Là người Sài Gòn, dù dân “gộc” hay nhập cư, có lẽ không ai không biết những chợ “bán sỉ” có tiếng ở khu vực Chợ Lớn quận 5, quận 6 như Kim Biên, Bình Tây, An Đông. Nếu Bình Tây chuyên về ngành hàng thực phẩm, gia vị, bách hóa tổng hợp, vàng bạc đá quý, An Đông là vựa thời trang của người lớn, trẻ em, đặc biệt đồ lót, thì chợ Kim Biên tuy có quy mô nhỏ, nhưng lại là đầu mối chính phân phối hàng hóa trong các lĩnh vực hóa chất, linh kiện điện tử và các phụ kiện làm đẹp như trang sức tóc, mắt kính, đồ lưu niệm.
Chơi phụ kiện tóc như chơi… hột xoàn!
Nhiều chị em phụ nữ thường tấm tắc chia sẻ thông tin về “độ rẻ” của hàng hóa ở chợ Kim Biên, nhất là phụ kiện dành cho tóc. Thực tế thì… “nói zvậy nhưng chưa phải zvậy!”. Chẳng dễ gì để chọn được một món đồ ưng ý giá rẻ ở tại các sạp của chợ sỉ này, dù số lượng sạp bán hàng phụ kiện tóc ít hơn nhiều so với chợ Bình Tây, càng ít hơn nhiều so với các sạp hàng hóa chất.
Ở mỗi sạp hàng phụ kiện tóc diện tích chỉ chừng 2-6m2 này, có rất nhiều mẫu hàng. Nếu bạn chưa chủ định từ trước khi đến đây, thì sẽ hoa cả mắt chẳng biết nên chọn mẫu nào, hàng nào. Trong khi đó, giá cả của mẫu mã phụ kiện tóc lại thay đổi bất tuân quy luật. Họa hoằn lắm, ở một vài sạp hàng lớn mới có chưng tủ kính. Và nếu bạn định chọn hàng trong những cái tủ kính, thì hãy cẩn thận bởi rất dễ… bỏng tay.
Trong vai một người đi mua sỉ về bán lại, tôi lê la ở các sạp tập trung từ cổng số 4 đến cổng số 6. Thật ngạc nhiên khi mỗi hàng lại niêm yết một giá “tùy thích”. Sạp 12-13, chị phụ việc nhanh nhảu: Rổ này toàn dây chun đính đá màu, rổ kia là dây chun dán nơ một lớp đính đá, cả hai đều tính chung 35 ngàn đồng/dây. Dây chun lớn bằng nhung the viền đá: 135K. Dãy kẹp tóc nhung the đính đá thân bằng “sắt xi mạ không gãy không rỉ cực nhẹ” 150K/cái. “Đó là giá sỉ, nhưng nếu mua lẻ cũng sẽ chỉ tính nhiêu đó để làm quen, sau em chỉ cần alô cần loại nào là chị cho người đem mẫu tới”.
Lượn qua Hồng Yến, sạp lớn nhất kéo dài từ lô 14 đến lô 16, có tủ kính và đèn điện sáng choang, tôi chọn cặp nơ hình con bướm to tướng đính đá đỏ. Cô bán hàng tuổi teen khẳng định như dao chém: “Đây là mẫu duy nhất chỉ có 1 sản phẩm, 420k khỏi mặc cả”! Chọn một kẹp đính đá trắng và xanh, viên to như viên ngọc đeo cổ: 780k! Chưa kịp… choáng, bà chủ hàng đã đứng lên, “bồi” thêm: Kẹp đó giá 1, 2triệu em ơi, bé này nó mới bán nên chưa rành giá. Nếu em lấy sỉ chị bớt 250 ngàn/cái. Em muốn lấy bao nhiêu cũng có! Ở đây bao hàng nhập từ Cô re (Korea) về, em cứ coi thử rồi so sánh! Hàng này còn ăn thua em bán ở địa phương nào. Cũng cái mẫu này mà em mang về bán ở Tân Phú (quận mới của Sài Gòn – PV) thì hổng ai mua, chứ bán ở quận Nhứt, quận Ba, dám người ta… tranh nhau mua rần rần!”.
Tôi bấm bụng nhịn cười. Cái kẹp tóc đắt nhất tại Diamon Plaza, Sai Gon Square quận I hiện cũng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng. So với khu vực bán hàng cao cấp được mệnh danh “cắt cổ” của Sài Gòn kia; ai bảo hàng ở chợ Kim Biên là rẻ?
Mua hàng lẻ có được giá sỉ?
