Kiệm lời, luôn cười thay cho… nói, NTMT Nguyễn Văn Hiếu gây ấn tượng lần đầu với tôi, và có lẽ với bất kỳ ai lần đầu gặp anh, về phong cách ít “ vẽ vời” hiếm thấy ở một người chuyên tâm trong công việc nghệ thuật. Dù anh được rất nhiều người biết đến, dù khách hàng và bè bạn của anh đông đảo, thuộc nhiều giới, nhiều giai tầng, trong số đó có không ít các nghệ sĩ nổi tiếng.
Dường như Hiếu không quá đề cao công việc của mình trong việc góp phần tạo nên hình ảnh của giới showbiz. Và anh cũng không muốn mình luôn ở trong thế giới những người nổi tiếng, để rồi phải bận tâm tới những thị phi hay những tiếng tăm. Như anh không có nhu cầu nói gì nhiều về bản thân. Hay đúng hơn, trong anh, lẩn khuất đâu đó vẫn là một chàng trai miền Tây lành hiền và chăm chỉ thủa nào, đến với nghề tóc trước tiên như một nghề cơm áo mưu sinh chứ không hề nghĩ rằng đó sẽ là bệ phóng cho mình thành danh, càng không đoán biết được có một ngày anh sẽ được đắm mình trong sự đam mê với nghề, rồi hơn thế, là một lý tưởng.
Những điều đó đã giúp Hiếu trở thành Cây kéo vàng khác biệt.
“Thầy đồ quẩy gánh lên kinh…”
Lần đầu lập thân ở Sài Gòn, tôi biết salon tóc “Hiếu Cây Kéo Vàng” năm năm về trước. Năm năm, cũng gần xấp xỉ với thời gian anh đứng ra lập tiệm tóc riêng, dựng cơ nghiệp của cá nhân, vừa làm thợ, vừa tự mình làm chủ. Đó là khoảng cuối 2006, sau khi anh đoạt giải Nhất Cây kéo vàng trong cuộc thi do báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức, với tác phẩm "Vượt Vũ Môn".
Hiếu kể: “Ở thời đó, đi tham dự một cuộc thi trong ngành tóc với mình kỳ công và… vĩ đại, y như công cuộc thầy đồ quẩy gánh từ các vùng xa xôi tìm đến trường thi của kinh thành xa xưa vậy. Ròng rã một tuần tự mình thực hiện các nghiệp vụ, thao tác từ cắt, uốn đến gội, nhuộm, duỗi, rồi sau đó là vòng tạo mẫu bới ấn tượng. Khi được xướng danh, mình không thể hình dung nổi giải thưởng lại thuộc về mình. Có lẽ chỉ những ai thực sự muốn dấn thân, muốn khám phá bản thân mình với nghề mới đủ… dũng cảm đi thi vào lúc đó”. Hẳn vì vất vả, vì đã đồ mồ hôi, công sức, nên khi chiếm giải nhất, Hiếu thực sự tự hào với giải thưởng, với bản thân. Tự hào nhưng không thỏa mãn. Quan trạng vinh quy bái tổ võng áo xênh xang về làng nếu có tự hào chắc cũng chỉ tự hào đến như anh. Nhưng Hiếu không vinh quy bái tổ. Anh lấy sự tự hào nhất thời khi được vinh danh để làm cú hích cho một chặng đường mới, sử dụng những đồng tiền đã cần kiệm tích góp trong một quá trình dài làm thợ – làm thuê trước đó và thêm phần trợ giúp của gia đình tự đứng ra thuê mặt tiền ở ngay con phố Trần Quang Khải – thuộc trung tâm Quận 1 của khu “Sài Gòn” với quyết tâm khẳng định một không gian, dần dần xây nên thương hiệu của riêng mình. Hiếu nói rằng nếu ngày đó anh tự hào đến mức thỏa mãn chỉ chuyên tâm “ăn” mòn vào “của để dành” là giải thưởng, không tu tâm trì chí khổ luyện với nghề, thì có lẽ giải thưởng cũng chỉ là một giải thưởng, hay một cái ruy-băng tô hồng trên bảng hiệu của ngày hôm nay.
