Trên Facebook, Hân Amida là một cái tên quen thuộc với rất nhiều người. Rất nhiều bạn trẻ tự post những mái tóc của mình lên để bày tỏ niềm vui cũng là một cách cám ơn nhà tạo mẫu tại panpage của Hân. Có lẽ không phải ai cũng có được vinh hạnh như vậy, từ phía khách hàng, nhất là từ những khách hàng rất trẻ, rất “style” và nhiều khi cũng rất “ngẫu hứng" trong các yêu cầu làm đẹp.

Sau cuộc F5 Mái tóc cùng Tóc Đẹp tại TP.HCM, Tóc Đẹp cũng tranh thủ có cuộc phỏng vấn với Hân Amida, nhà tạo mẫu tóc Lê Công Hân mà cái tên giúp liên tưởng đến câu niệm " Adidaphat” trong Phật giáo.

Sở trường: Thay đổi hoàn toàn gương mặt cho khách hàng

– Điều gì đọng lại trong anh sau khi cùng Tóc Đẹp thực hiện F5 Mái tóc cho 8 bạn gái trên địa bàn TP.HCM?

Mọi người luôn có cảm hứng F5, điều đó thực sự quan trọng nhất. Và Hân rất vui đã làm đẹp cho tất cả các bạn, nhất là nhận được sự hứng khởi, thỏa mãn với mái tóc của mình từ chính các bạn sau khi bước khi khỏi ghế ngồi tại Hân Amida.

Điều gì anh chưa hài lòng?

Thời gian. Sự vội vã và cùng lúc quá nhiều người và hơn hết là có vài bạn có tóc mái không đủ dài, đủ điều kiện để chỉnh sửa hài hoà gương mặt, nên Hân chưa thấy mình “đã tay”, chưa làm được những gì mình thích, vốn là sở trường của Hân. 

– Vậy anh tự nhận thấy sở trường của anh là gì?

Giúp ai đó thay đổi mình hoàn toàn với mái tóc. Đó cũng là lý do khiến Hân rất hào hứng khi tham gia F5 với Tóc Đẹp. Hân có thể giúp một người “thay hình đổi dạng” có thể nói gần như hoàn toàn, tất nhiên theo chiều hướng đẹp hơn, thời trang hơn. Không tin, có thể lên Facebook xem các bạn khách hàng nói về Hân hoặc xem các mẫu tóc Hân đã làm với những người mẫu thực tế, những kiểu tóc trong đời thường được thể hiện qua các bức hình so sánh người mẫu before (trước) và After (sau).

– Ấn tượng đầu tiên khi gặp là anh rất trẻ, trẻ hơn nhiều so với những gì anh đã quyết tâm làm và làm được trong nghề tóc, trong chuyện xây dựng một thương hiệu. Có bí quyết hay ai mách nước cho anh không, khi anh chính thức bước vào nghề?

Con đường sự nghiệp của Hân còn rất dài và Hân chưa dám nhận mình đã thành công . '' phong độ chỉ là nhất thời thôi '' nên Hân cũng không dám nói mình có bí quyết gì. Hân làm việc dựa theo cảm nhận và và suy nghĩ đơn giản : trước nhất phải có tay nghề giỏi, kế tiếp là biết quản lý nhân sự, chiêu thức kinh doanh, quảng bá thương hiệu.

– Anh có thể nói về chiêu thức kinh doanh và quảng bá thương hiệu? Được biết Hân học tại Khánh Vĩnh Hoàng, tại sao anh không chọn một thương hiệu gắn với trường phái “Vĩnh Hoàng” như nhiều học sinh từ đây bước ra nghề đã chọn?

Hân quyết định khác vì với Hân, tên một thương hiệu rất quan trọng. Nó theo mình suốt đời nên nó phải rất ý nghĩa và giúp mình, giúp người. Hân chọn tên Amida vì nếu đó là khách hàng của Hân thì họ sẽ biết rằng Amida là danh hiệu của Phật trung chi vương, ai mà được nghe qua thì trước sau gì cũng sẽ thành Phật. Ngoài ra khi Hân đặt bảng hiệu như vậy, bản thân mình sẽ kìm nén được tham sân si. Sau này khách hàng đông, Hân cũng không được tính giá quá cao, như vậy thiếu Tâm Bồ đề. Hân cũng không được coi thường khách, không được làm ăn gian dối vô trách nhiệm… Nói chung là không để người ta nói người học Phật mà không tốt. Nếu Hân làm sai là Hân đang bôi nhọ Phật pháp, tội này nặng lắm sẽ bị đọa xuống địa ngục nên khi nào Hân cũng tự răn mình.

NTMT Hân cùng cộng sự trong chương trình F5 tại Tp.HCM

Đi học nghề tóc vì muốn được… làm tóc không tốn tiền

Vậy anh bắt đầu theo nghề tóc từ khi nào? Tại sao anh lại chọn Khánh Vĩnh Hoàng làm sư phụ? Ở Khánh, anh học được điều gì mà anh cho là quan trọng nhất khi ra nghề?

