Đại lễ tri ân tổ nghiệp ngành tóc 2016 đã chính thức khép lại nhưng dư âm của sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các nhà tạo mẫu Việt Nam vẫn còn đọng lại. Cùng Tóc Đẹp trò chuyện với NTMT Khánh Vĩnh Hoàng để lắng nghe những chia sẻ thú vị trong chuỗi hoạt động hướng về cội nguồn lịch sử của ngành tóc nước nhà!
Chân dung NTMT Khánh Vĩnh Hoàng
Xin Chào NTMT Khánh Vĩnh Hoàng! Thời gian vừa qua Liên hiệp các CLB ngành tóc phía Bắc đã tổ chức thành công sự kiện Đại Lễ Tri Ân Tổ Nghiệp Ngành Tóc 2016 tại đình làng Kim Liên Hà Nội. Cảm nhận của Khánh như thế nào khi là đại diện các NTMT trong Tp Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham dự sự kiện này?
Đại lễ tri ân tổ nghiệp ngành tóc 2016 thu hút sự tham gia của hàng nghìn các NTMT trên khắp mọi miền tổ quốc
Thật hân hạnh cho Khánh khi được tham gia Đại Lễ Tri Ân Tổ Nghiệp Ngành Tóc 2016 do Liên hiệp các CLB ngành tóc phía Bắc tổ chức tại đình làng Kim Liên năm nay.Trước nhất cho Khánh xin cám ơn các anh em đồng nghiệp phía Bắc đã bỏ nhiều công sức và thời gian để đưa ngày lễ kỉ niệm này về với đất tổ, nơi khai sinh ra một ngành nghề cao quí cho dân tộc Việt Nam.Thật xúc động trong hương khói nghi ngút những người con từ khắp mọi miền đất nước trở về cội nguồn với lòng thành kính dâng hương lên Tổ nghiệp.
NTMT Khánh Vĩnh Hoàng (Đại diện các nhà tạo mẫu tóc Tp Hồ Chí Minh) đang thực hiện cắt tóc cho du khách tham dự lễ hội.
Khánh đánh giá như thế nào về những chuỗi hoạt động trong sự kiện và các công tác chuẩn bị của anh chị em đồng nghiệp khu vực phía Bắc?
Đại lễ tri ân tổ nghiệp ngành tóc 2016 được liên hiệp các CLB ngành tóc phía Bắc cùng các anh em đồng nghiệp chuẩn bị rất chu đáo với rất nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa. Qua đó Khánh cũng thấy được tinh thần đoàn kết chung tay của tất cả mọi người cùng hướng lòng thành kính của mình để tưởng nhớ đến cha ông tổ nghiệp.
NTMT Khánh Vĩnh Hoàng có những chia sẻ thú vị trong buổi tọa đàm “Bốn phương xum họp” với sự tham gia của các khánh mời tiêu biểu như:ông Phạm Gia Ngọc (Trưởng ban VHXH đình làng Kim Liên), NTMT Thúy Hằng (Chủ tịch Liên hiệp các CLB Ngành tóc phía Bắc), ông Nguyễn Văn Trọng (Tổng GĐ công ty TNHH TM&DV Mỹ Đình), ông Nguyễn Đức Dũng (GĐ công ty TNHH TM&DV Thiên An)
Được biết Lễ Giỗ Tổ Ngành Tóc 2016 cũng được Hệ thống Vĩnh Hoàng & các NTMT uy tín tại Tp Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu mỗi năm. Tham dự chương trình lần này tại Hà Nội, Khánh cảm nhận như thế nào về những điểm khác biệt giữa sự kiện của hai miền?
Về vấn đề vì sao miền Nam và miền Bắc lại có hai ngày giỗ Tổ khác nhau thì đó lại là một câu chuyện dài… Trước năm 1996, một số các thợ cắt tóc miền Nam giỗ tổ theo hệ thống Vĩnh Hoàng. Vì ông Nguyễn Vĩnh Hoàng là người Việt Nam đầu tiên bước chân vào ngành uốn tóc nữ từ một người thợ cắt tóc Nam (Vào khoảng năm1923). Mặc dù hệ thống Vĩnh Hoàng đã đào tạo ra rất nhiều thợ tóc trải dài khắp miền đất nước nhưng ở Sài Gòn thời bấy giờ thợ tóc người Hoa chiếm cũng khá nhiều,và vì thế họ không thể thờ một ông tổ là người Việt nên thời đó cũng xảy ra nhiều tranh cãi. Thế là một ngày giổ tổ được chọn và ngày đó là ngày 20/1 Âm Lịch được các anh em trong Sài Gòn lựa chọn như một thói quen, địa điểm mà mọi người họp để chọn ngày Khánh vẫn còn nhớ đó là quán hủ tiếu Hồng Phát nằm trên đường Võ Văn Tần!