Tôi biết nhiều nhà tạo mẫu của các thế hệ đoạt Cây kéo vàng. Nhìn chung, ai cũng tự hào và coi các giải thưởng là một dấu mốc trong sự nghiệp. Nhưng không phải ai cũng thể hiện sự tự hào với giải thưởng Cây kéo vàng như Hiếu. Cũng không phải ai cũng trân trọng giải thưởng này, và luôn ý thức trau đồi nghề để không bao giờ làm hổ danh danh hiệu mà mình đã gắn liền khi đoạt giải, cho dù danh hiệu đó có bị nhạt, bị loãng, bị “bội thực” hay bị lu mờ bởi vô số những Cây kéo vàng “phủ sóng” trên khắp miền đất nước những năm sau đó, như là Hiếu.
Ngày “ra riêng”, Hiếu thuê hẳn họa sĩ design logo cho tiệm tóc của mình với những dòng chữ nắn nót, rõ ràng: “Hiếu – Cây Kéo Vàng”. Website của anh, không mang tên anh như thường thấy mà mang danh caykeovang2006. Một số người không hiểu thì cho rằng anh chuộng danh. Số khác thì đánh đồng anh với các cây kéo “trưng” danh để hút khách. Ai hiểu anh, và thấy sự trân trọng đáng quý của anh với một bước ngoặt trong nghề, mới thấy đó là một sự tự hào chính đáng về những thành quả mà mình đã lao tâm khổ tứ, bỏ công nhọc sức dựng xây, chứ không phải đạt được một cách dễ dàng, ngẫu nhiên, may mắn, hay vì một điều gì đó ngoài năng lực và sự cố gắng của bản thân. Anh giống như một người nông dân tự hào về cánh đồng lúa trĩu hạt mà mình đã bỏ cả bao ngày mưa tháng nắng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời dày công vun xới. Trong tâm thế của người đã dày công xây dựng cơ nghiệp cho mình qua nhiều khó khăn, vất vả như thế, Hiếu cũng là một trong số những nhà tạo mẫu tóc tôi may mắn được biết, có đức tính đáng quý của một người nghiêm túc làm nghề, cũng là đức tính của một nghệ sĩ: Không bao giờ chấp nhận dừng lại, chấp nhận thụ hưởng chừng đó thành tựu đã có. Anh luôn đi tìm những cánh đồng mới, những thử thách, khó khăn mới, những phiêu lưu trong lãnh địa mới để cái đích cuối cùng vẫn là ngày càng hoàn thiện các kỹ năng của một thợ làm nghề, dám sống vì những gì mình đã chọn.
15 năm thợ
Cũng như nhiều thợ khác, Hiếu đến với nghề tóc khá giản đơn: Chọn một nghề để làm kế sinh nhai. Tốt nghiệp PTTH, thay vì ở nhà làm ruộng, cấy lúa, lấy vợ sinh con, an bề gia thất ở miệt vườn chân chất, mẹ và chị “tư vấn” cho Hiếu đi học nghề làm tóc. Thời đó, theo anh, nghề may là thịnh nhất. Nghề tóc được cho là nghèo và may lắm thì chỉ đủ kiếm cơm. Vì lúc đó nghề tóc chỉ đơn thuần có hai dịch vụ cắt, uốn. Ai tóc dài thì đi cắt. Ai “sang” hơn thì uốn. Khó có thể nhìn thấy nghề có triển vọng, hay tương lai. “Nếu ai hỏi lúc đó tôi có yêu nghề tóc không. Chắc chắn tôi trả lời là không. Vì đâu biết nghề như thế nào, tương lai ra sao mà yêu”. Nhưng Hiếu vẫn thuận theo sự chọn lựa của mẹ và chị, như một đứa con ngoan, một người em thảo, đúng như sự lành hiền của anh mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được.
