Vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/2012 vừa qua, Cty TNHH Thời Trang Tóc Ngọc Nữ đã tổ chức chương trình khám sức khoẻ tổng quát cho toàn bộ nhân viên trong hai ngày. Đây có thể xem là lần đâu tiên một công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thời trang tóc có sự quan tâm đặc biệt tới nhân viên, theo hình thức và nội dung tương tự như ở một doanh nghiệp, công ty quy mô lớn.
Phòng khám Đa Khoa SeaSain International Clinic – Nam Á đã ký kết hợp đồng khám sức khoẻ tổng quát cho nhân viên thuộc Cty TNHH Thời Trang Tóc Ngọc Nữ. Tại đây, hơn 40 nhân viên của Cty Thời Trang Tóc Ngọc Nữ không chỉ được khám sức khoẻ miễn phí và còn được công ty yêu cầu và cam kết chi trả mọi khoản chi phí liên quan đến đợt khám sức khoẻ, trong trường hợp sau khám tổng quát, các bác sĩ có nhu cầu khoanh vùng bệnh nhân (nếu có) để khám chuyên sâu thêm một lần nữa. Đại diện của Cty Thời Trang Tóc Ngọc Nữ, nhà tạo mẫu tóc Phạm Ngọc Nữ cũng cho biết nếu có trường hợp nhân viên có bệnh cần được chăm sóc, điều trị, khám chữa bệnh kỹ càng hơn sau đợt khám tổng quát, công ty cũng sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí cho nhân viên đó yên tâm chữa bệnh.
Cũng trong khuôn khổ các chuỗi hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội cộng đồng của một doanh nghiệp, trong tháng 7 tới đây, Cty TNHH Thời Trang Tóc Ngọc Nữ đã đăng ký tham dự là một trong những đối tác – partner chính của chương trình Đào tạo Dạy nghề tóc miễn phí cho các trẻ em làng trẻ SOS Việt Nam, do nhãn hàng Schwarzkopf thuộc tập đoàn Henkel (Đức) thực hiện. Đây là hoạt động thường niên được tập đoàn phát động trên quy mô toàn cầu, nội dung chủ yếu là Đào tạo, Dạy nghề tóc theo hình thức “chéo”, được thực hiện bởi các tình nguyện viên đa quốc gia, và đối tượng thụ hưởng là các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, cần có nhu cầu được có một công ăn việc làm để làm kế sinh nhai trong tương lai.
Năm nay, chương trình Đào tạo, dạy nghề tóc ở Việt Nam được thực hiện tại làng trẻ SOS quận Gò Vấp (TP.HCM) do 6 tình nguyện viên đến từ Australia giảng dạy và khoảng 30 trẻ em trên toàn quốc là đối tượng tham dự chương trình học nghề này. Một số trẻ em đến từ các làng trẻ SOS khác trong cả nước, ngoài được đào tạo nghề, dạy nghề tóc miễn phí, còn được Tập đoàn Henkel đài thọ chi phí máy bay đi lại, ăn ở. Tuy nhiên, do chương trình chỉ thực hiện trong vòng 30 ngày và khoảng thời gian đó các tình nguyện viên chỉ có thể truyền đạt được các kỹ năng cắt tóc, uốn tóc cơ bản. Vì vậy, để các em có thể nắm được những kỹ năng chuyên sâu và toàn diện của nghề tóc, có thể thực hành nghề thực sự trong tương lai, thì sau 30 ngày học cơ bản, các em còn cần được học tiếp tại các salon, học viện tóc có uy tín khác. Salon Ngọc Nữ là một trong những địa chỉ để các em có thể tiếp tục theo học chuyên sâu. NTMT Ngọc Nữ cho biết chị đã đồng ý nhận ½ học viên tại lớp học 1 tháng của chương trình để đào tạo về sau và sẽ đào tạo cho đến khi nào các em thành nghề. Ra nghề, chị sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm giới thiệu công việc cho các em đi làm, hoặc nhận các em ở lại một trong các chi nhánh salon của công ty chị để làm nghề, thậm chí, nếu các em muốn về quê mở tiệm độc lập để làm nghề, chị sẵn sàng hỗ trợ tài chính ban đầu để các em có cơ sở triển khai nghề, vừa có thể tự đảm bảo cuộc sống cá nhân, vừa có có cơ hội đóng góp cho ngành tóc và cho toàn xã hội.
