Trong “nghệ thuật” mua tóc, con buôn cũng có nhiều “quái chiêu” làm hàng khiến cho nhiều người sau khi bán đi một phần cơ thể của mình phải dở khóc, dở cười.

Nghệ thuật "tỉa tóc" của con buôn

Để hành nghề buôn tóc thì dụng cụ chỉ cần là một cái kéo, con dao tỉa, nếu đi mua dạo thì một cái cân nữa là đủ bộ. Xâm nhập khu vực mua bán tóc tại chợ Dinh, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, chúng tôi được nghe kể rất nhiều câu chuyện về mánh khóe của con buôn.“Nếu người nào không để ý là bị họ “lọng” (tỉa sát tận gốc) những sợi tóc dài nhất”, chị X., người từng nhiều lần bán tóc đã nói như vậy.

Theo chị X., trong dụng cụ hành nghề của người mua tóc, con dao tỉa dùng để xén những sợi tóc dài của người bán, đây là một nghệ thuật làm hàng rất tinh xảo của con buôn. Dao tỉa tóc được làm bằng một cái lược dài, trên đó gắn lưỡi dao lam. Khi cắt tóc của người bán, con buôn thường dùng lược chải tóc cho mượt, nhưng thực chất là tỉa những sợi tóc dài. Nếu người bán tóc không chú ý thì bằng kỹ xảo điệu nghệ những sợi tóc dài nhất sẽ bị họ “săn” đến tận da đầu.

Với quái chiêu này thì sau khi bán tóc về gội lại người ta mới biết mình bị tỉa tóc, bởi vì khi đó những sợi tóc ngắn này mới dựng lên trông như người mới ốm dậy, bới cũng không bới được.

“Bọn họ rất tráo trở, cứ thấy người nào có mái tóc dài đi qua là hai người bám theo vừa vuốt tóc, vừa nài nỉ, thuyết phục để mua cho bằng được, những người đó nếu không để ý thì đâu có ngờ rằng chúng đang dở trò với mái tóc của mình”, chị X. cho biết thêm.

 
Mái tóc dài tha thướt – niềm tự hào của bất cứ cô gái nào lẽ
nào phải bán đi vì hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống?

“Nhiều người vì túng bấn quá, không có tiền mà phải bán tóc chứ dại gì mà bán nó đi, nó cũng là một phần thân thể của mình chứ. Tội nghiệp cho họ, có những người già vì không biết nên bị họ “lọng” mãi tận chân tóc mà không có một chút áy náy lương tâm gì cả. Đặc biệt là trẻ nhỏ mà đi một mình không có người thân đi theo thì chỉ có biết khóc. Có người cứ ngồi im cho họ cắt đến khi xong xuôi rồi sờ lên đầu thì tự nhiên thấy cụt lủn, thế là chửi nhau, có khi còn đánh nhau vỡ đầu chảy máu nữa", bà Phan Thị S. người buôn bán lâu năm ở đây từng chứng kiến nhiều sự việc xảy ra như thế nói cho chúng tôi hay.

 

Tóc vượt biên

Cứ chuẩn bị “xuống tóc” cho một khách hàng thì cần hai người, một người cắt và một người đứng sau lưng, được bao nhiêu thì cuộn vòng cho vào túi. Hỏi ra mới biết mục đích là để cho người bán khỏi nhìn thấy mà nóng ruột tiếc rẻ cho mái tóc của mình. Đó là những người không biết mánh khóe trên, còn những người biết thì cũng không tránh khỏi bị lừa. Mặc dù người bán đã chỉ chỗ cần cắt, không được chải, vuốt tóc, nhưng chỉ mất tập trung một chút là con buôn đã xê dịch kéo lên khoảng 3 đến 4cm rồi xoẹt một cái, lúc này có nói cũng không làm được gì nữa vì tóc đã bị cắt rồi.


Tóc dài Việt Nam bay” nửa vòng trái đất đến tận Mỹ, sang các
nước trên thế giới để nối tóc cho người ngoại quốc

Với “nghệ thuật” mua hàng như trên, con buôn đã làm cho mái tóc của người phụ nữ mất đi vẻ đẹp mượt mà. Nhiều cặp vợ chồng giận nhau, mâu thuẫn gia đình xảy ra cũng vì chuyện bán tóc.

Một điều đáng quan tâm là những mái tóc dài thướt tha ấy sau khi được các lái buôn thu mua thì đưa đi đâu. Chúng tôi đã tìm hiểu được đường đi của nó.

Cứ sau mỗi phiên chợ các thương lái lại thu gom những bộ tóc rồi nhập cho các đại lý lớn ở huyện Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu… Sau đó, chỉ một phần nhỏ sẽ nhập cho thị trường nối tóc trong nước như Hà Nội, Sài Gòn…làm tóc giả. Phần lớn còn lại là “vượt biên” sang Mỹ, Thái Lan, nhiều nhất là Trung Quốc để làm tóc giả cho lĩnh vực sân khấu, điện ảnh.

Chị H., một người mua tóc ở chợ Dinh cho biết: “Vào những dịp bình thường, giá tóc thường không cao. Trúng nhất là đợt Trung Quốc tổ chức thế vận hội ở Bắc Kinh”.

Đa số người mua tóc đến từ huyện Diễn Châu, Đô Lương… sau khi nắm được giá cả thu mua của các đại lý, họ mới quyết định giá cả của từng loại tóc, việc định giá cũng tùy theo loại: dài, ngắn, tốt xấu, khác nhau. Trung bình mỗi lượng tóc dài trên 40 cm giá 300.000 – 500.000 đồng. Có bộ tóc lên đến cả triệu đồng. Tuy nhiên khi ra nước ngoài thì giá của những bộ tóc đó phải lên gấp đôi, gấp ba.

Chị L., 39 tuổi, quê Diễn Châu, một trong những người buôn tóc có thâm niên chỉ tay vào chỗ bao tải đang để trong góc nói: “Chỗ này hơn 10 kg tóc, trung bình dài từ 40 cm – 70 cm/bộ, tính sơ cũng được 40 – 50 triệu đồng đấy!”. Như vậy tính chung trên cả nước, trung bình mỗi tháng có hàng ngàn mái tóc vượt biên. Số phận của những mái tóc sẽ về đâu? Tóc dài Việt Nam đã “bay” nửa vòng trái đất đến tận Mỹ, sang các nước trên thế giới để nối tóc cho người ngoại quốc.

“Một cô gái muốn biến tóc ngắn thành dài thường phải trả hàng triệu đồng cho các tiệm nối tóc. Lượng tóc dùng để nối tùy theo yêu cầu của người nối, nhưng thường khoảng 100g. Tóc dài thu mua được các tiệm ngâm, giặt, phơi khô rồi làm mượt trước khi nối cho khách”, chị L. cho biết thêm.

Không riêng gì ở chợ quê mà hiện nay trên khắp các nẻo đường miền quê, đâu đâu chúng ta cũng nghe tiếng rao: “Ai bán tóc dài đi”. Tiếng rao luồn lách, âm vang trong các ngõ ngách tận cùng của thôn xóm.

Đâu rồi những mái tóc dài thướt tha bay trong chiều gió lộng. Tôi chạnh lòng nhờ tới một đoạn trong bài hát Lặng thầm của tác giả Thế Hiển: “… Dáng em gầy mong manh như lá cỏ; Mái tóc huyền óng ả thật dễ thương; Tôi thẫn thờ như mưa bên hiên vắng; Cứ đứng chờ như nắng hạ chờ mưa”.

Exit mobile version