Và cứ thế thợ tóc miền Nam cứ theo ngày này – ngày mà một số hãng mỹ phẩm còn “tận dụng” luôn để tổ chức nhằm PR thương hiệu. Đáng buồn là họ tổ chức theo kiểu chạy đua, mời đến giỗ tổ là cứ đến, không cần biết nguồn gốc ông tổ này từ đâu ra, rồi cũng nhang đèn cúng bái cầu xin khấn vái cho an khang thịnh vượng! Để không trùng ngày nhau, các hãng còn ngầm chia ngày nhau mà tổ chức không cần đúng ngày cũng được, miễn sao mời được các nhà tạo mẫu tóc đến càng đông càng tốt để dễ dàng PR sản phẩm. Thiết nghĩ tín ngưỡng tri ân tổ nghiệp là điều rất đáng quý, nhưng đừng để thương mại hoá một cách quá đà sẽ làm mất đi nét đẹp của truyền thống quý báu trong ngành tóc nói riêng & dân tộc Việt Nam ta nói chung.
Còn ở ngoài Bắc, có hẳn di tích lịch sử là ngôi đình làng Kim Liên, Hà Nội cổ kính, có căn cứ là nơi bắt nguồn của ngành tóc Việt Nam đã được ghi chép lại rõ ràng. Nên từ đó các anh em đồng nghiệp ba miền đã tập trung lại làm lễ tri ân tổ nghiệp hàng năm.
Các nhà tạo mẫu tóc uy tín – thành viên các CLB tóc đến từ ba miền tổ quốc cùng nhau hội tụ về đình làng Kim Liên (Nơi được coi là cội nguồn của ngành tóc Việt Nam) trong ngày tri ân tổ nghiệp
Năm tới Khánh có dự định làm “cầu nối” giúp ngành tóc Bắc – Nam quy tụ, cùng chung tay tổ chức Lễ Giỗ Tổ Ngành tóc Việt Nam 2017?
Sau chuyến đi về tận làng Kim Liên, Hà Nội trong ngày giỗ tổ ngành tóc lần này Khánh thật sự xúc động khi tận mắt nhìn thấy những chuỗi hoạt động của một làng nghề truyền thống thiêng liêng của mình. Khánh tự hứa sẽ chung vai góp sức cùng anh em đồng nghiệp đưa các nhà tạo mẫu tóc miền Nam về với tổ nghiệp, về với cội nguồn lịch sử nơi ông cha đã phát những nhát kéo đầu tiên. Để Nam – Trung – Bắc cùng nhau khai kéo ngày giỗ tổ, cùng nhau thắp những nén hương thơm ghi nhớ công ơn của những bậc thầy đi trước và xây dựng chia sẻ những kinh nghiệm cho thế hệ trẻ mai sau.
Các nhà tạo mẫu tóc của ba miền tổ quốc cùng nhau thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của cha ông nhân ngày tri ân tổ nghiệp
Theo Khánh thì ngành tạo mẫu tóc Việt Nam sẽ phát triển theo hướng đi nào & liệu rằng giới trẻ đến với nghề tóc sau này có còn gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của nước nhà thông qua sự kiện Đại Lễ Tri Ân Tổ Nghiệp Ngành Tóc?
Ngành tạo mẫu tóc Việt Nam là một ngành khá mới mẻ và đang trên đà phát triển mạnh. Với phương châm “Người đi trước rước người đi sau”, Khánh sẽ cố gắng chia sẻ những nhiệt huyết trong nghề của mình đến với thế hệ trẻ để mai sau mọi người có thể cùng chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa này và noi theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Cũng trong chuỗi hoạt động tri ân tổ nghiệp ngành tóc 2016, đêm gala tôn vinh các NTMT uy tín xuất sắc có tầm ảnh hưởng đến ngành tóc nước nhà cũng được diễn ra trong không khí sôi động
Cảm ơn những chia sẻ của NTMT Khánh Vĩnh Hoàng đối với bạn đọc Tóc Đẹp, chúc NTMT Khánh Vĩnh Hoàng luôn thành công trong cuộc sống!
Ảnh: HoangTungLee
Thực hiện: Song Ngư