Tóc Đẹp – Bạn là người chủ kinh doanh salon hay là một người làm thuê? Dù bạn là ai, hãy áp dụng những quy tắc vàng trong quản trị nhân sự sau đây, để môi trường trong salon luôn hòa khí và thoải mái. Khách hàng sẽ ghi nhận điều này ở salon của bạn.
Bạn là người chủ
1. Xây dựng “chuẩn” của salon
Hãy xây dựng thương hiệu của salon và để khách hàng đến vì cái tên chung đó chứ không phải vì một cá nhân nào cả. Hãy để mắt đến mọi thứ, từ tay nghề của thợ, tác phong sinh hoạt, thái độ đối xử, vệ sinh chung… Hãy yêu cầu nhân viên của bạn tuân thủ triệt để những quy định mà bạn đề ra. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt từ các hình thức từ nhẹ đến nặng và bạn cũng đừng bao giờ thay đổi 180o những quy định này.
2. Quan tâm đến nhân viên
Là một người chủ tốt, bạn cần quan tâm đều khắp đến các nhân viên. Để họ thấy rằng họ có thể tin cậy ở bạn và bạn có thể đem lại cho họ điều gì. Hãy tạo một môi trường làm việc tích cực, trong đó mọi cá nhân đều cố gắng và được hưởng xứng đáng với những gì họ bỏ ra.
3. Thông điệp “mở”
Để tránh hiểu lầm đáng tiếc, bạn nên đưa ra những thông điệp “mở” để đảm bảo những quyết định, phán quyết hành động của mình luôn rõ ràng minh bạch. Hãy luôn để mở cánh cửa lòng, đón nhận mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân viên để giải quyết ngay tức thì.
4. Tuân thủ quy định chung
Đừng mong nhân viên làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ trong khi bạn chỉ đủng đỉnh với 6 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn không chịu làm gương, mọi quy định chỉ còn là những lý thuyết suông. Nhân viên chắc chắn sẽ cảm thấy ức chế khi chủ chỉ thích “hạ chỉ” cho người khác.
5. Cư xử công bằng
Đừng đưa tình cảm riêng tư vào công việc chung. Đó là quy tắc tối quan trọng để bạn có được sự tôn trọng và vị nể của nhân viên. Đây cũng là cách hạn chế tối đa những thù ghét không đáng có giữa các nhân viên.
6. Phần thưởng xứng đáng
Đặt mục tiêu cần hướng tới cho nhân viên, có phần thưởng cho những cá nhân hoàn thành nhiệm vụ. Hành động khuyến khích này cần được thực hiện công khai, minh bạch. Ai làm tốt hơn sẽ được phần thưởng hậu hĩnh hơn. Đừng thưởng tùy tiện kiểu “rải khắp”.
7. Phản hồi tích cực
Thúc đẩy, khuyến khích nhân viên làm việc bằng những lời động viên, khen ngợi khi họ làm tốt; góp ý với tính chất xây dựng khi họ mắc lỗi lầm, để cùng đưa ra hướng giải quyết sửa đổi. Bạn nhớ nhé, một nhân viên nào đó làm sai mà bạn không “chỉnh” cũng làm những người khác thấy khó chịu và sẽ gây mất đoàn kết nội bộ đấy.
8. Đào tạo người “yếu”
Hãy “tận dụng” những nhân viên giỏi chuyên môn hơn để chỉ bảo, dạy dỗ những người yếu kém, hoặc lấy nhân viên cũ đào tạo nhân viên mới. Tất nhiên đây là một phương án hay nhưng đừng lạm dụng quá đà. Nếu muốn chuyên nghiệp hơn, tốt nhất bạn nên mở hẳn khóa đào tạo cho những nhân viên “yếu”, với sự hướng dẫn của những chuyên gia.
9. Tác phong chuyên nghiệp
Nhân viên có biết “sợ” và nể người chủ họ mới nghe lời. Làm sao để khiến họ luôn nể vì? Hãy luôn giữ tác phong chuyên nghiệp, đừng thoải mái quá, trông bệ rạc, lôi thôi, nói năng thiếu giữ gìn…
Bạn là nhân viên
1. Không lăng xăng
Nếu không phải việc của mình thì đừng có “dính mũi” vào, trừ khi đồng nghiệp đề nghị được giúp đỡ. Bạn đang nghĩ đơn giản là giúp đỡ họ, nhưng biết đâu họ lại nghĩ bạn đang muốn “cướp” công việc của họ thì sao.
2. Không tụ tập “buôn dưa lê”
Không chỉ tốn thời gian, hoạt động này còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chung của salon. Khách hàng sẽ đánh giá khi bước chân vào một salon mà nhân viên đang túm tụm buôn bán, cười đùa giả lả…
3. Đừng tỏ ra “biết tuốt”
Ai làm gì cũng xen vào bình luận, công việc gì cũng lăng xăng đòi chỉ đạo, vấn đề gì cũng cho là mình đúng, hơi một tí lại khoe khoang mình hiểu biết… Cái trò “thùng rỗng kêu to” của bạn làm người khác khó chịu lắm đấy, đặc biệt khi bạn là một “lính mới”.
Hãy xây dựng thương hiệu của salon và để khách hàng đến vì cái tên chung đó chứ không phải vì một cá nhân nào cả.