Hơn 30 năm miệt mài với cây kéo, hình ảnh người thợ cạo đất Hà Thành đã quá thân quen với mỗi người dân gắn bó lâu năm với thủ đô. Hình ảnh đó giờ đây như là một biểu tượng cho cả một giai đoạn lịch sử đã qua của đất nước.

Chuyện người thợ cạo đất Hà Thành

Người thợ cắt tóc ấy có tên Đào Xuân Tân quê ở một vùng đồng bằng nổi tiếng trong văn thơ, nhưng giờ đây cũng có thể coi anh là dân Hà Nội gốc. Bởi từ đời ông nội bác Tân đã có một cửa hàng cắt tóc của gia đình trên một con phố ở trung tâm Hà Nội. Nghề tóc được coi là nghề gia truyền của đại gia đình, nó được kế thừa từ đời ông nội, đến đời cha, đời bác và giờ đây cậu con trai cả của bác cũng đang duy trì.

Phải nói thêm rằng, bác Tân chỉ cắt tóc nam, dù nhiều năm gần đây làn sóng thời trang tóc trẻ lan rộng với những kỹ thuật cắt tỉa mới lạ nhưng khách hàng của bác vẫn thường điện thoại hẹn trước, chứng tỏ rằng với nhiều thị dân Hà Nội họ vẫn chuộng những nét gì đó thuộc về một gu riêng mà chỉ có ở Hà Nội mới thấy được.

Hiện nay, chỉ còn cửa hàng cắt tóc 6 Tràng thi là cửa hàng cắt tóc quốc doanh duy nhất ở Việt Nam do bác Tân làm cửa hàng trưởng vẫn được duy trì đến ngày nay.

Như duyên phận nghề tóc theo cha, bác Tân và cậu con trai vào quân ngũ, trong đơn vị họ cắt tóc cho đồng đội và khi rời đơn vị về đời thường họ vẫn tiếp tục nghề đó với bộ đồ nghề giản đơn tông – đơ, kéo, lược… để làm đẹp cho đời.

Thời đại ngày nay, chúng ta đã quá quen với những salon hiện đại, long lanh và hào nhoáng mà vô tình lãng quên đi những tiệm cắt tóc bên đường. Nếu ai đã từng đến tiệm cắt tóc của “người thợ cạo đất Hà Thành” thì sẽ không thể quên được, cũng bởi lý do, nó quá giản dị và mang đầy nét của đấy Hà thành.

Gọi là tiệm cắt tóc nhưng thực ra đó chỉ là 1 khoảng nhà nhỏ trong mép nhà 4B phố Tràng Thi, diện tích khoảng 2m2, chỉ đủ để kê 1 chiếc ghế, 1 cái bàn để gương và treo dụng cụ, vài chiếc ghế nhựa kê ngoài đường để dành cho khách ngồi chờ đến lượt cắt tóc. Đặc biệt, tiệm của người thợ cạo ấy chỉ làm việc từ 10h – 2h chiều, sau giờ đó mọi khách hàng muốn được bác Tân cắt tóc đều phải sang số 6 Tràng Thi, chỉ cách đó 5 bước chân.

    

Bác Tân chia sẻ: “Nghề gì cũng vậy muốn gắn bó và làm tốt ngoài cái duyên với nghề, cần phải có chữ “Tâm” và chữ “Tình”. Cắt tóc cũng là một nghề dù là  mưu sinh nhưng làm cái nghề này cũng phải có tâm và yêu nghề, tôi chỉ đơn giản chiếc kéo và chiếc lược để hàng ngày làm công việc mà mình yêu thích thôi!”

Đồ nghề của người thợ cạo ấy chỉ vọn vẹn để vừa 1 chiếc khay nhỏ, nhưng đối với bác Tân đó là những vận dụng vô giá bởi tất cả đều là đồ gia truyền từ cách đây 20 năm. Đặc biệt có chiếc kéo từ thời bao cấp đến giờ vẫn được bác sử dụng thường xuyên, “cây kéo này đã theo tôi suốt 20 năm cuộc đời, từ lúc nó dài 10cm, bây giờ mòn theo thời gian chỉ còn 1 nửa, giống như tôi nó cũng đã phải lao động hết mình”, bác Tân chia sẻ. Xếp sau chiếc kéo là con dao cạo gióng trúc từ đời ông nội anh để lại, rồi đến chiếc lược đồng mà hiện tại chỉ còn 2 chiếc ở Hà Nội, cùng chiếc máy sấy tóc nhãn hiệu Calor từ thời Pháp. Ngoài ra không thể kể đến chiếc ghế cho khách ngồi đã cũ, có thể tháo rời từng bộ phận để phù hợp với mỗi dịch vụ. Cứ như thế, hàng ngày người thợ cạo ấy vẫn cắt tóc cho tất cả mọi người.

