Hôm nọ vào mạng đọc báo, tình cờ đọc được hai tin, mà chẳng biết tin nào phấn khởi hơn tin nào. Tin thứ nhất: Những nhà tạo mẫu tóc sẽ được tham gia trao giải Oscar ở hạng mục đội ngũ thiết kế, tạo hình cho diễn viên. Tin thứ hai, Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình, trong đó có khả năng công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới.
Hai tin này, một đăng ở mục văn hóa, một ở mục xã hội của nhiều tờ báo mạng, với ai đó thì chẳng liên quan gì, một tin rơi tõm vào quên lãng còn một tin được bàn luận khá rôm rả xem có được thông qua hay không, đồng tình cũng nhiều mà phản đối cũng lắm, xem ra vẫn còn gay cấn, chưa quyết ngay được. Nhưng với người chuyên viết, khai thác các vấn đề với ngành tóc như mình thì mừng vô kể. Đấy, một giải danh giá như Oscar của Mỹ cũng đã công nhận sự cống hiến, đóng góp của những nhà tạo mẫu tóc bằng cách dành cho họ một giải riêng, đường đường chính chính bên cạnh những giải truyền thống như thiết kế trang phục và hoá trang – tạo hình diễn viên. Mong đến lễ trao giải 2013, khi đó mình sẽ không chỉ đóng vai trò là fan của môn nghệ thuật thứ bảy, ngóng những bộ phim hay diễn viên nào được trao giải, mà còn hồi hộp chờ xem nhà tạo mẫu tóc nào được nêu danh, mái tóc của diễn viên nào đã chinh phục được đội ngũ Ban giám khảo vốn có tính là khắt khe và chuyên nghiệp của Oscar. Rồi thì biết đâu từ những kiểu tóc sẽ là dấu mốc để những xu hướng thời trang mới ra đời, tóc từ phim ảnh sẽ bước vào đời sống?
Chuyên gia làm tóc sẽ được tranh giải OscarLuật mới của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ cho phép các chuyên gia tạo kiểu tóc trong các bộ phim được tranh giải ở hạng mục Makeup and Hairstyling Award. |
---|
Còn tin thứ hai, cái này phải đi đường vòng thì mới sướng được, bởi vì rằng có một thực tế là rất nhiều thợ làm tóc trên đời này bị gay. Và Việt Nam chắc chắn không ngoại lệ. Mặc dù chưa có cuộc khảo sát chính thức nào và cũng khó đưa ra được kết quả chính xác bao nhiêu người thợ làm tóc ở Việt Nam bị gay. Bởi, người Việt mình từ xưa đến giờ vốn có truyền thống e ngại và mù mờ khi bàn luận về sex (giới tính và những gì tương tự). Mấy ai “chịu chơi” cỡ ca sĩ Cao Thái Sơn, tổ chức hẳn một cuộc họp báo hoành tráng để tuyên bố là mình… không bị gay. Tuy nhiên, việc vấn đề nóng hôi hổi này được đưa lên bàn nghị sự cũng cho thấy tư tưởng những người soạn luật của Việt Nam đã khá thoáng. Theo dõi sát sao diễn biến của vấn đề, thấy hiện có 3 nhóm (2 nhóm lớn + 1 nhóm nhỏ), gồm: Nhóm ủng hộ, nhóm phản đối và nhóm không hẳn ủng hộ những cũng không công khai phản đối, tóm lại ủng hộ nhưng kèm theo điều kiện (thật thận trọng, khôn ngoan). Nếu trên các diễn đàn, báo mạng, ý kiến ủng hộ chiếm đa số thì tại cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội, quan điểm chống vẫn thắng thế (ở đâu thì nhóm thứ ba cũng bày tỏ quan điểm thận trọng, khôn ngoan, rất đáng để tham khảo), thế nên “Cửa cho hôn nhân đồng tính vẫn còn khép chặt” (báo VNExpress).
Nhưng dù gì thì gì, xã hội vẫn còn ối những người bảo thủ kỳ thị người gay, hay chưa thừa nhận quyền lợi của người gay (mặc dù giới khoa học đã nhất trí rằng người đồng giới hoàn toàn bình thường). Nhưng giới chị em, nhất là những cô, những bà yêu thích làm đẹp và chăm chỉ ghé salon thì lại nghịch lý một cách rất đáng nể: thợ làm tóc bị gay thì họ càng thích. Đơn giản là vì với đặc thù giới tính thứ ba của mình (dù phải đợi pháp luật công nhận một số quyền), dường như bẩm sinh người đồng tính đã được trời phú cho sự tài hoa, tính tỉ mỉ trong công việc, nhạy cảm với cái đẹp và óc sáng tạo linh hoạt, vốn rất phù hợp với nghề này. Một người thợ làm tóc gay vừa khéo tay vừa khéo nói khiến chị em có thể đẹp lên và trẻ ra cả chục tuổi là một “bảo bối” vô giá. Mình đọc được câu này, không rõ ở đâu, nhưng cũng rất muốn được trích dẫn ra đây để mọi người tham khảo, đó là: “Phía sau mọi người phụ nữ thành đạt là một anh thợ làm tóc gay tài năng” !?
Mang từ khóa “gay hair stylist” lên Google search để mong tìm một câu trả lời thỏa đáng lại tóm được một tin cũng rất thú vị tận trời tây. Số là một thợ làm tóc nổi tiếng (dĩ nhiên là gay)ở Santa Fe, bang New Mexico, Mỹ đã từ chối thẳng thừng một khách hàng là chính trị gia có tiếng – bà Susana Martinez, thuộc đảng Cộng hoà, mặc dù ông đã từng cắt tóc cho bà này 3 lần trước đó. Ông Antonio Darden, tên nhà tạo mẫu tóc trong câu chuyện trên, đã “say no” (nói không) với bà này để phản đối quan điểm chống kết hôn đồng giới mà bà bày tỏ trước đó. Xem ra, các chính trị gia lỡ ủng hộ cấm kết hôn đồng giới rất dễ nhận lấy hậu quả là những kiểu tóc xấu điên nếu lỡ “sa chân” vào tiệm tóc được sở hữu bởi một người thợ đồng giới. Quyền lực trong tay những nhà tạo mẫu tóc đâu phải là nhỏ? Có lẽ phải chờ xem, trong cuộc chiến vì cái đẹp này, phe nào sẽ chiến thắng?
Quay lại chuyện ở ta, người viết bài mong cho luật kết hôn đồng giới được thông qua. Vì lẽ đơn giản, người viết bài yêu quý những người thợ làm tóc và vô cùng biết ơn họ khi tạo cho mình những kiểu tóc đẹp, vừa phù hợp, vừa thời trang, vừa tôn được cá tính (mà trong nhiều trường hợp là không lấy… xiền). Khi luật này được thông qua, biết đâu người viết bài sẽ được tham dự nhiều đám cưới tưng bừng của những người bạn của mình. Chứ không như bây giờ, đâu như một nhà tạo mẫu tóc có tiếng đang có tin đồn là theo “người ấy” của mình sang bển. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn rất nhiều khách hàng của anh cũng vốn là những nghệ sĩ, ca sĩ có tiếng sẽ rất buồn và bị thiệt thòi nhãn tiền. Chỉ hy vọng, biết đâu luật thông qua sớm, anh sẽ không phải rời Việt Nam để công khai sống chung với người ấy của mình ở đây, và anh sẽ vẫn tiếp tục làm đẹp cho chị em chúng mình, chứ không phải chị em ở phương trời nảo nào.