22 tuổi, Nguyễn Thái Thành, chàng trai khiếm thính quê Bắc Giang có cửa hàng riêng tại thủ đô. Để có thành công này, Thành từng lê la khắp cửa hàng cắt tóc xin học rồi đạp xe quanh làng mời mọi người ra cắt miễn phí.


Khác với khách quen chỉ cần ra hiệu Thành sẽ hiểu làm gì, nhưng với khách mới, cậu giao tiếp bằng giấy, bút hoặc điện thoại. Ảnh: B.M.

Trong căn phòng rộng chừng 20 m2 đặt ghế ngồi cắt tóc và bàn nằm gội đầu, chàng trai dáng người đậm, khuôn mặt bầu bĩnh đang chăm chú cắt tóc cho khách. Sau hồi vuốt, chải, cắt rồi ngắm nghía, Thành đã hoàn thành yêu cầu của khách là cắt ngắn kiểu Vic. Cô gái mở mắt ngắm mình trước gương rồi gật gù hài lòng. Trước khi ngồi yên cho Thành “xuống tóc”, cô lấy điện thoại viết tin nhắn yêu cầu.

Sinh năm 1991 trong gia đình có ba anh, chị em, Thành bị câm điếc bẩm sinh do khi mang thai, mẹ em bị ốm. Mãi tới năm Thành gần 3 tuổi, gia đình mới phát hiện cậu không có khả năng nghe nói như đứa trẻ bình thường. Trong trí nhớ của Thành, ngày đó bố mẹ “tha” cậu đi khắp nơi để châm cứu với hy vọng sẽ chữa khỏi. Ở Bắc Giang chưa có trường dành cho trẻ khiếm thính nhưng muốn con được hòa nhập, gia đình xin cho Thành vào học cùng với học sinh bình thường.

Những ngày đầu làm quen với mặt chữ và ghép vần, cậu chật vật hình dung ngữ nghĩa qua hình vẽ trong sách. Không nghe được cô giáo nói gì, cậu thấy lạc lõng giữa bạn bè. Năm 14 tuổi, Thành được đưa xuống Hà Nội học ở trường Nhân Chính. Lứa tuổi này được xem là khá muộn với trẻ khiếm thính để bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu. Thành lại bắt đầu làm quen với những người nói thứ ngôn ngữ khác mình. Lạ lẫm và học chậm hơn các bạn, cậu phải tự lần mò rồi buổi tối đi học thêm. Sau hai năm học tại đây, Thành được gia đình định hướng học nghề nấu ăn, may thêu. Cảm thấy không hợp, cậu bỏ dở và nhất quyết xin đi học cắt tóc vì mê mẩn một người thợ xoay kéo chuyên nghiệp.

Hiện tại, Thành sống cùng vợ chồng chị gái ở tại cửa hàng. Vừa đi làm về chưa kịp nghỉ ngơi, chị gái lại ngồi làm phiên dịch cho Thành với khách. Trong gia đình, không ai học ngôn ngữ ký hiệu nhưng đều có thể giao tiếp và hiểu em nói gì.


Thành dự định du học ngành tóc và trang điểm ở châu Âu.

Nhắc đến hành trình xin học cho em trai, chị Loan, chị gái Thành, không hiểu sao thời điểm đó lại đủ kiên nhẫn và sức lực để đưa em đi khắp cửa hàng ở Hà Nội xin học. Những lúc được nghỉ làm hay buổi tối, chị em Thành đi từng cửa hàng xin học. Nếu chị bận, Thành ở nhà tìm trong mục rao vặt trên báo. Cậu tự đạp xe đi tìm trước địa chỉ, đứng ngắm cửa hàng từ xa rồi tối dẫn chị đến. Không biết đường, Thành mua bản đồ, khoanh vùng để không bỏ sót cửa hàng nào.

“Từ salon tóc lớn đến những quán vỉa hè đều lắc đầu nhận cậu vào học, thậm chí, họ nói thẳng là không nhận người khiếm thính. Hai chị em đi nhiều đến nỗi, bản thân tôi còn cảm thấy mệt mỏi vì bị từ chối nhưng Thành vẫn muốn đi và không tỏ vẻ chán nản”, chị Loan chia sẻ.

