TÓC ĐẸP – Không lạ với người tiêu dùng Sài thành khi mỗi ngày bước chân ra đường là gặp các cửa hàng với hàng hàng bandroll, banner, bảng biển về sale off, giảm giá, khuyến mãi rất xôm tụ tưng bừng. Điều này cũng diễn ra với hàng loạt salon tóc.

Giảm giá trường kỳ

Hiện nay ở thành phố Sài Gòn đông dân nhất nước, ngành dịch vụ đã phát triển đến một mức độ nhất định khiến việc cạnh tranh về giá và các chiêu thức khác là điều tất yếu. Các Salon Tóc về cơ bản cũng đã sớm nhận ra việc giảm giá, khuyến mãi là một trong những “chiêu” câu khách hữu hiệu. Do đó, nhiều salon đồng loạt tung chiêu này.

Theo quan điểm của nhà tạo mẫu tóc Trần Mạnh Thìn, chỉ ở những salon tóc hạng 2, hạng 3, ít khả năng cạnh tranh với những salon top 1 mới có chính sách giảm giá trường kỳ. Thực tế cũng cho thấy điều đó: Hầu hết các salon trưng biển giảm giá 30 ngày/ tháng mà không nhân bất kỳ dịp gì, đều là những salon không có tên tuổi nổi bật, không thuộc vị trí “đất vàng” ở các khu vực trung tâm “Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định”, đặc biệt là khu vực trung tâm sầm uất quận I, quận 3, quận 5, mà chủ yếu chỉ ở các vùng ngoại ô, các quận mới và các huyện nhỏ. Về cơ bản, khách hàng của các salon này không thuộc khách “sộp” và cũng không quá khó tính, doanh số của các salon không cao. Một chủ salon ở huyện Bình Chánh cho biết: “Nhiều khi trưng biển giảm giá riết rồi… ngại không muốn gỡ nữa. Để đó luôn. Coi như cho khách hàng biết mình có một giá cao hơn nhưng trong thời buổi khó khăn, mình giảm xuống thành mức giá phổ biến thấp hơn để khách hàng biết là mình đang rất chăm sóc họ”(!).

Tất nhiên, việc giảm giá trường kỳ không hẳn lúc nào cũng lợi, mà thậm chí có lúc còn “phản thùng” chủ salon, mang hiệu ứng ngược. Khách hàng nhìn thấy giảm giá trường kỳ cũng nhận biết được giá của salon chỉ đáng ở mức 2 và việc tăng lên gấp đôi rồi giảm xuống một nửa, “mua 2 tặng 1 tính tiền 3” chỉ là một chiêu kéo khách. Qua đó, hoặc tác động giảm giá không còn ý nghĩa, hoặc khách hàng không để ý nữa hoặc khách hàng sẽ nghi ngại mức độ tin cậy, uy tín và từ đó suy ra chất lượng của dịch vụ.

Giảm giá theo nhóm

Vậy, bên cạnh các salon hạng 2, 3 sử dụng chiêu quen thuộc là giảm giá trường kỳ, các salon hạng 1 có giảm giá hay không? Xin thưa: Có. Nhưng họ giảm giá “tinh vi” hơn, có tính toán hơn và hiệu quả mang lại cũng có thể nắm bắt được hơn, ít bị nguy cơ hiệu ứng ngược. Đó là cách thức giảm giá theo nhóm mua.

Nhóm mua hay còn gọi Group Coupon – mua theo nhóm là trào lưu xuất hiện ở Mỹ và đã có lúc đạt đến đỉnh cao thịnh vượng và đến thời điểm hiện nay đã bắt đầu thoái trào. Riêng tại VN, trào lưu này bắt đầu từ cuối năm 2010 và bùng nổ trong thời gian qua khiến các sản phẩm, dịch vụ ào ào giảm giá, bán “sĩ” cho các đối tượng mua theo nhóm, các đối tượng là các cổng trung gian chào bán lại cho khách hàng cá nhân. Trào lưu các salon lớn giảm giá để mở rộng đối tượng khách hàng thử nghiệm sản phẩm của mình qua hình thức mua theo nhóm đã lập tức giới salon hưởng ứng mạnh. Nếu vào các website nhommua, muachung, cungmua…, sẽ thấy xuất hiện rất nhiều salon có thương hiệu tên tuổi thông qua dịch vụ mua theo nhóm, cung cấp cho khách hàng các voucher để sử dụng dịch vụ với mức giảm giá từ 20% lên đến 90%. Đây cũng là mức tối thiểu và tối đa mà các salon giảm giá qua dịch vụ mua theo nhóm dành cho khách hàng mà Tóc Đẹp thống kê được ở giai đoạn bùng nổ trào lưu này (khoảng năm 2011).