Mang băn khoăn của mình đi hỏi một số các shop bán hàng thời trang, phụ kiện quen ở khu vực trung tâm quận I, quận 3, các chị chủ hàng “mắng”: Đúng là hâm! Không quen mà dám đi chợ Kim Biên. Muốn mua lẻ phải đi với người quen, quen sạp, quen hàng, quen trả giá. Chị mà đi “nó” bao giờ cũng nói sát giá khỏi mặc cả. Nếu không, mình “say good bye” lượn qua chỗ khác ngay!”.
Mang theo kinh nghiệm đó, tôi ghé chợ Kim Biên lần nữa. Cũng “khôn” hơn, tôi thủ sẵn máy ảnh trong tay đợi lúc chủ hàng quay lưng là ”nháy”, chứ không “dại dột” đặt thẳng vấn đề như lần trước. Sau đó thì điềm nhiên sà xuống sạp, chỉ luôn mấy cái lược sừng, lược cuốn thân gỗ, lấy cái này, lấy cái kia. Lúc tính tiền mới… tá hỏa: lược sừng 1 cái 30 ngàn, đắt ngang… siêu thị. Lược cuốn thân gỗ loại nhỏ 3 cái 90 ngàn. Hóa ra mua 5 cái mới được tính giá sỉ 30 ngàn/cái. Hầu hết các hàng bán phụ kiện vật liệu tóc như lược, lô, cuốn, kẹp, uốn, tóc thật, tóc giả, mi hộp, mi nối, keo nối mi, kẹp tóc giả, đầu học bới, lông vũ, lông công, kéo, kìm, hóa mỹ phẩm đều có kiểu bán tương tự: mua từ 5 sản phẩm trở lên được tính giá sỉ, dưới 5 sản phẩm thì giá lẻ có thể đắt gấp đôi, gấp ba…
Đi từ đầu đến cuối chợ, đếm được khoảng 5 sạp bán phụ kiện vật liệu tóc, trong đó, có 2 sạp chuyên vật liệu tóc giả, tóc tóc thật, kiềng cô dâu, khăn đóng, lắc tay, vương miện và máy móc làm tóc; 1 sạp thuần bán kềm, kéo mang nhãn hiệu Kềm Nghĩa, 2 sạp chuyên về lược, keo, dao, kéo đủ nhãn mác. Nhưng ở sạp nào cũng có 3 – 4 người bán hàng và nếu quan sát từ sáng đến trưa, thì sẽ thấy hầu hết các giao dịch đều qua điện thoại. Ngoài ra, Kim Biên còn có khoảng 15 sạp chuyên bán các loại hóa mỹ phẩm dành cho tóc, dưỡng da đủ chủng loại “thượng vàng hạ cám” , từ các nhãn hàng hiệu Revlon, Goldwell đến các nhãn hàng tư nhân chữ Tàu, Nhật, Hàn và các thương hiệu Việt.
Ở một sạp chuyên bán máy móc và tóc giả, tóc thật, trong lúc cô con gái chủ tiệm đang hý hoáy dỡ hàng, tôi vờ hỏi mua máy về trang bị cho salon sắp khai trương. Máy sấy 195k đến 350k. Nếu mua cho salon chị phải dùng loại đắt nhất. Máy kẹp 250k đến 750K, muốn tiền triệu cũng có – vừa dỡ hàng, cô gái vừa báo giá. Máy hấp dầu 1 triệu đến 3,5 triệu, muốn máy Nhật cũng… có luôn! “Bảo hành thế nào?”. “Hai năm”, cô gái đáp chắc như bắp. “Này, ở đây không có hàng Nhật hàng nhiếc gì đâu, đừng hỏi mất công!” – Bà chủ tiệm từ nãy im lặng giờ xen vào cáu kỉnh và nhìn tôi dò xét. “Có, nhưng phải mấy triệu mới có máy Nhật, mà phải đặt cọc trước!”, cô con gái vẫn khẳng định.
Tôi bỏ đi với lời hứa khảo giá một lượt rồi sẽ quay lại, vẫn nghe tiếng bà chủ tiệm chửi với sau lưng: “Loại gái hãm! Muốn hàng hiệu thì biến chỗ khác. Lôi thôi mất thời gian!”.
