Now Reading
Phải làm gì khi xăng lại tăng?

Phải làm gì khi xăng lại tăng?

Vừa phải đối mặt với “bão” tỷ giá, vào thời điểm này, người dân và các doanh nghiệp lại đang cuống cuồng lo lắng trước thông tin giá xăng dầu tăng ngày hôm qua. Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống rất lơn và theo đó, chúng ta buộc phải nghĩ cách để đối phó với thực trạng này.

Ngày hôm qua 7/3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán các chủng loại xăng dầu trong nước ở địa bàn gần cảng nhập khẩu, gần nhà máy sản xuất, chế biến xăng, dầu. Cụ thể, tăng 2.100 đồng/lít (xăng RON 92 từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít), Dầu diezel điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (diezel 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít);Dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít (dầu hỏa từ 20.200 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít); Ma zút điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg (madut 3,5S từ 16.800 đồng/lít lên mức 18.800 đồng/kg).

Xăng tăng –“nước lên thuyền cũng phải lên”

Tâm lý bất ổn đang gia tăng trong dân chúng vì tiền xăng cũng là gánh nặng của ngân sách gia đình.Sau giá điện, giá gas rồi đến giá xăng dầu tiếp tục tăng vọt làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân vì các hàng hóa khác cũng đồng loạt lên giá ngay sau khi giá xăng tăng.

Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy những khó khăn phải đối mặt khi giá xăng dầu tăng, nhưng “nước lên thì thuyền lên”, để tồn tại, họ buộc phải tìm cách đối phó, điều chỉnh, cân đối cho phù hợp với bối cảnh nhiều mặt hàng đang tăng giá như hiện nay.

“Nếu giá xăng dầu tăng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá cước” – đại diện một hãng vận tải taxi tại Hà Nội cho hay.


Giá xăng 92 tăng từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít

Không chỉ có thế, xăng lên giá kéo theo tiền thực phẩm, tiền sinh hoạt, vệ sinh, tiền nhà ở…cũng không nằm ngoài vòng quay tăng, khiến cho đời sống hàng triệu người dân, đặc biệt là  những người nghèo, sinh viên, người có thu nhập thấp phải lao đao, chật vật .

Đối phó khi giá xăng tăng

Cuộc chiến giá cả leo thang đối với những người làm công ăn lương chưa bao giờ dừng lại và ngày một cam go hơn khi mà cứ từng ngày các vật phẩm thiết yếu kéo nhau tăng giá vùn vụt theo kiểu “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng cao. Việc xăng sẽ tăng giá không mấy ai là không biết, nhưng xăng đột ngột tăng như vậy vẫn khiến cho không ít người bất ngờ.

Người dân chỉ biết “than trời” khi “cái gì cũng tăng mà lương vẫn giẫm chân tại chỗ?”. Trong bối cảnh này, chúng ta buộc phải nghĩ  đủ cách đối phó với hiện thực, để cân bằng được chi tiêu, đảm bảo được chất lượng cuộc sống với mức chi phí hạn chế tối đa.

1. Điều chỉnh thói quen đi lại

Người tiêu dùng nên  suy nghĩ "trên một lần" trước bất kể thứ gì liên quan tới xăng dầu. Sau một thời gian áp dụng chiêu thức tiết kiệm xăng, chị Thu (Giảng Võ, Hà Nội) tự tin chia sẻ với nhiều đồng nghiệp ở cơ quan. Bí quyết của chị là sáng dậy sớm đi bộ ra chợ gần nhà hoặc để cuối giờ làm, mua đồ ăn gần công ty, chứ tuyệt đối không sử dụng xe gắn máy để đi chợ như trước. Theo chị Thu, việc tắc đường, vít ga nhích từng chút trong các chợ là nguyên nhân tốn không ít xăng. Nay nhờ việc tăng cường “tản bộ” mà chị tiết kiệm được một phần tiền xăng mà lại khỏe chân hơn.


Kết hợp trong việc di chuyển sẽ giúp tiết kiệm tiền xăng

Nhiều gia đình chọn cách kết hợp di chuyển để hạn chế phải chi tiền xăng. Hai vợ chồng chị Mai bình thường vẫn đi làm bằng hai xe gắn máy cho chủ động vì Mai là một nhân viên tín dụng nên hay phải đi ra ngoài. Với hai chiếc xe máy, mỗi tháng 2 vợ chồng Mai "đốt" khoảng 1,2 triệu đồng tiền xăng, nhưng với mức giá mới, mỗi tháng tiền xăng sẽ ngốn khoảng 1,5 triệu đồng.

“Tình hình này, tôi sẽ “quá giang” xe với chồng từ nhà đến cơ quan. Xe máy của tôi thì sẽ để luôn ở cơ quan, nếu có việc gì cần thì mới đi ra ngoài, như thế vẫn đảm bảo được giờ giấc mà cũng đỡ tốn kém một chút”, Mai nói.

