Bên cạnh mặt tích cực của nghề tóc, có một thực tế những ai trong nghề cũng đều nhận thấy, bên cạnh sự phát triển tốt của ngành nghề luôn đi kèm áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Nghề tóc của người Việt tại Hoa Kỳ không thể tránh được điều này.

Cạnh tranh là tất yếu trong thực tiễn kinh doanh của mọi ngành, nhưng cũng giống như nghề nail của người Việt ở Hoa Kỳ, nghề tóc cũng đang nhầm lẫn trong việc xây dựng chiến lược cạnh tranh. “Phá giá” – phát minh của riêng người Việt

Nếu như hầu hết chiến lược kinh doanh đều tập trung nhằm cắt giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm hay dịch vụ, và tạo nên sự khác biệt cho từng thương hiệu. Thì phương cách cạnh tranh phổ biến mà đại đa số tiệm tóc người Việt ở Hoa Kỳ đang bị cuốn đi trong vòng xoáy cạnh tranh “phá giá”, hiện đang áp dụng có vẻ như không thuộc bất kỳ nhóm nào trong ba nhóm chiến lược nêu trên.

Anh Trí Trần, từng làm trong một tiệm tóc của người Mỹ làm chủ ở Laguna Niguel vài năm trước khi về làm tại tiệm tóc của người Việt làm chủ trong vùng Little Saigon để gần nhà hơn, khoảng 10 năm nay, anh nói hồi anh làm ở Laguna Niguel, không có nhiều tiệm tóc dày đặc như ở khu Bolsa và quanh vùng Little Saigon. Xa xa mới có tiệm tóc, nên các tiệm tóc không bị nhiều cạnh tranh.

Chủ phố cho thuê mặt bằng cũng rất biết điều, trong 1 khu, nếu đã có một tiệm tóc rồi, thì chủ phố sẽ không cho thuê thêm tiệm tóc nữa. Các chủ tiệm tóc người Mỹ rất ghét việc cạnh tranh hạ thấp giá của những tiệm tóc do người Việt làm chủ để giành khách.” Anh Trí Trần than phiền: “Thường người Việt Nam mình khi mở tiệm, vì muốn giành khách, không dùng tài khéo léo của mình để chiêu mộ khách, mà lại dùng cách phá giá. Tôi có một khách Mỹ lâu năm tìm đến tôi cắt tóc cũng gần 10 năm nay có nói, cách nay 20 năm, xăng chỉ có 1 đồng mua được 1 gallon, nay xăng đã lên có lúc 4 đồng 1 gallon, mà sao cắt tóc nữ vẫn có 20 đồng, thậm chí thấy có tiệm cắt tóc cho nữ chỉ 10 đồng, hoặc 8 đồng thôi. Không hiểu sao tụi bây sống được, cắt bao nhiêu cái đầu thì mới đủ tiền để trả tiền thuê. Tôi thấy, ồ sao khách người Mỹ họ thấy được điều đó, mà chính những người thợ của mình lại đi hại nhau như vậy.

Điều này rất buồn, vì những tiệm khác hạ giá thấp quá, mình cũng phải lấy giá vừa phải, không thể cao hơn được. Tôi chỉ mong các chủ tiệm, thợ Việt Nam chúng ta nên coi lại bảng giá của mình, đừng nên giành khách bằng cách hạ giá thấp quá, đẩy đến tình trạng làm không công luôn, vì sức mình bỏ ra cần phải có đồng tiền phù hợp, nếu không thì tự giết mình trong tương lai, vì không thể nào cứ hạ giá hoài được. Tôi cũng như bao người khác, dựa vào nghề này mới sống còn được, nuôi gia đình… nên phải giữ nghề đi lên chứ đừng để đi xuống. Ngay như đồ nghề của thợ tóc cũng tốn tiền để sắm mới, kéo muốn cắt được loại thường cũng phải mua khoảng 300 đồng hoặc 500. Còn loại kéo cao cấp thì giá còn cao hơn nữa.