Không nơi nào nhận, Thành về Bắc Giang và may mắn xin được vào học nghề ở một quán cắt tóc. Ngày đứng quan sát thầy, tối về cậu tự thực hành trên ma-nơ-canh hoặc nhờ bố mẹ, người thân làm mẫu. Khi đã biết cắt, cậu nhờ bố đi thông báo khắp làng mình cắt tóc miễn phí. Đeo đồ nghề quanh người, cậu đạp xe quanh làng xem ai có nhu cầu sẽ phục vụ. Khách hàng phần lớn là người già và trẻ nhỏ.

Sau một thời gian ở Bắc Giang, năm 2008, Thành xuống Hà Nội vì muốn nâng cao tay nghề. Cậu lại cùng chị hành trình xin học và bị từ chối. Nhờ bạn của chị gái giới thiệu, Thành được nhận vào một siêu thị tóc ở phố Khâm Thiên. Cửa hàng đó là mơ ước của Thành và trước đây từng khước từ cậu. Thành tiếp tục gặp khó khăn khi thầy giảng lý thuyết và không hiểu thuật ngữ trong ngành tóc.

Nhờ chị thông dịch, cậu giải thích: “Cách pha màu nhuộm, cách điều chỉnh nhiệt độ máy uốn để tóc xoăn lọn to, lọn nhỏ rất khó hiểu. Em phải mượn vở của bạn về xem và cố gắng quan sát thầy làm. Về nhà, em mua màu vẽ rồi tự pha để ra được các màu”.

Từng có thời gian đi làm ở quê và được học thêm nhiều kỹ thuật ở chỗ mới nên Thành nhanh chóng vượt các bạn cùng học để được đưa lên phòng làm tóc hạng sang. Nhiều khách hàng đến làm tóc đều yêu cầu Thành cắt, trong số đó có không ít người nổi tiếng. Đến giờ, cậu nhớ mãi lần đầu tiên làm tóc cho Hoa hậu Dương Thùy Linh và Á hậu Thụy Vân.

“Chị Linh thấy em nói chuyện bằng tay nên lạ lắm. Hôm đó chị ấy làm MC cho chương trình truyền hình và muốn kiểu tóc bới cho hợp với chiếc váy. Lúc em đưa gương để chị ngắm, chị ngạc nhiên và khen đẹp lắm”, Thành cười vui vẻ khoe.


Chàng trai khiếm thính nhận giải triển vọng trong cuộc thi về trang điểm mới đây. Trước đó, Thành cũng từng đoạt giải trong cuộc thi 1.000 năm tóc.

Gắn bó với siêu thị tóc 3 năm, cậu quyết định nghỉ để xin chỗ khác. Trước khi mở cửa hàng riêng vào năm 2011, Thành đã vào Nam nâng cao tay nghề và học thêm về trang điểm. Đến giờ, số tiền 60 triệu đồng vay của bố mẹ để mở cửa hàng, cậu đã tích cóp trả đủ. Cùng làm với Thành còn có hai thợ học việc, trong đó có một người khiếm thính. Hiện tại, cậu tự lo trả tiền cho nhân viên, tiền thuê nhà và gửi về để mẹ tiết kiệm hộ.

Thành mơ ước đi du học tóc và trang điểm ở châu Âu vì muốn được tiếp cận với nhiều phong cách, kỹ thuật. Thành bảo, hiện vẫn chưa đủ tiền và đang học thêm tiếng Anh. Những lúc rảnh rỗi, cậu cùng bạn khiếm thính hoặc bạn bình thường “chà đá chém gió”. Ngoài đam mê làm tóc và trang điểm, cậu còn bơi và nhảy salsa giỏi.

Nhắc đến Nguyễn Thái Thành, anh Vũ Đức Tiến, người sáng lập thương hiệu Vinatoc, bất ngờ khi biết cậu học trò khiếm thính vừa giành được giải triển vọng của cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực trang điểm. Anh khâm phục tinh thần vượt khó, không mặc cảm trong công việc và nỗ lực của Thành. Anh Tiến nhớ những ngày đầu dạy Thành, hai thầy trò trao đổi với nhau bằng cử chỉ và viết ra giấy. Biết hoàn cảnh của Thành, anh không thu học phí và bao học trò tiền ăn trưa.

“Với những học viên lành lặn, không phải ai cũng đạt được thành công nếu không có nỗ lực của bản thân. Tôi rất bất ngờ khi học viên khiếm thính của tôi thành đạt như vậy. Tôi muốn truyền nghề đến tất cả mọi người, không kén chọn học sinh, điều quan trọng là họ muốn học và làm hết mình. Tạo cho học trò cơ hội kiếm sống là mục đích của tôi”, anh Tiến nói.

Theo VnExpress
Exit mobile version