Tôi có một thói quen khó bỏ mỗi khi phỏng vấn các nhà tạo mẫu tóc, ấy là câu hỏi lý do tại sao họ lại chọn nghề này. Và với chị Kim Vũ cũng không hề ngoại lệ. Sinh ra trong gia đình có đến 10 anh chị em, mà một nửa làm nghề giáo khiến kỹ năng sư phạm như “ăn vào máu” chị. Và niềm đam mê ấy, rất tình cờ lại được gắn với nghề tóc…
Nhân dịp chị ra Hà Nội công tác, tôi đã có một buổi trò chuyện với chị, lắng nghe những phút trải lòng của một người thầy tâm huyết với nghề.
Giảng viên – NTMT Kim Vũ đang hướng dẫn kỹ thuật cắt cho các học trò
Niềm đam mê với nghề tóc của chị bắt nguồn từ đâu?
Từ khi còn là học sinh cấp 2, cứ mỗi ngày trên con đường đến trường tôi lại bắt gặp những sóng tóc dài bay thướt tha, nhảy múa tung tăng trong gió như một bức tranh sống động, cuốn hút tôi đến khó tả. tôi mơ ước được tạo hình trên những mái tóc ấy từng ngày từng giờ và ước mơ đã trở thành hiện thực vào năm lớp 7, khi chị gái đồng ý cho tôi thực hiện kiểu tóc đầu tiên trong đời với chiếc kéo cắt vải của mẹ. Chưa từng học về cắt tóc, không kỹ thuật căn bản, tôi cắt bằng những ý niệm về hình ảnh bức tranh tóc sống động, bằng cảm nhận của riêng mình. Thật tuyệt là chị gái tôi thích kiểu tóc ấy, và cứ thế tôi trở thành “thợ làm tóc” cho gia đình và bạn bè…
Thời gian trôi qua, tôi tạm gác niềm đam mê vào một góc tâm hồn, lo học hành khoa cử, hoàn tất chương trình và cầm trong tay tấm bằng cử nhân kinh tế năm 1992. Bận rộn với công việc mới, nhưng từ khi lập gia đình với chồng tôi – 1 cán bộ cao cấp trong ngành xuất bản và sinh ra 2 cô con gái, chính anh và các con đã trở thành động lực thôi thúc tôi trở về với niềm đam mê của mình.
Bị ngắt quãng một thời gian và quay trở lại với nghề, chị có gặp nhiều khó khăn không? Chị có thể chia sẻ với bạn đọc Tóc Đẹp kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 18 năm sống với nghề?
Có lẽ chỉ có những ai từng mất ăn mất ngủ vì tóc mới hiểu được rằng học và làm nghề tóc vào thời điểm cách đây gần 20 năm khó khăn thế nào. Luôn ở trong trạng thái thiếu thốn và mập mờ, bản thân tự tìm hiểu là chính vì hầu như cách truyền nghề ngày xưa chỉ từ kinh nghiệm trong quá trình làm của người đi trước đúc kết lại chứ không có một chuẩn mực nào nên rất thiếu độ chính xác. Người dạy cũng không thể giải thích khi chưa hiểu sâu và nắm rõ quy trình thực hiện. Vì vậy tôi luôn trăn trở sau mỗi tác phẩm mình làm ra tự mình cảm thấy chưa hoàn chỉnh, rồi chạy ngược chạy xuôi “tầm sư học đạo”. Cuối cùng tôi phải tạm xa gia đình sang Hàn Quốc tu nghiệp thời gian gần một năm cho ngành Hair & Makeup tại học viện Dodo Academy vào năm 2002. Tháng 5/2009, tôi tiếp tục tu nghiệp tại Việt Nam chuyên ngành tạo mẫu và xử lý các tính chất của tóc từ chuyên gia hàng đầu ngành tạo mẫu tóc Nhật Bản: cô Mikako Komatsu. Cô đã truyền cho tôi những kiến thức chuyên sâu thực sự quý báu. Với thời gian 5 năm cảm thụ và làm công tác truyền dạy 13 khóa học chuyên ngành tạo mẫu tóc tại học viện Bxart (cũ – nay là Jbart), tôi đã nghiên cứu sâu và mở rộng ứng dụng, rút ra một chân lý “kỹ thuật tạo mẫu tóc của Nhật Bản mà cụ thể là kỹ thuật cắt tạo mẫu tóc thật tuyệt vời”, một khi đã hiểu sâu sắc thì mình có thể biến hóa khôn lường, thiết kế được vô vàn kiểu tóc từ kỹ thuật nền tảng.