Khoảng nửa năm hay 1 năm mài lại kéo, 1 lần tốn khoảng 35 mỹ kim, kéo phải mài hoài, thì tuổi thọ cây kéo càng giảm đi, phải sắm cặp kéo khác, chưa kể tiền sắm tông đơ, máy sấy, kẹp duỗi tóc… Nghề này làm lâu cũng bị ảnh hưởng sức khỏe, chẳng hạn cứ cắt tóc mỗi ngày, về lâu dài, những khớp tay bị đau, thợ tóc phải đứng hoài thì các khớp chân cũng bị đau…”

Hạ giá rồi, làm sao để tăng?

Nhà tạo mẫu tóc Calvin Trần (Cường Trần) kể, “Nghề tóc trong cộng đồng của người Việt mình hồi tối mới ra nghề vào những năm đầu thập niên 1990, giá tiền vẫn còn khá, tóc nam cắt với giá 17 đồng, thời đó tô phở chỉ 4 đồng thôi. Cắt tóc nữ, giá từ 30 đến 40 đồng, đến giờ này thì rớt giá thảm hại luôn.

Vì thợ tóc, tiệm tóc trong cộng đồng chúng ta nay nhiều quá, mà phần lớn chỉ phục vụ cho khách người Việt thôi. Nên sự cạnh tranh cao. Ngay trên con đường Bolsa, từ khúc cơm Tấm Thành (trên đường Bolsa- Brookhurst) kéo dài đến đường Beach, chu vi chưa đến 1 miles, mà đã có đến 37 tiệm tóc, thử hỏi làm sao mà sống? Có khu nhỏ thôi vậy mà chủ phố vẫn cho thuê đến 2 tiệm trong cùng 1 khu, trung bình một tiệm có từ 3- 5 hoặc 7 thợ.”

Anh nói thêm: “Thật ra làm tóc trong khu Việt Nam, giá đâu có mắc như tại những tiệm chủ người Mỹ. Thời buổi này mà còn cắt tóc nam 12 đồng, trong khi tô phở đã 8- 9 đồng rồi. Còn tiệm của người Mỹ chỉ là tiệm bình dân, chứ chưa phải là tiệm sang, trung bình cắt tóc nam là 20- 25 đồng, cắt barber của tiệm Mỹ cũng phải từ 15-17 đồng, nếu muốn gội đầu thì cộng thêm 5 đồng.

Nhiều khách Việt Nam nghĩ là đến cắt tóc thôi, nhưng họ quên một điều là khi mở tiệm, phải trả tiền điện, tiền thuê tiệm, tiền thuế. Người thợ tóc phải học cả một năm trời để ra cái bằng, muốn thăng tiến tay nghề, người thợ cũng phải tốn tiền đi xem hair show, hay đóng tiền học thêm những lớp advance, cắt tóc nam 12 đồng thì quá rẻ, vậy mà có tiệm cắt tóc nam chỉ có 5 đồng, cắt tóc nữ giá 10 đồng, tiền thuê tiệm trên đường Bolsa đâu có rẻ, hạ giá kiểu đó thì làm sao mà sống được, tôi chẳng hiểu nổi.

Cắt 5 đồng cho 1 đầu tóc, 20 người được 100 đồng, phải trả tiền điện nước, tiền thuê mặt bằng, vậy làm sao mà sống được? Chính vì có tiệm làm lâu năm rồi mà còn hạ giá kiểu đó, thợ mới ra đâu có dám lấy giá 10 đồng, cùng lắm thì chỉ 7 đồng thôi. Người thợ chỉ cắt tóc có 7 đồng, một ngày có thể cắt tóc được 20 người, ăn chia với chủ, cũng được 100 đồng (với điều kiện là có 20 người hoặc hơn đến cắt mỗi ngày, thì mới được nhiêu đó tiền).

