Tuổi đời còn khá trẻ nhưng NTMT tài năng Nguyễn Thế Dũng đã làm chủ của một salon khá là có tiếng tại 81 Thái Hà, Hà Nội. Dưới sự đào tạo và dìu dắt của anh, nhiều bạn trẻ đã vững tay nghề và tự mở salon riêng.
Cơ duyên nào đã gắn bó anh với nghề tóc?
Tôi đã gắn bó với nghề tóc hơn 15 năm và đã xây dựng cho mình được thương hiệu riêng khá là uy tín trong thị trường tóc ở Hà Nội, salon Thế Dũng. Câu chuyện đến với nghề tóc của tôi kể ra cũng khá dài.
Hồi nhỏ, tôi học âm nhạc, và có lúc đã từng mơ trở thành nhạc sỹ. Có một gian tôi sống ở Hồng Kông, lối sống xã hội cởi mở nên việc tôi nhuộm tóc lúc nhỏ là bình thường. Tôi rất chịu khó ra tiệm làm điệu cho mái tóc của mình. Rồi sau nhiều lần “làm đẹp” cho mái tóc của mình, tôi cảm thấy thú vị và bắt đầu thích nghề làm tóc. Lên cấp 3, tôi đã có thể cắt tóc cho mọi người.
Cuộc sống cứ tự nhiên dẫn tôi đi, tôi cũng đã từng sáng tác để thực hiện mơ ước trở thành nhạc sỹ, nhưng thú thật với bạn, việc sáng tác bỏ quá nhiều chất xám mà giá trị lại thu về lại không xứng đáng. Hoàn cảnh xô đẩy, tôi đã thử sức với nghề tóc chuyên nghiệp. Mới đầu chỉ nghĩ mở tiệm để làm thôi, sau đó càng theo càng thấy đam mê và muốn gắn bó và cống hiến lâu dài với nghề tóc mình đã chọn. Và bạn thấy đấy, đến giờ tôi vẫn kiên định theo nghề tóc
Trên con đường nghề nghiệp anh đi, “hoa hồng” hay “gai nhọn” nhiều hơn? Niềm đam mê với nghề tóc được anh nuôi dưỡng như thế nào?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn hoa hồng. Trong bất kể ngành nghề nào cũng có biểu đồ hình sin, phải có lên có xuống. Nếu đã chọn dấn thân rồi thì không thể bỏ cuộc giữa chừng chỉ vì một vài khó khăn. Bỏ cuộc đồng nghĩa là phải bắt đầu lại tất cả mọi thứ, quả thực là rất vất vả. Hơn nữa mình có khả năng thì cần tìm cảm hứng, động lực để vượt qua những khó khăn ấy.
Có khi nào anh gặp phải khó khăn mà muốn từ bỏ nghề?
Tôi cũng đã từng có những tháng ngày chán nản muốn buông bỏ tất cả. Đó là khi chỉ trong 2 năm mà phải chuyển cửa hàng đến 3 lần. Mỗi khi đến nơi mới là phải đầu tư rất tốn kém cho việc sửa sang cửa hàng, hoạt động được một thời gian ngắn lại bị đòi nhà vì những lý do bất khả kháng. Quả thật, lúc đó khó khăn chồng chất khó khăn, cả về tư tưởng, về tài chính… Xong nhờ có lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề, và đặc biệt sau thời gian dài hoạt động, được sự yêu mến, tín nhiệm, đồng hành của khách hàng mà cuối cùng tôi vẫn chiến đấu vượt qua khó khăn, chán nản để tồn tại.
Theo nghề tóc đã lâu và cũng đã tạo cho mình một chỗ đứng khá vững, anh có kỳ vọng gì muốn đạt được trong nghề này?
Tôi chọn nghề tóc là nghề làm đẹp, sứ mệnh của nghề làm đẹp là mang đến niềm vui cho cuộc sống, làm đẹp cho cuộc đời. Khi tôi làm ra những mái tóc ưng ý cho càng nhiều người vui, hài lòng và hạnh phúc hoặc nói đến khía cạnh đào tạo, khi tôi truyền được nghề cho nhiều người, giúp họ có được cuộc sống tốt, có được tương lai sáng lạn thì lúc đó tôi mới cảm thấy hài lòng được.
Trong quá trình làm nghề, tôi đã trải qua rất nhiều cấp độ, bắt đầu từ thợ phụ, thợ chính, làm thầy rồi làm chuyên gia như bây giờ, tôi mong muốn sẽ làm được nhiều việc tốt, trở thành một bác sĩ salon – để có thể giải quyết được tất cả các vấn đề về nghề nghiệp, tư tưởng, quản lý, kinh doanh, phát triển salon mình đi theo một con đường riêng biệt.
Là một trong những NTMT tài năng thành danh từ cuộc thi L’Oreal Colour Trophy 2009, anh mong chờ điều gì ở cuộc thi L’Oreal Colour Trophy 2018 năm nay?
Cũng đã gần 10 năm L’Oreal Colour Trophy mới được khởi động lại, mình hi vọng cuộc thi sẽ ngày một chuyên nghiệp, sáng tạo và tươi mới hơn. Cũng cần phải làm chặt chẽ từng vòng, ví dụ ở vòng online, khi thí sinh gửi bài dự thi nên được yêu cầu gửi kèm theo bản “giải trình”, sơ đồ từng bước của mẫu thiết kế, tránh tình trạng lập lờ, giúp đỡ, tác động từ bên ngoài. Vì là một sân chơi tầm cỡ quốc tế, L’Oreal nên quảng bá mạnh mẽ cho cuộc thi, khẳng định giá trị cuả Color&Style Trophy. Bởi thực tế, bất kỳ nhà tạo mẫu tóc nào cũng đều mong muốn sở hữu những giải thưởng danh giá này.
Cuộc thi L’Oreal Colour Trophy 2018 sẽ có thành phần Ban Giám Khảo đa dạng, nhiều lĩnh vực. Theo anh đây có phải là một lợi thế?
Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề gì cũng có 2 mặt của nó. Nếu chỉ chấm về tóc không thì đây chỉ đơn giản là cuộc thi tay nghề. Nhưng khi chấm thi tổng thể của kiểu tóc, về thời trang, make up, hình ảnh thì sẽ là một lợi thế để thí sinh hoàn hảo hơn. Bởi cái đẹp là sự kết hợp hài hòa, là một sự phù hợp với thời thế, phù hợp với độ tuổi, phù hợp với tính cách…. Nên tiêu chí cuộc thi mở rộng như vậy sẽ giúp cho các thí sinh phải hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, nhìn nhận cái đẹp trong cả một tổng thể. Dĩ nhiên vì là cuộc thi tóc nên vẫn phải tôn vinh tay nghề vì tay nghề vẫn là cái gốc của cuộc thi.
Anh có lời khuyên hữu ích nào cho thí sinh dự thi năm nay?
Các bạn nếu có khả năng nên tự tin tham gia cuộc thi này. Hãy thả lỏng để vượt qua chính bản thân mình đã là thành công rồi. Cần tập trung vào để hoàn thiện tác phẩm dự thi với tâm thế nhẹ nhàng nhất, nói chung là cố gắng thể hiện hết mình.
Xin cám ơn anh đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc của Tóc Đẹp. Chúc anh luôn hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp của mình.