Hiện nay, mức giảm giá của các salon đã có phần ổn định hơn và trung bình dao động ở mức 30-50%. Cá biệt, một số salon tranh thủ “vét” khách nhằm gia tăng doanh số ở mức tối đa, vẫn sẵn sàng giảm giá tới 80, thậm chí trên 80%. Ngay cả trong mùa Noel và thời điểm cuối năm như hiện nay – mùa cao điểm của ngành tóc – các salon này vẫn sẵn sàng giảm giá ở mức ngất ngưởng nêu trên. Một nhà tạo mẫu tóc không muốn nêu tên, phân tích: Chỉ những salon có các chi nhánh 1, 2, 3…, tức không chỉ có 1 salon duy nhất, có đông thợ thuyền và dư không gian…, mới tận dụng kênh giảm giá tối đa nói trên. Cách thức này về ngắn hạn sẽ là hay, nhưng mặt khác lại cũng có thể khiến chính salon đó bị khách hàng “đánh giá lại”. Bởi hiện nay, sau một thời gian dùng thử mua theo nhóm, nhiều khách hàng đã bắt đầu có suy nghĩ các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ không hẳn chỉ muốn chào thương hiệu và cho “dùng thử” để kéo khách mà còn muốn mua đứt bán đoạn và gia tăng mãi lực cho sản phẩm dịch vụ, theo kiểu mua đứt bán đoạn nên rất ít salon có khái niệm họ chấp nhận bán hoặc cung cấp dịch vụ dưới giá. Từ đó, dễ dẫn đến một suy nghĩ: Phải chăng, giá của salon thực sự chỉ như vậy?

Và đa dạng các kiểu giảm giá

Ngoài hai hình thức giảm giá quen thuộc để hút khách mà các salon ở Sài Gòn đang tận dụng nói trên, giảm giá còn có nhiều “chiêu thức” khác. Ví dụ tài trợ cho một sự kiện của giới showbiz nào đó bằng cách cung cấp voucher cho ban tổ chức gửi đến khách mời, báo chí; đổi voucher giảm giá cho khách hàng để lấy các sản phẩm do dịch vụ khác cung cấp, ví dụ đổi lấy các kỳ tuyên truyền, truyền thông, quảng bá dịch vụ trên mọi kênh thông tin báo đài, báo hình, báo mạng; giảm giá trên nhóm đối tượng khu biệt, ví dụ cho khách hàng có thẻ sinh viên, tuổi teen (nhóm này đi đầu có ArtHair Salon thường xuyên áp dụng); giảm giá trong một ngày vàng, giờ vàng; giảm giá nhân các dịp lễ, các ngày lễ không đại chúng như sinh nhật salon, hay thậm chí sinh nhật… chủ salon và giảm giá vì bất kỳ lý do nào khác như giảm giá đầu mùa, giữa mùa, cuối mùa, v.v… Ngoài ra, còn có các hình thức ưu đãi thẻ VIP, ưu đãi dành cho khách hàng dịch vụ A sẽ được tặng dịch vụ B, hoặc mua sản phẩm A sẽ được tặng dịch vụ A đi kèm. Có thể nói là muôn vàn kiểu thức giảm giá. Dù vậy, ấn tượng về kỷ lục giảm giá mà Tóc Đẹp ghi nhận tại Sài Gòn đến thời điểm hiện vẫn thuộc về một salon kinh doanh theo mô hình công nghiệp, với giá uốn, duỗi, nhuộm… được thực hiện trong 1 ngày vàng sẽ chỉ có mức… 20.000 đồng, chưa đủ mua một ½ bát phở Hùng. Tất nhiên, những ngày salon này giảm giá như vậy, khách đông nghìn nghịt khiến nhân viên bảo vệ giữ xe “phát sốt” và đối tượng đa phần vẫn chỉ là những khách hàng thuộc lứa tuổi teen, yêu cầu không cao và rất dễ hài lòng, túi tiền lại có hạn nên sẵn sàng chấp nhận thử nghiệm mái tóc của mình.

Nhìn chung, nhiều nhà tạo mẫu cho rằng trào lưu giảm giá đã nâng đỡ họ không ít trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu. Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm ngược lại. Bà Nguyễn Thủy Liễu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Dao cho rằng giảm giá là một cách “tự bóp chết mình” của salon. Bởi đã giảm giá quá cỡ rồi thì sẽ rất khó có thể nâng giá đột ngột lên cao như mức cũ. “Giảm thì dễ nhưng nâng thì khó”, bà Liễu nói. Hơn nữa, việc giảm giá, đặc biệt qua bán theo nhóm vẫn chưa cho salon một kết quả được định lượng rõ ràng là có bao nhiêu nhóm khách hàng đã thụ hưởng dịch vụ giảm giá, sẵn sàng quay lại salon lần 2, lần 3… Có lẽ đó cũng là lý do khiến một số salon đẳng cấp, có khách hàng trung thành với mình, gần như không quan tâm đến trào lưu giảm giá này và thậm chí còn cho rằng giảm giá chính là một bước lùi của salon, của dịch vụ ngành tóc. Lợi bất cập hại!

Một chuyên gia trong nghề nhận xét: Cuối năm, mùa cao điểm mà salon giảm giá 80-90% như thế này, thì thử hỏi vào mùa “thấp điểm” đầu năm mới, các salon sẽ giảm giá tới đâu và sống bằng gì?

Câu hỏi quả thực không dễ trả lời đối những salon đã chọn cho mình một hướng gần trước mặt.

Nhật Lý

Exit mobile version