Nằm giữa phố xá tập nập xe cộ nhưng tiếng lách cách của tiếng kéo vẫn ngày ngày vang lên khiến cho bất kỳ ai đi qua đều phải ngước nhìn. Chẳng thế mà nhiều du khách nước ngoài đi qua vẫn thường xuyên ghé vào và ghi lại những tấm hình lưu niệm. Đối với nhiều người gắn bó lâu với đất Hà Nội, hình ảnh “bác thợ cạo ấy cứ gắn bó mãi trong tâm trí như một biểu tượng của đất Hà thành một thời bao cấp”.

Và cơ duyên cắt tóc cho Thủ tướng

Vào một ngày cách đây hơn 10 năm có người đến mời bác đi cắt tóc cho cán bộ cấp cao của Chinh Phủ đó chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày nay. Khi đến gặp và biết đó là Phó Thủ tướng nhưng bác không cảm thấy hồi hộp và lo lắng bác cho biết: “Có lẽ do đã quen cắt tóc cho khách và hơn nữa Thủ tướng là người rất cởi mở, giản dị và ân cần. Ở trong nghề lâu, nhìn khuôn mặt của Thủ tướng tôi đã hình dung ra được kiểu đầu phù hợp với ông”.

Hơn 10 năm qua, Thủ tướng vẫn gắn bó với kiểu tóc truyền thống được cho là hợp với khuôn mặt, thẩm mỹ. Dù đi dự Hội nghị, trước khi đi công tác hay khi vừa đáp máy bay về trong đêm để chuẩn bị cho chuyến công tác trong chiều hôm đó, ông đều gọi anh đến sửa sang lại tóc cho mình và vẫn luôn trung thành với kiểu đầu đó.

Khách quen của anh Tân không chỉ có Thủ tướng mà còn nhiều quan chức, cán bộ lãnh đạo cao cấp khác như các đồng chí Trần Đình Hoan, Phạm Thế Duyệt, Phạm Quang Nghị…, là những khách nước ngoài người Mỹ, người Pháp, các đại sứ, lãnh sự quán đến sinh sống và làm việc tại Hà Nội sau một vài lần cắt thấy hợp ý đã mách nước cho bạn bè đến tân trang “góc con người”. Nhiều khách nước ngoài thân thiết với anh, còn mời đến nhà ăn cơm.

Nhắc đến người cắt tóc cho Thủ tướng và cửa hàng của anh nhiều người nghĩ đó sẽ là một cửa hàng sang trọng, với giá cắt cao nhưng ngược lại hoàn toàn đó chỉ là một cửa hàng nhỏ nằm trên phố Tràng Thi với tấp nập phương tiện qua lại. Người thợ ấy vui tính, nhiệt tình, thoải mái tạo được ấn tượng với khách để đến một lần rồi họ sẽ nhớ mãi và tiếp tục ghé thăm. “Không khí ở đây thật tuyệt vời, cảm giác như được người thân của mình cắt tóc, mọi người nói chuyện với nhau rôm rả và thân thiện. Chính từ những điều nhỏ nhặt đó khiến tôi không thể quên được salon này và cả những gương mặt thân thiện của người Việt Nam” Tom Wilder người Australia cho hay.

              

Với 50 năm tuổi đời, hơn 30 năm tuổi nghề và hơn nửa số thời gian đó anh gắn bó với việc tân trang “góc con người” cho Thủ tướng. Nghề mưu sinh ấy có lúc vui, lúc buồn, lúc thăng, lúc trầm nhưng anh vẫn luôn gắn bó và tâm niệm phải hết mình với nghề, với những người đã yêu thương tin tưởng mình.

Exit mobile version