Đến bản làng người Thái những ngày cuối năm, bạn sẽ bắt gặp từng tốp phụ nữ đứng gội đầu cạnh bờ sông Đà. Họ sử dụng một thứ nước trắng đục đổ lên đầu rồi dùng  cành cây nhỏ nhúng nước sông để vẩy lên tóc. Đây là tục lệ cuối cùng cần phải hoàn thành trước năm cũ mà chỉ những người phụ nữ phải thực hiện.

Hội Lúng Ta của người Thái

Lúng Ta là từ tiếng Thái chỉ tục gội đầu bằng nước gạo của phụ nữ Thái trong buổi trưa ngày cuối cùng của năm.

Trước kia, cả bản cùng tham gia làm lúng ta, dẫn đầu đoàn người đi ra bờ sông thường là trưởng bản, kèm theo âm thanh của trống và các loại kèn Thái. Đàn ông và các bé trai tiến ra sông trước và thực hiện lễ gội đầu ở phía thượng nguồn, phụ nữ và các bé gái gội ở phía hạ nguồn.Lúc này, người chủ lễ mới hát lên lời khấn thần linh, đại ý:

Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về

Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt

Cái xấu cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi, đừng bao giờ quay về nữa

Cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn..

 Một thứ không thể thiếu trong hội Lúng ta là nước gạo chua. Gạo được vo trước đó hàng tuần, chắt lấy nước đặc, để chua, cất kỹ, đến ngày hội mới đem ra dùng. Nước gạo chua là nước gội đầu dành riêng cho phụ nữ, đàn ông và các bé trai gội với nước đun của quả bồ kết.

Người Thái trắng quan niệm, gội đầu vào thời điểm cuối cùng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như là một hành động làm phép nhằm khép lại mọi xui xẻo, rủi ro của năm cũ, chào đón một năm mới tốt lành.

Bí ẩn nước gạo chua trong hội Lúng Ta

Vì sao phụ nữ Thái lại dùng nước gạo chua để gội đầu?  Lý giải cho điều này, người già cho rằng

Người phụ nữ dùng nước gạo chua gội đầu là do học theo Nàng Han. Theo truyền thuyết Nàng Han vốn là con gái xinh đẹp của một tù trưởng, khi có giặc ngoại xâm, nàng giả trai cầm quân đánh giặc. Kho bờ cõi không còn bóng giặc, cũng là ngày 30 cuối năm, Nàng Han ban thưởng cho quân sĩ, cho họ về nhà tắm rửa rồi một mình xuống bờ sông, tắm gội sạch sẽ rồi từ từ bay lên. Tưởng nhớ nàng, các bản người Thái trắng ven sông Đà thường gội đầu sạch sẽ vào ngày 30 cuối năm với nước gạo chua.  

Một truyền thuyết khác cho rằng, xưa kia người Thái sinh sống bằng sắt bắn, hái lượm, nên người đàn ông thường xuyên phải đi rừng dài ngày để săn thú. Người vợ ở nhà phải kiêng không gội đầu trong suốt thời gian chồng đi vắng, nếu có gội thì phải gội với nước gạo chua. Làm thế để chồng đi xa được hanh thông, không gặp trắc trở gì và có thể trở về nhà bình an với chiến lợi phẩm trên vai.

Thực ra, nước vo gạo không phải là điều gì huyền bí, đó chính là “dầu gội đầu tinh chất thiên nhiên” của riêng phụ nữ Thái.  Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trên thế giới,Gội đầu bằng nước vo gạo có khả năng lưu giữ hàm lượng dinh dưỡng vitamin A và C giúp tóc óng mượt,  đồng thời tăng cường vitamin B giúp các tế bào sắc tố màu đen trở nên đen hơn. Đó là lý do vì sao tóc phụ nữ Thái không những dài mà còn rất đen và óng mượt.

Phụ nữ Thái thường cất đi nước vo gạo vào mỗi lần nấu cơm, ủ cho đến hết tuần thì đem ra dùng với xả và lá chanh. Mùi chua của nước vo gạo không hề gây khó chịu khi có thêm vị của xả và chanh. Nước vo gạo nếp thường tốt hơn nước của gạo tẻ.

 

 

Exit mobile version