Ngày nay, những ai có niềm đam mê với nghệ thuật tóc đều không còn xa lạ với những màn trình diễn độc đáo khi tạo kiểu tóc trên sân khấu. Nhiều nhà tạo mẫu tóc trẻ đã tìm đến cưa, dao phay, kiếm, búa đại, thậm chí cả lửa… để làm dụng cụ, “đồ nghề” cắt tóc.
Với nhiều nhà tạo mẫu tóc lâu năm tại Sài Gòn, thì các dụng cụ và các màn biểu diễn đó, đã là… trò chơi một thuở.
Diễn độc để… khuấy phong trào
Cách đây khoảng gần 20 năm, lúc đó tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận khu vực phía Nam chưa có những nghiệp đoàn, hội, câu tóc bộ anh em làm nghề tóc như bây giờ. Mọi người mạnh ai nấy… chạy, mạnh ai người đó mở tiệm, hoặc theo tiệm khác đi hành nghề. Cơ hội giao lưu gặp gỡ giữa các đồng nghiệp hầu như không có. Và nếu có chuyện gì xảy ra, cần đến tiếng nói của nghiệp đoàn, cũng khó. Hơn thế, việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, cập nhập thông tin ngành nghề, xu hướng và kiểu tóc mới lại thiếu những sân chơi rộng mở, nên hoạt động rất bó hẹp và tay nghề của những người thợ làm nghề tóc cũng theo đó phát triển kiểu tự do tự phát. Bối cảnh này thôi thúc những nghiệp đoàn tóc ra đời.
Nghiệp đoàn Tóc có mặt đầu tiên tại Sài Gòn là ở quận 5, do một số anh em chủ chốt làm nghề trong khu vực quận này đứng ra thành lập. Nghiệp đoàn Tóc quận 5 được sự hậu thuẫn đáng kể của Liên đoàn Lao động quận 5, nên vừa ra đời đã hoạt động khá sôi nổi. Tuy nhiên, để tạo được không sôi nổi đó, các anh em “đầu trò” đã phải nghĩ ra khá nhiều “chiêu”. Anh Nguyễn Hoàng Hùng, tiệm tóc Ngọc Hà (nên anh em thường gọi là Ngọc Hà), một “đại ca” cao niên có tuổi đời hành nghề từ năm 1967, cùng với các anh em khác trong Ban chấp hành đã sáng tạo ra sân chơi giao lưu và biểu diễn.
Nhưng nếu chỉ giao lưu và biểu diễn các kiểu cắt, làm tóc thông thường thì… làm “riết” cũng chán. Vì ai cũng là người làm nghề và cũng biết làm, nên gần như anh em không muốn chỉ đến và xem lại những thao tác mình đã thực hiện trong mọi ngày. Ban chấp hành nghiệp đoàn lại phải nghĩ ra thêm nhiều cách thức mới để thu hút, hấp dẫn anh chị em, để họ cùng có hứng thú “biểu diễn”, chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cá nhân. Những màn biểu diễn “độc” có mặt từ đó.
Các dụng cụ biểu diễn “độc”
Nhà tạo mẫu Ngọc Hà trong một chuyến giao lưu cùng các anh em làm tóc tại Thái Lan, đã nhìn thấy một nhà tạo mẫu tóc Thái Lan biểu diễn màn cắt tóc bằng đục. Anh về nhà mày mò, sáng chế ra một cái đục cắt tóc với chất liệu cán bằng inox không rỉ, mặt gắn lưỡi dao lấy từ móng gảy đàn tranh bằng nhựa cứng. Thêm một lưỡi dao Feathe của Nhật, thế là đã có thể có một màn đục tóc ấn tượng.
Anh cho biết để có được màn đục tóc này, anh đã phải luyện tập rất nhiều lần. Luyện tập trên tóc thật là một việc đương nhiên, nhưng luyện tập để biểu diễn lại đòi hỏi ngoài trình độ, sự thuần thục, người biểu diễn cắt tóc còn phải có một bản lĩnh… sân khấu. Một người làm nghề lâu năm như anh, khi đứng trên sân khấu biểu diễn màn đục tóc, cũng có khi vấp phải những “sự cố”. Thường xuyên gặp nhất là trong quá trình đục tóc, do ánh đèn sân khấu chói thẳng vào mặt, do yêu cầu đục tóc phải gấp gáp, nhanh nhạy vừa theo tiếng nhạc thôi thúc, vừa phải đáp ứng tiêu chí thời gian trong vòng mấy phút, nên người đục tóc rất dễ… đục vào tay. Lưỡi dao Feathe cực kỳ bén ngọt, chỉ một chút sơ ý là người thợ sẽ chảy máu. Do đó, theo anh Hà, “ông nào lên biểu diễn cũng phải có… băng keo mang theo bên mình. Chỉ cần xước tay là phải lập tức quay lưng vào sân khấu, quấn ngay băng keo và làm tiếp. Nếu không máu chảy có thể dây ra tóc người mẫu và cũng làm ảnh hưởng đến tác động của màn biểu diễn”. Nhưng anh Hà cũng cho biết chưa bao giờ anh gặp sự cố cắt phạm sát vào tóc người mẫu, mặc dù các người mẫu khi “chịu trận” những màn biểu diễn độc này, không ít người cố nén căng thẳng, lo lắng.
Trong ban chấp hành nghiệp đoàn tóc quận 5, anh Lê Văn Đặng cũng là một mũi nhọn xốc vác, đi đầu để khuấy động phong trào cho anh chị em. Anh Đặng ham thích sưu tập các món đồ biểu diễn độc, nên trong các bộ sưu tập kỷ niệm của anh, có không ít “ngón nghề” mà ngày này nhiều người đã và đang bắt chước, cải tiến thêm.