2. Lựa chọn phương tiện tiêu tốn năng lượng ít hơn

Nhiều người để hạn chế chi quá nhiều tiền cho xăng nên đã lựa chọn cách thay đổi phương tiện, hình thức di chuyển như bỏ ô tô đi xe máy, bỏ xe tay ga đi xe số, hay ko đi xe gắn máy nữa mà chuyển sang xe đạp, đi xe bus, đi bộ hoặc chọn một phương tiện khác đỡ hao xăng nhất…với một mục đích: tiết kiệm tối đa.

Không chỉ biết than thở, giới sinh viên còn vội vã truyền tai nhau những “mẹo” tiết kiệm để đối phó với tình hình giá xăng tăng.“Ra đường nên xác định cần thiết hãy đi. Nếu đi gần nên dùng xe máy hoặc đi bộ. Nếu đi ngoại tỉnh mới nên đi ô tô. Nếu đi chơi vài người không xác định được giờ giấc thì nên chọn xe buýt hoặc taxi. Khi tắc đường nên tắt máy động cơ nếu chờ lâu quá 2 phút. Khi dừng xe nên tắt máy trước khi về số…” – lời khuyên của một sinh viên.


Xe đạp điện – lựa chọn mới của nhiều chị em 

Thời gian gần đây, xe đạp điện đang có xu hướng “soán” ngôi xe máy. Đặc biệt là thời điểm giá xăng tăng kỉ lục như hiện nay. “Đi xe đạp điện cũng đẹp, gọn trông khá nữ tính và lại dễ đi nữa. Nhiều lúc thong thả, đường vắng chút, tôi có thể tự đạp xe, vừa khỏe người, lại kinh tế”, cô gái trẻ tên Hoa cho biết.

3. Chú ý mẹo để xe ít hao xăng

Tiến sĩ Phạm Hữu Tuyến, phó phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, viện cơ khí động lực đưa ra lời khuyên: việc tiết kiệm xăng hay không phần lớn còn phụ thuộc vào người lái xe. Nếu người lái xe đó có kỹ năng sử dụng xe tốt sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn. Cụ thể, trong quá trình xe vận hành người sử dụng nên duy trì ổn định tốc độ nếu có thể, không sử dụng chân phanh nhiều, tăng hay giảm ga mạnh, mà nên ga đều, từ từ; lốp xe luôn đủ cân; khi dừng xe trong khoảng thời gian lâu nên tắt máy. Đồng thời, xe cần được vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên.


Nhiều dòng xe công nghệ mới ra đời được cải tiến để tiêu tốn ít năng lượng

Bên  cạnh đó, phương án giúp tiết kiệm xăng nữa được nhiều người sử dụng đó là chọn xe công nghệ mới, động cơ được cải tiến, tiết kiệm xăng hơn như phun xăng điện tử, xe sử dụng bộ hòa khí không đồng nhất (công nghệ van biến thiên). Với hệ thống này, sẽ hạn chế tiết kiệm tối đa nhiên liệu, như khi phanh, động cơ sẽ ngừng phun nhiên liệu, nhất là lượng khí thải do động cơ thải ra sẽ giảm.

Do xăng có đặc tính giãn nở theo nhiệt độ, nên đổ xăng vào sáng sớm, nhất là khi trời lạnh, bạn sẽ được nhiều xăng hơn so với việc mua vào buổi trưa hoặc chiều.

4.Tập trung vào nhu cầu thiết yếu

Ở Mỹ, người dân đã thay đổi lối sống vì giá xăng dầu từ rất lâu, từ việc đi mua sắm tạp phẩm, tới những cửa hàng giảm giá, sử dụng đồ xa xỉ, đi tới công sở… Câu chuyện hàng ngày của những người dân Mỹ giờ chủ điểm là việc phải hủy bỏ nhiều kỳ nghỉ gia đình vì giá xăng dầu lên cao, những người phụ nữ trung tuổi thậm chí còn thường bàn nhau cách tiết kiệm chi phí, giảm đầu tư vào việc làm đẹp như nhuộm tóc, làm móng tay.

Hạn chế việc mua sắm không tính toán, tổ chức các cuộc ăn nhậu, tụ tập tốn kém… thay vào đó hãy xác định các nhu cầu cần thiết nhất cho bản thân và gia đình để điều chỉnh lại thói quen chi tiêu.


Chắc hẳn bạn sẽ không còn "mạnh dạn" tuyên bố thế này trong thời điểm hiện nay

Việc tăng giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, mỗi người tiêu dùng, mỗi gia đình cần có những cách đối phó tốt nhất để đảm bảo được cuộc sống trong tình hình kinh tế đang có nhiều biến động bất lợi.

FFenh

 

What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.