Người thầy đầu tiên của Hiếu là nhà tạo mẫu tóc Lê Văn Đặng, chủ tiệm tóc Đặng ngày nay đang tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng. Có lẽ đó là một người mà anh rất hữu duyên, bởi sau này anh Đặng không chỉ là đồng hương, đồng nghiệp, còn là người có nhiều cái “chung” với Hiếu: Chung cổ phần ở một Trường dạy nghề, cùng có “chân” trong Ban chấp hành của Hội ngành tóc TP. Hồ Chí Minh khóa I (2010 – 2015), chung xu hướng phục vụ khách hàng, cùng toát yếu một bản lĩnh phóng khoáng, ít ganh đua…, và rất có thể họ còn nhiều cái chung khác mà người viết chưa được khai thác hết.
Trở lại với những đầu theo học người thầy làm tóc ở đất Vĩnh Long thời bấy giờ, sau một năm, Hiếu ra nghề. Anh thực hành vai thợ ở tiệm tóc Đặng, rồi đến Trà Vinh, An Giang. Mấy năm trời ròng rã đi tìm một con đường, một cơ may để vươn lên, để có cuộc sống tốt hơn từ đôi bàn tay. Đồng hành cùng anh còn có người vợ trẻ cũng chịu thương chịu khó và chịu chiều tính… lang thang của chồng.
Bến đậu ở chốn thị thành của Hiếu, lại vẫn là tiệm Đặng mới tại Sài Gòn. Thêm nhiều năm làm thợ, trau dồi tay nghề, được khách hàng mến yêu và được thầy động viên thi thố, cuộc đời Hiếu từ cuộc thi Cây kéo vàng, lật sang trang.
“Nghề tóc, đã mang đến cho anh điều gì mà anh thấy quý giá nhất?” – tôi hỏi. Hiếu trầm ngâm hồi lâu. Một cơ nghiệp? Dĩ nhiên. Sự thành công? Đó là tất yếu của những ai luôn nỗ lực tiến lên phía trước; và trong đó không thể thiếu yếu tố may mắn, cơ duyên. Nghề tóc giúp anh thoát ra khỏi một tương lai làm ruộng, lấy vợ, sinh con, suốt đời gắn bó với miền Tây giàu có đất đai và trù phú nhưng vẫn còn thiếu thốn mọi bề? Điều đó không sai. Mọi giả thiết của tôi bắt đầu đuối, thì Hiếu bật ra: Lý tưởng! Thực sự, nghề tóc cho mình khẳng định lý tưởng của một con người! Sự nghiêm túc trong giọng điệu, gương mặt Hiếu khi thốt ra câu đó khiến tôi giật mình. Trước nay, tôi vẫn nghĩ rằng lý tưởng, hay chân lý, là một cái gì phải cao xa, vĩ đại, một cái gì đó mà những người bình thường như tôi và đang sống quanh tôi đã lãng quên, bỏ qua, thậm chí đã coi đó là một sự xa xỉ của cuộc sống bon chen, bộn bề thời hiện đại. Dường như tôi đã quá hồ đồ, quá xem thường những gì bình thường đang diễn ra quanh tôi. Lý tưởng sẽ là gì, nếu không phải được xây từ những bình thường nhất, từ những con người bình thường nhất trong cuộc sống, từ những điều hết sức giản dị nhưng con người ta có thể vì nó, sống, phấn đấu để tốt hơn, lương thiện hơn?