Một trong những bộ cắt tóc dùng khi biểu diễn của anh Đặng là bộ đeo ngón “chiếc nhẫn thần kỳ”. Những lưỡi dao gắn chặt vào các thân kẹp bằng bạc, được chế như những chiếc nhẫn nổi mà người làm có thể đeo vào ngón tay, dùng để cào, cắt, tạo kiểu theo ý muốn. Độc đáo nhất trong bộ “chiếc nhẫn thần kỳ” này là những cây dao “nhất dương chỉ”. Thân của mỗi cây dao dài chừng 3-5 cm, gắn lưỡi dao Feathe hoặc dao lam thông thường, có thể chế tác theo dạng gắn dao cả hai bên (có công dụng dùng lia ngang và lia theo chiều ngược lại), hoặc có thể chỉ gắn lưỡi dao một bên. Khi sử dụng, nhà tạo mẫu chỉ đeo dao vào đầu ngón tay trỏ, cắt một đường, gập ngón tay trỏ lại, không ai nhìn thấy nhà tạo mẫu đã sử dụng công cụ gì để cắt tóc. Do đó, các cây dao và màn trình diễn mới có tên gọi là “nhất dương chỉ” – chỉ một ngón tay là một lọn tóc rơi.
Một bộ đeo ngón khác, có tên gọi “cửu âm bạch cốt trảo”, cũng là bộ dụng cụ mà anh Đặng dùng “xuất chiêu” biểu diễn, đã nhiều lần thu hút giới trẻ làm nghề . Đây là bộ dụng cụ do Trung Quốc sản xuất, một người bạn quý mến tặng cho anh. Đeo mỗi dụng cụ vào đầu ngón tay trỏ, ngón nhẫn và ngón áp út, người tạo mẫu có thể tùy ý “cào”, tỉa dọc vào mái tóc của người mẫu sao cho mái tóc mỏng bớt đi. Bộ dụng cụ này chỉ hỗ trợ chứ không dùng để hoàn thiện được một mái tóc như nhiều dụng cụ khác.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Đắt tiền, và cũng là hàng độc là cây kéo hiệu MATSUZAKI của Nhật. Theo anh Đặng thì rất ít người sử dụng cây kéo này ở Việt Nam. Đây là cây kéo được những người thợ thủ công làm bằng tay (handmade) tại một ngôi làng chuyên làm kiếm cho các võ sĩ đạo, về sau khi nghệ thuật kiếm đạo đã mai một và nhường chỗ cho thời đại công nghiệp mới, thì những người thợ này chuyển qua làm kéo rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu có hạn vì giá thành cây kéo khá đắt. Cây kéo nhỏ cỡ 5,5 mà anh Đặng có theo giá thành trên internet hiện thời dao động khoảng 1.000 – 1.500 USD. Để đặt mua được một cây kéo thì người đặt phải đợi 6 tháng – 1 năm. Còn để bảo hành thì người mua phải gửi cây kéo kèm phiếu bảo hành cho phía Nhật Bản, mới đảm bảo cây kéo vẫn “ngon lành”, mỗi lát cắt là một sự tinh xảo, nhuần nhuyễn, không làm tổn thương sợi tóc, mái tóc không bị “sặc gằn” hay ‘đau ban”. Anh Đặng đang sở hữu hai cây kéo như vậy, một cây được tặng trong cuộc thi Master cây kéo vàng, một cây anh đặt mua thêm.
Điểm đặc biệt của kéo chính là có thể quay 180 độ, cắt từ dưới lên hay cắt từ trên xuống tóc vẫn không bị trượt mà người cắt vẫn không cần phải cầm lọn tóc đã chia…Vòng quay này có thêm 2 ốc vít có thể vặn thêm vào, điều chỉnh góc độ quay kéo theo ý muốn của người thợ. Do cây kéo có thể quay với một góc độ rộng và dễ dàng nên đây cũng là dụng cụ biểu diễn mà người tạo mẫu sau khi cắt, có thể quay tít cây kéo theo ý muốn và tạo ra những động tác rất đẹp mắt”.
“Bên cạnh sự hỗ trợ của dụng cụ, một vấn đề quan trọng khi biểu diễn là người thợ tóc phải chia tóc, “lập trình” mái đầu sẵn từ trong tâm trí, đến khi ra sân khấu thì chỉ thực hiện chứ không cần phải nghĩ ngợi nữa. Tuy nhiên, với những người thợ tay nghề giỏi và cũng đã quen với các dụng cụ, cách thức biểu diễn trên sân khấu, thì một màn biểu diễn ngẫu hứng với một mái đầu mới toanh cũng sẽ đem đến nhiều cảm giác mới lại cho chính người biểu diễn lẫn công chúng thưởng thức”, anh Đặng nói.
Có thể thấy trong nghề tóc, tính nghệ thuật và sáng tạo rất đậm nét. Điều đó đòi hỏi những người thợ, những nhà tạo mẫu tóc phải không ngừng sáng tạo, cải tiến, chế biến và đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu mới đối với chính bản thân. Trên bất kỳ sân khấu biểu diễn nào, người biểu diễn cũng phải có những tố chất nghệ sĩ lẫn nắm vững tri thức căn bản của bộ môn mà họ đang biểu diễn. Những màn biểu diễn của các nghệ sĩ làm tóc ngày nay càng lúc càng đa dạng, độc đáo, dụng cụ biểu diễn của họ càng ngày càng phong phú. Nhưng nếu không có những nền tảng ban đầu và lạm dụng quá nhiều các màn biểu diễn, thì rất có thể các nghệ sĩ lại đi quá xa ra khỏi bộ môn nghệ thuật làm đẹp của mình.