Cách đây hơn chục năm, nói đến cửa hàng, cửa hiệu, dù quy mô ra sao, đối tượng khách thế nào, người Sài Gòn đều có thói quen gọi chung là “tiệm”. “Tiệm tạp hóa” “tiệm tóc”, “tiệm cà phê”, “tiệm ăn”, “tiệm sách”…

Mấy năm gần đây, sự phân loại “tiệm” đã phong phú hơn và đã xuất hiện thêm nhiều từ nguyên, danh từ “nhập ngoại”. Bên cạnh “tiệm tạp hóa”, còn có “mi-ni mart”. Ngoài “tiệm sách”, giờ có “books store”. “Tiệm ăn” vẫn còn, nhưng cùng tồn tại là “nhà hàng” và “restaurant”. “Tiệm tóc” nay là danh từ gợi lên hình ảnh của những cửa hiệu nhỏ lẻ, không thể giống đẳng cấp. “Hair salon” để chỉ các cửa hiệu cung cấp dịch vụ làm đẹp quy mô, chuyên nghiệp và thường có bề mặt… đẹp long lanh.

Từ “tiệm” đến “salon”: Bước tiến dài của ngành tóc

Bản thân các nhà tạo mẫu tóc có lẽ cũng không muốn cửa hiệu dịch vụ làm tóc của mình gắn với chữ “tiệm” như lúc xưa. Trong khi đó, nếu điểm lại nguồn gốc của từ “hair salon”, chúng ta cần… quay về thế kỷ 19, thời của các nhà quý tộc châu Âu thường tụ tập tại các phòng khách danh gia vọng tộc để bàn chuyện nghệ thuật. Các phòng khách này được gọi là “salon”. Từ “salon”, khi du nhập vào Việt Nam, vẫn được giữ nguyên nghĩa “phòng khách”, nhưng từ nguyên này chỉ sử dụng cho… ghế phòng khách, và ghép thêm từ khác thì dùng để chỉ các không gian, địa điểm bao gồm dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và thư giãn như “beauty salon”, “nail salon”, “hair salon”…

Chẳng thế, mà nhà tạo mẫu tóc Lê Tân nói “bây giờ hễ nghe đến từ “tiệm tóc”, hầu như người cầm kéo uy tín nào cũng cảm thấy… “quê quê! Nó gợi lên những địa chỉ nhỏ, trong hẻm hoặc “ghé đậu” mặt tiền các chung cư nhếch nhác, nơi mà một cái khăn lau khô phải dùng cho ba – bốn “thượng đế” mới được mang đi giặt, nơi mà những L’Oréal, Goldwell, Schwakopf, Wella… không thể có khách hàng “rớ” tới”. Đáng tiếc là cho đến nay, ngành tóc đã có hội hè câu lạc bộ, có lễ giỗ tỗ, có những nghệ nhân tên tuổi, nhưng lại chưa có một nghiên cứu hay thống kê chính thức là thành phố lớn nhất nước, và mở rộng ra cả nước hiện có bao nhiêu “hair salon”, bao nhiêu “tiệm tóc”. Vì vậy, như một quy ước ngầm giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ, “hair salon” mặc nhiên là một đẳng cấp phát triển mới “tiệm tóc” ngày xưa.

Trong bức tranh “hair salon” nói chung ấy, dựa trên tiêu chí công nghệ, quy mô, tay nghề, mức đầu tư… mà có sự phân loại đẳng cấp. Cũng tùy thuộc vào tiêu chí phân loại, mỗi đẳng cấp “hair salon” lại có định hướng phát triển, đối tượng khách hàng, nguồn thu nhập riêng. Trong số đó, “hair salon” do các công ty, tập đoàn quốc tế liên doanh với doanh nghiệp trong nước tổ chức ở Sài Gòn và dần phát triển thành các chi nhánh trong cả nước, có thể xem một đẳng cấp công nghiệp mới, góp phần tạo nên thời đại “công nghiệp hóa” ngành tóc đang bắt đầu ở Việt Nam.

Công nghiệp hóa ngành tóc: Điểm 10 cho… số lượng!

Theo thống kê của Tóc Đẹp, Sài Gòn hiện có khoảng 10 công ty tóc nhập khẩu 100% công nghệ làm tóc từ nước ngoài. 5, nổi trội và chuyên nghiệp về tóc trong khoảng 10 công ty đó, là: Art Hair; Hana Hair, Colorhaus, Mano Mano và Sunsilk Hair. Tất cả các địa chỉ này tập trung nhiều nhất ở quận 3, nhì là quận 5 và quận I, đúng với tinh thần của thành ngữ ăn chơi: “ăn quận 5, nằm quận 3, sướng ra quận nhất” mà những ai muốn đi thăm thú Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định cũng nên thuộc “nằm lòng”.