Miền đất mới…
Còn nhớ lần đầu tiên gặp mặt, câu đầu tiên tôi hỏi Hiếu là anh thường dành tiền tích góp để làm gì. Một câu hỏi nằm trong loạt bài Tóc Đẹp từng thực hiện về việc xài tiền của các nhà tạo mẫu tóc. Hồi đó, Hiếu nói anh dành tiền để chung cổ phần vào Trường dạy nghề và tái đầu tư cho tiệm. Anh chưa nghĩ đến một chi nhánh Hiếu Cây kéo vàng 2, 3, 4… như nhiều nhà tạo mẫu đã rất thành danh trong nghề lẫn trong lĩnh vực kinh doanh khác. Lý do đơn giản là anh vẫn thích được tự tay làm tóc, tư vấn, cắt chải, bới, tạo kiểu, nhuộm theo các công nghệ mới, trào lưu mới… cho những khách hàng thân thuộc của anh.
Mới đây, tình cờ vào mạng search Hiếu Cây kéo vàng, bỗng thấy xuất hiện một Hiếu Cây kéo vàng nữa, ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10. Một salon được đầu tư bài bản, chỉnh chu, sang trọng không thua gì salon đang có ở Trần Quang Khải. Hiếu đổi ý? Sau này, được biết đó là salon, cũng là “viện kỹ thuật” của công ty mà anh cùng một số người bạn đã góp tiền mở ra, cung cấp trang thiết bị vật liệu ngành tóc – một sân chơi mới ở lĩnh vực kinh doanh, đồng thời cũng là đất để anh thi triển khả năng quản lý, điều hành, lẫn thực nghiệm kỹ thuật với những sản phẩm mỹ phẩm tóc vốn không bao giờ ngưng cải tiến. Hóa ra, dù rất nghệ sĩ tính, rất ngẫu hứng và dễ dàng phiêu du với các mẫu tóc, kiểu tóc, luôn muốn biến hóa mọi mái đầu cho phù hợp với tâm lý, với hoàn cảnh của mỗi người như trong một show truyền hình mà Hiếu là cộng tác viên “ruột” về tạo mẫu, nhưng nhà tạo mẫu tóc này cũng là một người biết “thiết kế” con đường đi của mình rất bài bản, chắc chắn, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, không “bạ đâu hay đó”. Thế mới biết những suy nghiệm của anh về lý tưởng không hề đùa. Dám sống và cống hiến cho một điều đó, tôi nghĩ, đó chỉ có thể là lý tưởng.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi hẳn còn rất dài nếu chốc chốc Hiếu không phải đi từ ghế này sang ghế khác kiểm tra, hướng dẫn thợ làm tóc cho khách hàng. Thấy tôi chụp hình, một khách hàng của anh giới thiệu chị là Việt kiều ở Canada và là khách ruột của tiệm từ nhiều năm nay. Lần nào về, chị cũng đến Hiếu để chăm chút “gốc con người”. Cầm trên tay một lọ sản phẩm tạo kiểu tóc Hiếu đưa, chị tạm biệt với nụ cười răng khểnh: “Sắp tới má và em mình về, mình dặn tới Hiếu nha”.
Tò mò, tôi hỏi anh về tên vị khách. Hiếu ngớ ra. Suốt bao năm trời “thân thiết” với khách hàng như người nhà, thế mà anh không biết tên chị. Nhưng anh biết chắc một điều nếu anh tự thỏa mãn với bản thân, không xác định mình là người làm nghề và cho rằng đạt một danh hiệu, cắt được vài trăm mái đầu đã là đẳng cấp, thì có lẽ anh đã không bao giờ có được những khách hàng không tên nhưng vô cùng “trung thành” đến vậy. Đó cũng là tâm niệm của Hiếu khi anh chia sẻ mình ở các cương vị khác: giảng viên dạy nghề, nhà kinh doanh, Phó Chủ tịch trẻ Hội ngành tóc, nghệ sĩ biểu diễn tóc… Với Hiếu, tất cả đều chỉ là cái vỏ để anh khám phá điều bí mật ẩn sâu bên trong một nghề anh không hề hối tiếc khi đã dành trọn đam mê, cũng là những khám phá bản thân không hề giới hạn.
Lê Mỹ – Chuyên đề Tóc Đẹp số 50