Nhưng nếu vậy thì cũng chỉ giống như đi làm hãng, gọi là assembly, làm dây chuyền sản xuất thôi, chứ không phải chuyên viên. Trong khi muốn làm thợ tóc hợp pháp tại Mỹ, người đó phải tốn tiền đi học và thời gian khoảng một năm mới đi thi lấy bằng, còn thợ làm hãng đâu có cần bằng cấp gì.”

Calvin Trần khẳng định: “Người khách đã từng cắt ở chỗ giá rẻ 7 đồng, hay 5 đồng, nhưng có thể lần sau, sẽ tìm chỗ cắt giá 10 đồng, hoặc cao hơn, nhưng tôi dám chắc rằng, người khách nào từng cắt ở chỗ 30 đồng, sẽ không bao giờ dám tìm đến chổ chỉ cắt có 7 đồng, hay 5 đồng để cắt, vì họ sẽ e ngại chỗ cắt rẻ cắt xấu tóc họ, vì tiền nào của đó. Tôi nghĩ những người thợ chúng ta đừng nên hạ giá thấp, vì sẽ không bao giờ lên giá được. Không nên tự hạ thấp nghề nghiệp của mình. Hãy cạnh tranh giành khách bằng tay nghề của mình, cung cách phục vụ của mình, nếu giá các tiệm đều bằng nhau, khách vẫn đến cắt, vì đây là nghề đáp ứng nhu cầu, ai cũng cần cắt tóc hết. Đừng vì không tự tin vào tay nghề của mình, mà hạ giá thấp để giành khách và tự làm thiệt thòi cho chính bản thân mình luôn.”

Thay lời kết

Việc phá giá trong nghề tóc cũng như nghề nail của người Việt là một hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, một bước lùi sai lầm trong kinh doanh, và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành. Trong bất cứ ngành nghề nào, ai ai cũng đều có lòng cầu tiến, mong kiếm được nhiều tiền vì đồng tiền rất cần thiết để phục vụ đời sống. Và mỗi người đều có cách làm việc khác nhau để mưu sinh. Người làm thợ, kẻ làm chủ, người đi buôn bán, kẻ đầu tư. Dù nghề nghiệp có thể hoàn toàn khác nhau nhưng phần thưởng, hay thù lao đều đến bằng cách giống nhau, rất cần nhận được sự tương xứng với giá trị chúng ta mang đến cho người khác. Ngoài ra, việc vệ sinh khử trùng cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt là bắt buộc theo quy định của State Board, người thợ, người chủ tiệm cần thực hiện đúng những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách, cho chính người thợ.

Mong rằng, tất cả những dịch vụ liên quan đến nghề tóc của cộng đồng người Việt nên hỗ trợ và nâng đỡ nhau, từ người thợ, chủ tiệm, trường thẩm mỹ, giáo viên dạy nghề… Tất cả nên là một tập hợp đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp để luôn thăng tiến nghề nghiệp, cách bảo vệ sức khỏe, cách tránh những cạm bẫy trong nghề nghiệp, cách cư xử với khách, trách nhiệmvề thuế… Hy vọng người Việt với tính cần cù, sự khéo tay, tinh thần học hỏi tiếp thu nhanh, biết lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của khách hàng, rút kinh nghiệm từ những lần bị xử phạt trong kinh doanh, hoàn thiện tốt hơn phong cách kinh doanh, nghệ thuật phục vụ, trình độ quản lý tốt, khả năng giao tiếp thân thiện với khách hàng trong mọi tình huống… Để xây dựng được một cộng đồng nghề tóc của người Việt biết đoàn kết, thân ái, giàu mạnh tại Hoa Kỳ và những đóng góp của người Việt trong ngành tóc ở đất nước này sẽ được đánh giá cao hơn!

*Bài viết nằm trong loạt phóng sự về “Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ” được đăng dài kỳ trên nhật báo Viễn Đông Daily

Exit mobile version