Trong ngành tóc, việc phân biệt đẳng cấp có rõ ràng hay không? Điều đó phụ thuộc vào quy mô đầu tư của salon hay tên tuổi của người tạo mẫu? Có lẽ, không ai trả lời câu hỏi này chính xác như Đức Quyết, người có biệt danh gắn với tóc – Quyết Tóc.

Vào nghề bởi… chưa xin được việc

Ít ai biết Quyết từng là… bộ đội, tại ngũ tại Bộ Tư lệnh Hải quân. Năm 1989, sau khi giải ngũ, anh lận đận chạy đi xin việc. Những lá đơn xin việc đã viết và chưa có hồi âm. Trong thời gian đó, Quyết đến thăm người chị họ sau bao nhiêu năm không liên lạc. Chị họ của anh có salon làm tóc. Khi quan sát cô thợ chính đang cắt tóc cho một khách hàng nam, Quyết buột miệng nói với chị họ là “tóc này cắt chưa được đẹp lắm”. Người chị rất ngỡ ngàng trước nhận xét này và gợi ý Quyết cắt thử 1 người khách nam. Nhờ có chút năng khiếu cùng 1 ít kinh nghiệm sau nhiều lần cắt tóc cho bạn bè cùng đơn vị, chỉ sau hơn 10 phút mái tóc mới của người khách nam hoàn thành mà lại được khen rất đẹp. Thế là gợi ý của chị “hay em nên theo ngành tóc” đã khiến Quyết gác đơn xin việc lại, bước chân vào nghề “múa kéo”.

Thời gian đầu, Quyết theo một một giáo tên Trang người Nha Trang, gốc Hoa. Nhưng chỉ được 6 tháng, “người thầy đầu tiên” định cư tại Mỹ, Quyết một mình… quyết tâm tạo dựng sự nghiệp.

Từ năm 1991 tới năm 1996, chịu khó tìm tòi và học tập, sáng tạo từ các mẫu tóc trên catalogue mà khách hàng mang từ nước ngoài về tặng, anh đã thu hút được một lượng khách quen đông đảo. Đó cũng là cơ sở để anh tự tin tham gia cuộc thi Cây Kéo Vàng 1997 và 1998 và liên tiếp đoạt giải thưởng cao nhất trong hai lần thi này.

Với Quyết , giải thưởng là một sự đánh dấu đỉnh cao tay nghề, nhưng sự nghiệp là một hành trình dài mà mỗi lần ngoái lại, anh đều thấy ở đó dấu ấn của những người đã hết lòng ủng hộ anh, từ cô giáo Trang đến những khách hàng thân thiết. Anh cũng không bao giờ quên salon Quyết của những năm 90’s, dụng cụ máy móc thiếu thốn, toàn salon trang bị thô sơ và người làm nghề chỉ có sức người với niềm đam mê là chính. “Những năm 2000, cơ chế thị trường kinh tế phát triển, nhu cầu làm đẹp ngày một cao, đòi hỏi người thợ phải nắm bắt xu hướng và sáng tạo không ngừng đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho khách hàng. Quyết cũng đã xác định thay đổi cơ sở vật chất salon, trang bị các máy móc dụng cụ hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, trang trí thoáng mát, sang trọng, sạch sẽ, đội ngũ nhân viên phải thật sự chuyên nghiệp, mỗi cá nhân trong salon là 1 chuyên viên tư vấn, phục vụ khách hàng vui vẻ tận tình. Những tôn chỉ phục vụ đó đã góp phần xây dựng nên thương hiệu salon Đức Quyết”, anh nhớ lại.

Người thầy của 1.000 nhà tạo mẫu

Có thương hiệu, được khách hàng ngày càng tin cậy tìm đến, thậm chí, nhiều nhãn hàng mỹ phẩm cũng mong muốn được mời anh đại diện, nhưng Quyết không nhân đà đó để mở rộng các salon chi nhánh hoặc nhượng quyền thương hiệu như nhiều nhà tạo mẫu, nhằm gia tăng doanh thu cũng như khuếch trương danh tiếng. Anh có con đường riêng của mình.