Hiện nay tôi có một salon tóc lấy tên Kim Vũ – nơi ứng dụng kỹ thuật và thỏa mãn niềm đam mê với nghề, đồng thời cũng là nơi tôi đào tạo chương trình thiết kế tóc cao cấp cho những học viên đã xong chương trình học cơ bản hoặc những bạn trẻ đang làm nghề muốn nâng cấp trình độ nghề của mình cho phù hợp với xu hướng thời trang tóc sau này ở Việt Nam và hội nhập với các nước tiên tiến khác mà không phải ra nước ngoài tu nghiệp hay bỏ tiền ra để học một vài kiểu tóc.
Niềm đam mê với nghề được chị thổi hồn vào từng mẫu tóc
Thành tựu lớn nhất mà chị có được sau nhiều năm sống với đam mê và những nỗ lực cống hiến ấy là gì?
Sau nhiều năm học tập, làm việc và giảng dạy, điều đầu tiên tôi có được không thể cân đong đo đếm, đó chính là tình cảm quý trọng từ 300 học viên đến từ mọi miền đất nước và vượt ra khỏi biên giới như Mỹ, Úc, Canada, Thụy Điển… Tiếp đến là cả một khối kiến thức khổng lồ về tóc. Tôi mong rằng có nhiều cơ hội để phổ biến rộng rãi đến mọi người trong ngành tóc Việt, đặc biệt là các bạn trẻ.
Một số lượng học trò mơ ước với bất kỳ người thầy nào… Theo chị điểm đặc biệt gì đã khiến các bạn học viên dù ở rất xa vẫn không quản tìm đến chị “bái sư”?
Bản thân tôi nói riêng hay những người làm công việc đào tạo nếu hội tụ đủ 3 từ: Tâm – Tài – Tín thì dù sớm hay muộn, dù gần hay xa xôi cách trở, những người khao khát được học hỏi sẽ tìm đến mình.
Chị có thể chia sẻ phương pháp dạy và đào tạo hiệu quả đang áp dụng hiện nay?
Tất cả mọi ngành nghề muốn có nhiều ứng dụng vào trong thực tiễn đời sống phải có một nền tảng vững chắc, hiểu sâu về kiến thức và kỹ năng thuần thục. Những học viên cùng một lớp nhưng không phải tất cả đều có chung sự lãnh hội kiến thức, thu thập thông tin cũng như nỗ lực của bản thân như nhau. Vì vậy để đảm bảo chương trình học vừa sức với từng người học thì người truyền thông tin phải phân loại được đối tượng lĩnh hội thông tin, đây là bước đầu tiên và cần thiết phải thực hiện trước khi bước vào quá trình đào tạo.
Tiếp đến thông tin truyền đến người học phải chính xác, mọi sự vật hiện tượng phải có nguồn gốc rõ ràng, chứng minh một cách khoa học. Người dạy không được truyền thông tin sai lệch và mập mờ dẫn đến việc hiểu nhầm, thực hiện thao tác không đúng và dẫn đến kết quả cuối cùng ngoài tầm kiểm soát. Tôi không chỉ làm công việc truyền nghề mà trong quá trình dạy, tôi còn lồng vào đó cả những kinh nghiệm thực tiễn mà tôi đã trải qua, ý thức trách nhiệm với công việc, tính vệ sinh và an toàn lao động.
Khi đã phân loại được những đối tượng học, tôi áp dụng phương pháp huấn luyện người học tốt chia sẻ lại kinh nghiệm học với các bạn học viên học chưa tốt, qua đó cả lớp trao đổi học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ.