“Hàng Hồng Kông bên… hông Chợ Lớn”
Cứ theo như câu bà chủ tiệm “chửi tặng”, tôi có thể suy ra hàng ở chợ Kim Biên đều là… hàng không hiệu? Đúng như vậy, những người có kinh nghiệm mua bán hàng ở đất Sài Gòn đều cho biết chợ An Đông và Chợ Lớn mới Bình Tây còn may ra có hàng ngoại nhập, riêng chợ Kim Biên đích thực là đầu mối phân phối các sản phẩm do người Hoa kiều trong khu vực Chợ Lớn làm ra. Nói chính xác thì gần như 100% hàng ở Kim Biên đều là hàng “lậu” cho dù có dán nhãn hiệu nào, mác xuất xứ ở tận đẩu đâu. Có đi Kim Biên, có khảo sát thị trường, tôi mới hiểu vì sao người Sài Gòn hay nói câu “hàng Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” khi có một ai đó giới thiệu đôi giày này, cái kẹp tóc, cái ví da kia là… nhập từ Hồng Kông về. Vì hầu hết hàng Hồng Kông giá rẻ ở Sài Gòn đều là made in Cho Lon và từ Kim Biên phân phối mà ra!
Có thể tìm tại Kim Biên đủ thứ hàng và máy mang nhãn hiệu Tsingtao, Mehair Hair, China Wig… rất nổi tiếng của những thành phố Quảng Đông, Vũ Hán (Trung Quốc). Nhiều chủ salon cho biết thường khi chuẩn bị ra mắt salon hay trang bị, nâng cấp salon, họ chọn cách qua Quảng Đông, Vũ Hán hay Thái Lan, hoặc thậm chí có tiền thì có thể ghé Singapore, Hàn Quốc “tậu” sản phẩm chính hãng. “Ở chợ Kim Biên, muốn “hét” nhãn hàng nào cũng có, sản phẩm nào cũng có, giá rẻ, tiết kiệm được chi phí máy bay ăn ở, nhưng dám chắc phải đến 99% là hàng Chợ Lớn. Chỉ những tiệm tóc nhỏ, các shop phụ kiện tóc nói chung trong thành phố và ở các tỉnh xung quanh mới “mê tín” đó là hàng ngoại nhập thôi! ”, một nhà tạo mẫu tóc nói.
Nếu đúng chỉ những tiệm tóc nhỏ, shop phụ kiện tóc nhỏ trong và ngoài thành phố mới gắn bó với Kim Biên, thì sự tồn tại của khoảng 50 sạp hàng chuyên buôn bán các phụ kiện tóc, hóa mỹ phẩm tóc suốt hơn 60 năm qua kể từ lúc chợ thành lập đến nay, hẳn đã nói lên mãi lực không hề nhỏ của các đối tượng này.
Ngày nay, đi chợ Kim Biên, ngắm nghía và tỉ mẩn chọn các món đồ phụ kiện độc đáo đủ chủng loại về làm quà tặng cho bạn bè, người thân… còn là thú vui mà nhiều bạn trẻ, chị em muốn tận hưởng và xem như một chuyến dã ngoại shopping ngay trong thành phố. Điều này cũng góp thêm lượng khách vãng lai cho các sạp hàng nơi đây. Nhưng xin nhớ đừng mếch lòng nếu một ngày đến Kim Biên, bạn bị quát giá, bị mắng xơi xơi vào mặt lúc những người bán đang bận bịu điện thoại, giao hàng, vì dù thế nào thì việc cất hàng bán buôn mới là nguồn thu nhập chính của họ.
Và cùng đừng nghe kinh nghiệm của bất kỳ ai khi đi chợ Kim Biên, dù cho bạn có “cất hàng” thường nhật, là dân “sành điệu”, lọc lõi đến đâu. Bởi ở những nơi này, ngoài việc lọc lõi, mối quen ra, thì mọi hoạt động mua – bán, từ cái kẹp tăm nhỏ hay những lô hàng lớn, đều được thiết lập trong mối dây liên hệ riêng mà chỉ những người Hoa đã định cư lâu năm và con cháu của họ, những người làm hàng và giao thương hàng hóa theo đúng tinh thần “giá rẻ cho mọi nhà”, mới thực sự nắm quyền điều phối đường dây liên hệ đó để bán buôn đi khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Hầu hết sạp tạp hóa ở các chợ trong địa bàn thành phố lấy hàng từ Kim Biên. Nếu ai không biết, hẳn sẽ rất khó phân biệt đâu là hàng nhập ngoại, đâu là hàng Hồng Kông xuất xứ từ chợ Kim Biên, nhất là khi các mặt hàng này được bày trong những siêu thị, plaza sang trọng. Với các hàng phụ kiện tóc có giá từ vài chục, vài trăm đến cả triệu đồng, bao bì giấy bóng chạy chữ sắc nét in nhũ made in Korea, made in Japan, thì càng khó để phân biệt bởi sự tinh xảo, đẹp đẽ và quyến rũ của từng mẫu sản phẩm do chợ Kim Biên cung cấp không thua kém bất kỳ mẫu “hàng nhập ngoại” nào.