Hân bắt đầu học nghề từ ngày 3 tháng 9 năm 2004. Gia đình và họ hàng Hân đa số là người kinh doanh buôn bán, không có ai làm nghề tóc. Trước đây Hân rất ham chơi, đã có lúc nghĩ rằng phải đi chơi cho đến hết tuổi 30 sau đó mới đi làm. Vì vậy, năm 24 tuổi Hân chẳng biết khái niệm gì về nghề nghiệp, chẳng biết nghề tóc là nghềgì. Nhưng do đi chơi nhiều, hay đi làm tóc thường xuyên và rất tốn nhiều tiền để có mái tóc đẹp, khi thiếu tiền, Hân nghĩ đến chuyện phải làm gì để tốn kém tiền làm tóc nữa, vì vậy mới đi học nghề tóc, để được làm tóc không tốn tiền!!!

Thời đó cũng do hay đi chơi nên biết tiệm Khánh Vĩnh Hoàng là một địa chỉ nổi tiếng, Hân đăng ký học chứ cũng không có nghiên cứu gì trước, khác hẳn với các bạn trẻ ngày này họ luôn nghiên cứu rất kỹ trước khi “chọn mặt gửi… thầy”. Ở Khánh, Hân được học một điều không kém phần quan trọng, cũng là ưu điểm lớn của Khánh: Nói chuyện quan tâm và cho khách hàng một cảm nhận thân mật gần gũi. Đây là tiền đề quan trọng để một nhà tạo mẫu bước đầu hấp dẫn khách hàng, cũng là một trong trong những bí quyết quản lý kinh doanh. Nó hỗ trợ tốt để mình có thể thoải mái phiêu lưu F5 mái tóc cho khách hàng với cảm hứng sáng tạo của mình và sự đồng thuận của khách hàng = cho ra mái tóc mà khách hàng ưng ý và mình cũng thỏa mãn.

Anh từng nói nghề tóc cạnh tranh khốc liệt? Có thể chia sẻ cụ thể hơn?Sự cạnh tranh ở các thế hệ và sự cạnh tranh giữa những nhà tạo mẫu trong cùng một thế hệ, theo anh, sẽ mang đến điều gì cho thị trường và người sử dụng dịch vụ làm đẹp?

Đối với Hân, tiệm đông khách chưa hẳn là thành công, giá dịch vụ cao cũng chưa hẳn là thành công. Với Hân, thành công là sự yêu mến, tin tưởng và an vui khi khách hàng đến với mình? Chị thấy Hân làm điều này giỏi không ^^

Nói về sự cạnh tranh khốc liệt, Hân thấy Sài Gòn và Hà Nội là 2 nơi cạnh tranh khốc liệt nhất. Ngày Hân chuẩn bị mở tiệm, Hân định về quê ở Sóc Trăng làm nghề cho mau thành công, có nhiều tiền rồi mới lên Sài Gòn “chinh chiến”. Nhưng Hân nghĩ lại, tại nơi khốc liệt nhất, khó khăn nhất thì sức mạnh tinh thần mình mới phát huy được. Bây giờ Hân mới thấy đó là quyết định đúng.

Sự cạnh tranh khốc liệt, nếu cạnh tranh công bằng, lành mạnh thì sẽ giúp ngành tóc VN phát triển vượt bậc. Nhưng điều Hân thích nhất là khách hàng sẽ được chăm sóc tốt nhất, lúc đó họ thật sự là “thượng đế”.

    

"Với Hân, thành công là sự yêu mến, tin tưởng và an vui khi khách hàng đến với mình?"

Đối với khách như mình mong đợi!

Anh đi học nước ngoài nhiều. Kinh nghiệm của anh là nên tự trang trải kinh phí hay là theo chương trình của các hãng, thưa anh?

Cũng tùy. Có lúc Hân tự bỏ kinh phí, có lúc theo chương trình của các công ty. Quan trọng nhất là mình học được cái gì chứ không phải mình đi bằng con đường nào.

Vẫn còn điều anh chưa nói về việc điều hành salon, mặc dù các salon mà Hân tự đứng ra lập dường như cũng đổi tên liên tục?

Hân tự thấy mình quản lý nhân sự chưa tốt, nhưng đã đứng ra làm thì chắc chắn ngày một kinh nghiệm hơn. Hân đang cố gắng đưa nội quy công ty vào thực thi trong đúng khuôn khổ, sao cho nhân viên làm việc và sinh hoạt theo đúng nội quy của tiệm, làm sao thật công bằng và làm việc vui vẻ. Và tất cả các nhân viên phải thấm nhuần một tâm niệm: “Đối xử với khách hàng như mong muốn mọi người đối xử với mình”.

Hân có dự định gắn tên mình với niệm danh Amida mãi không?

Phải qua rất nhiều “đoạn trường” và đến lúc lập công ty Hân mới giữ được cái tên này, được phép đặt bảng hiệu tiếng Anh. Tất cả những gì mà Hân mong mỏi, sau khi ổn định tiệm là nỗ lực học thêm những cái mới, chăm sóc và phục vụ khách hàng trực tiếp, chủ yếu qua facebook… Tất cả cùng đi về một con đường: Khách hàng hạnh phúc nhất, hài lòng nhất, khi đó nhiều khách hàng sẽ cảm tình với đạo Phật và theo học Phật pháp. Amidaphat!

Cảm ơn anh!

Bài: Mỹ Ý – Ảnh: Hoàng Miên

 

Exit mobile version