban tổ chức và không được công nhận. Sau đó khi Ban tổ chức sắp xếp lại, tôi mất nhiều thời gian để làm lại, coi như tinh thần và công việc cũng bị mất đi 50%. Khi về Việt Nam, gia đình và mọi người lại tiếp tục động viên. Tôi quay lại với công việc, tham gia sâu vào việc phổ biến làm tóc, trang điểm qua giảng dạy, làm show trên truyền hình. Và từ đó tôi không tham gia vào cuộc thi nào nữa. Khi đã có một sân chơi mới, được bay bổng và sáng tạo với nó, tôi cũng không còn tha thiết phải khẳng định mình qua các giải thưởng, các cuộc thi. Từ đó, tôi gắn bó với sân chơi mới và dốc hết mình cho thương hiệu My My. Đến năm 2009, tôi bắt đầu động viên các học trò đi thi và nhiều học trò của tôi cũng đã đạt được những thành quả ấn tượng, các em cũng đã bắt đầu chọn được con đường đi đúng.
Một con đường đi đúng, một mục đích sống vững mạnh cho cuộc sống, tay nghề của mình và cho những người mà mình có cơ duyên hội ngộ, đó là điều có ý nghĩa lớn lao nhất đối với cuộc đời tôi.
– Một con đường đi đúng mà chị đã chọn được từ đầu, vượt qua mọi rào cản, hẳn phải có sự định hướng, hay sự đồng hành của ba chị – nghệ nhân tóc Tống Hoài Linh?
Ba tôi là một người rất mê nghề, phải nói là ông đã sống và cống hiến cả đời cho nghề tóc. Ngay từ năm 18 tuổi, ông đã theo học nghề với những người thợ ngoại quốc chuyên nghiệp, do đó ngay từ khi vào nghề ông đã xác định là phải làm việc chuyên nghiệp. Năm 19 tuổi, ông lên thợ chính. Sau đó, do phải trốn quân dịch nên ông không được đứng vai thợ chính ở tiệm nữa. Sau đó khi gặp má tôi, ba tôi vẫn theo nghề và nuôi cả gia đình bằng nghề tóc rồi lần lượt sinh ra các chị Hai, chị Ba tôi. Năm 1968, khi tôi chào đời, ba tôi đặt tên tôi là My My và sau năm đó ông mở tiệm tóc của riêng mình. Ông đặt luôn tiệm tóc tên là My My, coi tôi như “ngôi sao may mắn” của ông. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ của gia đình, và của cả thương hiệu My My mà tôi đang được sở hữu hôm nay.
Cả gia đình tôi sống trong không khí của nghề tóc nhưng tất cả các anh chị em tôi đều được ba má động viên học hành đàng hoàng. Sau giải phóng, cuộc sống nói chung đều rất khó khăn và không có nhiều quan tâm đến thời trang, làm đẹp, cũng không có các cửa hàng cung cấp vật liệu, phụ gia ngành tóc. Ba tôi tận dụng đồ cũ còn sót lại để làm nghề. Ông tự pha chế ra các loại keo sấy tóc, thuốc tóc…, để thay thế cho các hóa mỹ phẩm của các hãng vẫn bán trước đây. Sau này, thấy ba tôi quá vất vả và cuộc sống gia đình còn khó khăn, mặc dù ba má rất động viên nhưng tôi vẫn quyết định đi theo nghề tóc. Lúc tôi theo nghề ba, các thầy cô trong trường rất ngạc nhiên vì tôi học rất giỏi và ai cũng kỳ vọng sau này tôi sẽ thành danh trong con đường học vấn. Một số anh em tôi cố gắng theo đuổi nghiệp học hành như nguyện vọng của ba mẹ, thì hiện nay cũng đã thành công. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng hẳn phải có cái gì đó, người thì gọi là “gen”, ba tôi thì gọi là “máu nghệ thuật”, từ đời ba tôi đã truyền trong huyết quản của anh chị em tôi, nên cho dù có theo các nghề khác, nhiều người trong số 6 anh chị em tôi cuối cùng cũng lại quay về con đường nghệ thuật. Tôi theo ngành tóc và chính thức dựng lại tiệm My My từ năm 21 tuổi, sau khi lấy chồng. Chồng tôi là một người học chuyên ngành Kinh tế, nhưng đã rất hỗ trợ và thấu hiểu công việc của tôi. Anh giúp đỡ cho tôi ngay từ những ngày vào nghề và bây giờ vẫn luôn là người hỗ trợ cho vợ. Em trai tôi là Tống Hoài Duy, học xong đại học, cũng bỏ đi theo nghề của ba. Em gái tôi là Tống Mỹ Ly, cũng đã từng theo nghề ba và bây giờ chuyển sang nghiệp điện ảnh, rất bén duyên. Chúng tôi vẫn có cảm nhận rằng niềm đam mê nghề nghiệp ba tôi, và truyền thống gia đình từ đời ba truyền lại, đã và đang là một cái gì đó, một thứ “nghiệp” mà chúng tôi vừa may mắn được thừa hưởng, vừa phải có trách nhiệm kế thừa, giữ gìn.
– Cuối cùng, khi nhìn lại những gì đã trải nghiệm, chị có thể nói gì về hai chữ “thành công”?
Tôi không nghĩ mình là người thành công, mà là người may mắn. Cuộc sống đôi khi chỉ cần ưu đãi 1% may mắn với mỗi người, đã là một thiện hạnh. Tôi thấu hiểu điều đó nên vừa đam mê hết mình cho công việc, nhưng cũng đam mê và sống hết lòng cho những người thân. Nói đúng hơn, tôi là người biết cân bằng mọi thứ. Một điều quan trọng nữa, tôi tin là khi đã chọn điều gì và sống hết mình cho điều đó, cuộc đời sẽ không phụ mình!
– Và chị có thể cho biết tới đây, mong ước lớn nhất mà chị ấp ủ thực hiện?
Tôi muốn gây dựng một cơ sở, thương hiệu có thể mang tên “Linh’s Family” – Gia đình Linh! Còn cách làm như thế nào thì xin được… giữ bí mật. Còn về cá nhân, tương lai, tôi đã và đang học hỏi để không chỉ là nhà tạo mẫu tóc, chuyên gia trang điểm mà còn là một stylist. Và điều cuối cùng là tôi phải cảm ơn ba đã cho tôi một dòng máu nghệ thuật và má là người đã luôn động viên tôi, ông xã tôi cũng luôn sát cánh cùng vợ và những niềm đam mê công việc bất tận. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một gia đình – và tôi là một ngôi sao may mắn!
– Xin chúc cho mong ước của chị sớm thành hiện thực!