Nhưng salon của anh không vì thế mà “khuất tiếng”. hách hàng của anh ở khắp nơi tìm tới chỉ để được anh tạo cho mình 1 kiểu tóc ưng ý. Trong vòng 20 năm qua, niềm tự hào nhất của anh là đã có thêm khoảng… 500 salon do các học trò mà anh đào tạo mở ra trên khắp cả nước. Khoảng 1000 nhà tạo mẫu tóc hiện nay là học trò của “thầy Quyết”.  Và với sự góp sức, tâm huyết không ngừng của anh, trường dạy nghề Quốc tế Sáng Tạo hiện nay một trong những thương hiệu dạy nghề uy tín nhất  trên toàn quốc. “Sáng thứ 2,4,6 tôi đi dạy, hoặc  dạy vào các thứ 3, 5, 7,thời gian còn lại và các buổi chiều tôi dành cho salon. Sắp tới, tôi vẫn quyết không mở thêm chi nhánh hoặc salon mới. Chừng nào khách hàng còn đến và muốn được chính tay Quyết tư vấn, làm tóc, chừng nào còn nhiều học sinh mới gọi tôi là thầy, với tôi, thế là đủ!”.

Giản dị, hiền lành và rất gần gũi không chỉ điều mà ai cũng nhận thấy ở anh. Trong anh, tâm huyết với nghề tóc và sẵn sàng làm mọi việc cho nghề tóc, ngành tóc cũng là ưu điểm không ai không nhận thấy. Sau nhiều năm vận động, Quyết đã quyết tâm lập ra Hội ngành tóc Thành phố Hồ Chí Minh. Anh xác định Hội là nơi quy tụ các nhà tạo mẫu tóc để họ không còn phải hoạt động đơn lẻ, đồng thời là sân chơi nhằm giúp các nhà tạo mẫu tóc có dịp giao lưu học hỏi trao đổi kinh nhiệm lẫn nhau – đưa ngành tóc VN phát triển hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

“Ngành tóc không cạnh tranh”

Trái ngược quan điểm của nhiều người về sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đang bắt đầu diễn ra, với sự châm ngòi từ những công ty – doanh nghiệp công nghiệp hóa ngành tóc, Quyết cho rằng ngành tóc không hề có sự cạnh tranh. Mỗi một nhà tạo mẫu, mỗi một salon, mỗi một địa chỉ đều có cái duyên riêng, khách hàng riêng của mình và nếu mình chăm chút khách hàng, “yêu” khách hàng thì chắc chắn họ không bao giờ bỏ mình. Ngẫm cho cùng thì điều anh nói là đúng. Ngay cả các địa chỉ phục vụ dịch vụ tóc theo guồng quay công nghiệp, nếu không có “duyên”, không đặc trưng, cũng rất khó để thu hút khách. Hoạt động trong ngành tóc là hoạt động dịch vụ đặc thù vừa mang tính thẩm mỹ xã hội vừa đậm thẩm mỹ cá nhân, không dễ để xác định nói cái đẹp nào là cái đẹp chân lý và như thế nào là đẹp, như thế nào là người ta ưng ý. Cũng vì vậy, nên Quyết  tâm niệm hạnh phúc lớn nhất của anh là… nụ cười của khách. Khi cắt một mái tóc, cắt xong, khách hàng cười ưng ý, đó mới thực sự hạnh phúc lớn nhất của một người làm nghề.

Và cũng vì vậy mà anh rất lạc quan về tương lai của ngành tóc Việt Nam. Một thế hệ tạo mẫu tóc trẻ đã có bệ phóng vững chãi thông qua các hiệp hội như Hội Ngành Tóc Tp.HCM. Các salon, các nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng đang tỏ rõ vai trò ảnh hưởng của họ trong ngành tóc và theo anh, chính họ sẽ hội nhập hoán đổi rất nhanh để phù hợp với các công ty đầu tư vào thị trường tóc. “Tôi tin sẽ có sự hợp tác về mặt bằng giá dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian không xa. Vấn đề này liên quan quyền lợi của các nhà tạo mẫu tóc và cả các công ty mỹ phẩm đang kinh doanh tại VN. Tuy nhiên, cho dù như thế nào thì tôi vẫn muốn nói rằng bên cạnh bệ phóng tốt, thị trường tốt, để trở thành một người làm nghề đích thực còn đòi hỏi những niềm đam mê đích thực. Khi đã được vinh danh và đạt đến một đỉnh cao nào đó, cần nhớ việc phát triển đỉnh cao đó còn khó hơn nhiều. Phong độ thì nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi!”.

Exit mobile version