Có mặt theo mô hình công ty tóc sớm nhất ở Sài Gòn phải kể đến Art Hair, ra đời năm 2005. Đấy là thời làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc đang làm mưa làm gió trên mọi kênh truyền hình Việt Nam và giới trẻ, chị em phụ nữ Việt Nam phát sốt, cũng như phát khóc với phim ảnh, thời trang, tóc tai kiểu Hàn. Sau Art Hair một năm, Hana Hair, tương tự Art Hair, được thiết lập với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng du nhập công nghệ chăm sóc tóc Hàn Quốc từ vốn đầu tư, máy móc, dàn thợ chính (về sau đào tạo lại cho dàn thợ Việt Nam và hầu như chỉ còn thợ Việt Nam), đến hóa dược mỹ phẩm, quy trình quản lý, các trào lưu, mẫu, mốt tóc… Hai địa chỉ này có thị phần khách hàng đa dạng với thu nhập vừa và trung bình cao, do đó, lựa chọn giá cả không phải là vấn đề của khách khi đến đây.

Tại thời điểm này, giá cho các dịch vụ tóc tại Hana có phần nhỉnh hơn Art Hair chút ít do sử dụng các sản phẩm của nhãn hàng L’Oréal, và thêm yếu tố có thợ chính người Hàn Quốc trực tiếp cầm kéo; bù lại, Art Hair có nhiều sản phẩm made in Korea do công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Trâm nhập về và một dàn thợ Việt với không ít người đã tu nghiệp tại hội sở Art Hair Hàn Quốc. Ngoài ra, thời gian gần đây, Art Hair còn tổ chức các chương trình khuyến mãi, phiếu quà tặng… đến nhiều đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Đây là phần “ghi điểm” rất tích cực đối với tâm lý người tiêu dùng nói chung, góp phần gỡ bỏ rào cản mặc cảm, tự ti trong tâm thức người Việt khi hễ thấy cửa hàng, cửa hiệu sang trọng long lanh, là nghĩ ngay cửa hiệu đó chỉ dành cho những túi tiền “sộp” (!). Bên cạnh đó, Art Hair cũng là một học viện thực tế của rất đông đối tượng thợ phụ, học nghề, song hành cùng trường đào tạo nghề chính quy và miễn phí do công ty này tổ chức, góp phần nâng cao tay nghề của những người làm dịch vụ tóc Việt Nam.

Theo tinh thần “mở cửa”, dĩ nhiên, Art Hair cũng phải “trả giá”, phải lắng nghe một số ý kiến phàn nàn của khách hàng rằng địa chỉ này “lộn xộn hơn”, “không chuyên nghiệp như xưa”. Trao đổi với Tóc Đẹp, anh Lê Mạnh Hùng, quản lý của Art Hair nói: “Thú thật, hơn 250 nhân viên thay ca thường trực, ăn suất ăn công nghiệp ngay tại nhà ăn công ty, với mức giá cắt tóc, bao gồm uốn, duỗi, nhuộm dao động từ 80k đến 450k/đầu, ngoài hoạt động như một công xưởng, các quy trình quản lý của Art Hair cũng đang hướng đến công nghiệp hóa một cách chuyên nghiệp nhất, với các tiêu chí rất cụ thể: giá thành hợp lý, chất lượng tối ưu, đối tượng thụ hưởng đa dạng. Art Hair luôn luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng để gia tăng chất lượng dịch vụ, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ để chiều lòng một vài khách hàng khó tính. Chúng tôi hướng đến “điểm 10 cho số lượng”. Và để có “điểm 10 cho số lượng” thì tất yếu chất lượng cũng phải đạt điểm 8, điểm 9!”. Duy, một nhân viên thuộc công ty bảo vệ do Art Hair ký hợp đồng, cho biết “trung bình mỗi ngày tại Art Hair, chúng tôi giữ khoảng 1.200 xe. Những hôm cao điểm như 8/3, Noel, đặc biệt như đợt Tết vừa qua, đội giữ xe phải tăng đôi ca và gấp đôi số nhân viên”.