Những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội cộng đồng của công ty Thời trang Tóc Ngọc Nữ đã cho thấy cái tâm và tầm của một người giám đốc, nhà lãnh đạo đứng đầu một công ty. Điều đó cũng là cơ sở để dấy lên mong đợi các doanh nghiệp, công ty, các nhà tạo mẫu tóc hoàn toàn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, bắt đầu từ những công việc nhỏ của ngày hôm nay. Phóng viên Tóc Đẹp đã trao đổi nhanh với NTMT Ngọc Nữ.
– Chị có thể cho biết vì sao chị chọn cách cho nhân viên đi khám sức khoẻ tổng quát, thay vì có thể thưởng cho nhân viên và họ có thể tự làm điều đó?
– NTMT Phạm Ngọc Nữ: Trước nay, trong các dịp lễ, cty chúng tôi hay thưởng tiền cho cán bộ công nhân viên. Họ thích mua gì thì mua, làm gì thì làm. Nhưng ở thời điểm này thì tôi nhận thấy cuộc sống nhân viên một khi đã tốt lên, xã hội đã phát triển, đôi khi thưởng tiền, thưởng vật chất cho nhân viên không còn ý nghĩa. Khi đời sống ổn định và xã hội văn minh hơn, nhu cầu quan trọng nhất của con người là tinh thần và tài sản quý giá nhất của của con người lại chính là sức khoẻ. Do đó, ngoài việc lo cho người lao động một công việc tốt, thu nhập ổn định thì người lãnh đạo còn phải biết quan tâm chăm lo sức khoẻ cho người lao động, động viên, khuyến khích tinh thần của họ. Đây không phải là một hoạt động mới đối với các doanh nghiệp nói chung, nhưng lại là hoạt động mới trong các ngành tóc. Tôi hy vọng điều này sẽ tạo ra sự khích động để các salon trong ngành tóc cũng sẽ theo. Nhân lực được chăm sóc tốt, không lo ngành không phát triển.
– Hẳn sẽ có người đặt dấu hỏi về các hoạt động từ thiện, thể hiện trách nhiệm xã hội cộng đồng của chị. Chị nghĩ gì về điều này?
– NTMT Phạm Ngọc Nữ: Một thời gian trước đây, tôi bị bệnh tim phải lên bàn mổ. Oái ăm là máu tôi thuộc nhóm máu AB, nhóm hiếm mà tỷ lệ người có là 1/100, thậm chí có rồi cũng không đủ chuẩn để cho hoặc nhận máu. Đã có rất nhiều người tôi không biết tên, biết mặt, không quen thân hay có mối liên hệ nào, sau khi biết được thông tin có người cần hiến máu – do nhiều công ty mỹ phẩm, anh chị em trong ngành tóc truyền tải thông tin – đã tìm đến bệnh viện nơi tôi nằm để thử nhóm máu và tình nguyện cho máu. Có những người thử máu mình không đạt, liền gọi mẹ đến thử. Bà mẹ đến thử không đạt, liền huy động cả chi hội chữ thập đỏ ở tỉnh tàu xe lên thành phố để thử máu. Khi thử máu để cho tôi, chắc chắn họ không có mong cầu gì ngoài mong muốn được góp phần cứu sống một con người, được thể hiện trách nhiệm, tình người với người trong xã hội. Tôi mãi mãi không bao giờ quên điều đó và từ lúc tỉnh dậy trên bàn mổ trở đi, tôi đã tâm nguyện sẽ luôn luôn làm từ thiện, làm điều thiện ở mọi lúc, mọi nơi, khi tôi có khả năng. Điều đó xuất phát từ tấm lòng, từ cái tâm, do đó tôi không đắn đo hay phải nghĩ ngợi nhiều.
– Xin cảm ơn chị!