Giáo trình được biên soạn kỹ lưỡng
Học viên thực hành cắt trên manơcanh
Hiện Việt Nam có khá nhiều các trung tâm dạy nghề tóc cũng như các salon dạy theo hình thức truyền nghề, chị đánh giá thế nào về điều này? Và tính hiệu quả của nó đối với ngành tóc Việt trong thời gian tới?
Trải qua 18 năm vừa làm, vừa không ngừng học và thực hiện công việc đào tạo thì kỹ thuật chuyên ngành tóc của Hàn Quốc và Nhật Bản đã thấm sâu vào trong tôi. Cùng với quá trình thường xuyên cập nhật các thông tin ngành tóc từ các nước Châu Âu như Đức, Italia, tôi đã đúc kết được rằng: “Ngành tóc là một ngành nghề vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật tạo hình rất cao”, vì sao ư?
Thứ nhất, tính khoa học vì nó đòi hỏi độ chính xác đến từng milimet trên đường cắt của nhà thiết kế tóc sau khi đã dựng thành công những hình khối trong không gian.
Thứ hai, tính nghệ thuật của nhà điêu khắc, khắc họa lên tác phẩm nghệ thuật của mình những đường cong hay đường thẳng sắc cạnh tỉ mỉ, tinh tế. Cùng với đó là những mảng màu được phối với nhau một cách hài hòa hay độc đáo với phương pháp pha màu như một họa sỹ vẽ tranh.
Truyền nghề là mục đích chung của công tác đào tạo, chúng ta cùng phân tích sơ đồ đào tạo sau đây để nhìn nhận lại phương pháp đào tạo của ngành tóc ở Việt Nam như thế nào:
Nhìn vào sơ đồ trên có thể thấy rằng là người làm công việc truyền nghề nếu thiếu một trong các yếu tố trên thì phương pháp truyền nghề sẽ không hoàn chỉnh, điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra và chất lượng nghề tóc từ trước đến nay và cả sau này của ngành tóc Việt Nam. Đây là điều đáng lo ngại.
Hiện nghề tóc đang được coi là 1 trong những nghề hấp dẫn nhất với giới trẻ, Chị có chia sẻ gì với các bạn trẻ đang dự định bước vào nghề?
Nghề tóc là một nghề mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao và khá vất vả, không hề thua kém bất kỳ ngành nghề nào khác. Bởi theo nghề, bạn vừa phải vận động trí não, vừa phải linh hoạt đôi tay. Vậy nên trước khi vào nghề, các bạn trẻ hãy xác định tư tưởng, mục tiêu rõ ràng, tiếp đến hãy lựa chọn nơi đào tạo có chất lượng để gởi gắm sự nghiệp của mình. Nếu kiên trì theo đuổi mục tiêu, không ngại khó ngại khổ, chắc chắn các bạn sẽ thành công.
Kế hoạch của chị trong thời gian tới là gì? Chị có dự định xây dựng một trường đào tạo chuẩn chính quy tại Việt Nam
Để xây dựng một ngôi trường đào tạo ngành thẩm mỹ, trong đó có chuyên ngành tạo mẫu tóc theo chương trình chuẩn và chính quy ở Việt Nam là một dự án lớn. Tôi thiết nghĩ đây là nguyện vọng không những của tôi mà còn là của những người thầy, người cô có tâm huyết với nghề. Đề nghị cơ quan chức năng đưa nghề tóc vào danh mục nghề được đào tạo chính qui ở bậc trung cấp dưới sự kiểm soát của nhà nước, không nên tự phát như trước đây và hiện nay nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học và sự phát triển của ngành tóc Việt Nam trong tương lai.
Cảm ơn chị về những chia sẻ, chúc chị luôn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống!
Công ty TNHH Dạy Nghề Kim Vũ
Add: 144/2 Quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Tel: 0909199905 – 08 37263519
Facebook: Kim Vu Hair