Thuộc phân khúc thị trường “tinh” hơn, dành cho những “thượng đế” nhiều tiền, ManoMano nhập khẩu công nghệ từ Nhật và Colorhaus nhập khẩu công nghệ Singapore là hai không gian sang trọng và có phong cách. Thực tế, giá cả của hai địa chỉ này không chênh lệch so với giá của các salon tóc thuộc chủ quyền những nhà tạo mẫu tên tuổi trên cùng địa bàn. Chỉ khác, ở ManoMano, nếu khách hàng muốn thợ cắt, tư vấn chăm sóc hoặc nhuộm tóc người Nhật Bản, giá tiền sẽ tăng lên khoảng 200k một đầu. Còn ở Colorhaus, cùng một “mẹ” là tập đoàn Kimage, nhưng hai địa chỉ Nguyễn Đình Chiểu và An Dương Vương lại có hai bảng giá chênh lệch đáng kể từ 30k đến 150k tùy hạng mục dịch vụ. “Để được làm ở đây, nhân viên đều phải đạt các tiêu chuẩn lịch sự, thân thiện, cộng với việc mô hình không gian, máy móc chuyên nghiệp, thống nhất theo quy chuẩn nhận dạng thương hiệu của Kimage đầy cá tính, nên nhiều khách hàng đã đến Colorhaus một lần, đều trở thành khách quen. Nếu có người nào không quay lại, thì chắc là do họ thấy vấn đề về… giá cả” – một thợ lâu năm tại Colorhaus tiết lộ. Còn theo giới thiệu của cô Tan Monica, hiệu trưởng học viên Kimage tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì đây là tập đoàn tóc lớn tại Singapore với hơn 20 Viện tạo mẫu tóc và 4 thương hiệu mạnh, và một trong những nguồn mang lại doanh thu của họ chính là đào tạo học viên. Ngày 1 tháng 4 tới đây, Colorhaus tại Nguyễn Đình Chiểu sẽ chuyển địa về quận I, 23 Tôn Đức Thắng. Đây là nơi học viện Kimage đang đào tạo và tuyển sinh, cũng là khu vực “vệ tinh” của các ngành công nghiệp dịch vụ như làm tóc, spa, ăn uống, mua sắm do kế cận các tòa nhà phức hợp, các quảng trường mua sắm trọng điểm, cũng là nơi lưu trú, làm việc của nhiều người ngoại quốc, chủ yếu Nhật, Singapore, Hàn Quốc…

Thuộc Sunsilk, một trong những nhãn hàng Unilever mà người tiêu dùng Việt đã quen, là Sunsilk Co- Creations Hair Salon nằm trên đường Lê Thị Riêng (thành phố Hồ Chí Minh) và Khâm Thiên (Hà Nội). Các salon này tuy không hoàn toàn nhập khẩu 100% công nghệ quốc tế, nhưng lại có đầy đủ “sắc vóc” của một công ty nhập khẩu công nghệ, do hoạt động theo “li-xăng” của Unilever, với quy mô, cách bài trí, các chuyên gia quốc tế. Thực chất, Salon Sunsilk Đồng Sáng tạo này có thể hiểu như một dạng “Reality- Marketing”, nơi khách hàng được hưởng mọi chương trình khuyến mãi của nhãn hàng, được gặp mặt đại sứ nhãn hàng khi may mắn, hoặc được chuyên gia tóc thuộc hội Chuyên gia tóc quốc tế Sunsilk “trổ tài” trên “cái gốc con người” của mình. Đây cũng là một công nghệ quảng cáo mà các doanh nghiệp nhập khẩu hóa mỹ phẩm đã đưa vào Việt Nam từ nhiều năm trước, triển khai dưới hình thức phân phối độc quyền hoặc sử dụng độc quyền bởi hairstylist và tại một hair salon nổi tiếng nào đó; nay, Sunsilk triển khai thêm một bước, trở thành salon chính thức của nhãn hàng chứ không phải của một cá nhân.

Dù là dưới dạng thức gì đi nữa, thì một khi đã triển khai thành thành ngành công nghiệp dịch vụ, các nhãn hàng, các công ty tóc đều đang được hưởng lợi ích của quy trình công nghiệp, đó là: giảm thiểu chi phí, gia tăng doanh số, chiếm lĩnh thị phần lớn và nhanh chóng.

Việc Art Hair đã có mặt tại Hải Phòng và từ năm 2011 này đã chính thức chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, đồng thời sẽ triển khai thêm chi nhánh mới ở thành phố Vũng Tàu, cho thấy sự “đại thắng” của một mô hình công ty tóc. Đồng thời, cũng cho thấy thị trường tóc Việt Nam đang bước vào một thời đại công nghiệp mới, thời mà những nghệ nhân, những hair salon cá nhân sẽ phải suy nghĩ về vấn đề cạnh tranh hay cộng sinh, hoặc, đâu sẽ là những hướng đi cho sự chuyên nghiệp nhưng rất cần tính “nghệ sĩ” của loại hình dịch vụ đậm chất nghệ thuật này…
 

 

Exit mobile version