Cắt tóc có thể được học và dạy theo những lớp không chính quy tại Việt Nam. Liệu đi du học ngành này có là cần thiết? Một sinh viên chia sẻ về những trải nghiệm trong quá trình du học ngành tóc tại Úc.
Nghề cắt tóc tại Việt Nam trước đây vẫn được truyền lại theo kiểu người đi sau làm theo cách của người đi trước. Muốn trở thành một thợ cắt tóc thì trước tiên, bạn phải làm thợ học việc ở các hiệu cắt tóc. Không phải người học nghề nào cũng được "sư phụ" truyền cho hết ngón nghề. Dù rằng hiện nay tại Việt Nam, những khóa đào tạo nghề này đã phổ biến hơn nhiều nhưng suy nghĩ cũ khiến việc đi du học ngành tóc tại Úc thường được xem là một bước đệm để đạt được các mục đích khác mà thôi.
Tất nhiên phải kể đến nhiều sinh viên sau hai năm miệt mài học lấy bằng cắt tóc đến khi được thường trú tại Úc thì lại đi học kinh doanh, đi bán hàng, lái taxi hoặc làm bảo vệ… Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua một thực tế là việc được đào tạo bài bản giúp người học nghề có nền tảng để phát triển khả năng của mình tốt hơn.
Du học vì muốn được đào tạo bài bản
Giải thích lý do chọn du học ngành tóc tại Úc, Vũ – sinh viên tại Melbourne cho biết: “Ở nước ngoài hay ở Úc, giáo viên dạy mình cách cắt tóc theo một quy trình. Bất kể trình độ hay kỹ năng, ai làm theo quy trình này cũng có thể làm được. Có thể mình đã giỏi về tay nghề nhưng mình phải học cách sắp xếp để bắt đầu vào công việc như thế nào, phải làm theo thứ tự từng bước bài bản thì sẽ đưa ra một tác phẩm như mong muốn.”
Dù có năng khiếu và đã được học sơ qua về trang điểm trong nước, chàng trai Sài Gòn này vẫn chăm chỉ học hỏi với mong ước “hội đủ điều kiện để trở thành một người make up và làm tóc chuyên nghiệp và trong tương lai, có thể mở một salon riêng.”
Những du học sinh đều ấp ủ ước mơ trở thành nhà tạo mẫu tóc và make up chuyên nghiệp
Vũ cho biết thêm, việc được tiếp xúc, được sống trong một môi trường văn hóa khác giúp cách nhìn của người trang điểm và tạo kiểu dáng tóc phong phú hơn vì họ sẽ hiểu biết về những phong cách khác nhau. “Ngoài những gam màu ấm mà em đã học được ở Việt Nam, tại đây em học được những gam màu lạnh, các phong cách thoáng, hiện đại hơn theo lối sống của phương Tây và ảnh hưởng của bốn mùa tới cuộc sống tại đây”, Vũ nói.
Giải thưởng bất ngờ
Vũ sang Úc du học được tròn một năm và mới hoàn thành chứng chỉ nghề tóc cấp III vào tháng 6 vừa qua nhưng đã giành ngay hai giải thưởng trong cuộc thi của các trường cao đẳng tại Victoria về trang điểm và làm tóc được tổ chức tại Geelong.
Chỉ biết đến cuộc thi cuộc thi này sau khi chị gái nói là đã đăng ký giúp, Vũ có đúng một tuần để chuẩn bị. Hơn thế, việc phải thi với rất nhiều các bạn Tây, những người mà Vũ thấy làm tóc rất đẹp, rất lạ, khiến Vũ khá mất tự tin.
“Lần đầu tiên bước lên sàn thi với những bạn Tây, em cảm thấy rằng rất là khó. Không khó khăn về cách làm mà khó khăn về cách nhìn và ý tưởng mới lạ của họ. Hơn nữa, thật sự kỹ thuật của họ rất hay và em cũng cảm thấy mình cần học thêm rất nhiều”, Vũ kể.
Thế nhưng, cứ làm theo cách mình nghĩ, cách mình vẫn học, vẫn làm và kinh nghiệm đã có ở Việt Nam thì Vũ cũng hoàn thành tốt tác phẩm dự thi. Thế nhưng đến phần trình diễn, Vũ phát hiện thêm một thiệt thòi nữa là “người mẫu của em là một người bạn người Việt học cùng trường, so với những người mẫu Tây cao và đẹp thì thấy của mình bé nhỏ quá…”
Vũ cầm trên tay 2 giải thưởng cùng chị gái và bạn học
Dù em trai không hy vọng có cơ hội chiến thắng nhưng chị gái của Vũ khi kết thúc màn trình diễn đã quả quyết rằng “chắc chắn em có giải đấy”. Đúng như vậy, sau khi ba vị giám khảo "soi" từng ly từng tý, kiểm tra từng lọn tóc có gọn gàng và chắc chắn không thì Vũ được xướng tên cho hai giải thưởng liền: giải nhì bộ môn trang điểm và giải ba cho làm tóc cô dâu. Vũ là sinh viên Việt Nam duy nhất có giải thưởng trong cuộc thi này.
Dù chỉ là thành công bước đầu nhưng giải thưởng từ cuộc thi là một sự ghi nhận niềm đam mê đối với nghề tóc và nỗ lực học tập nghiêm túc của Vũ. 10 kiểu bới tóc, 15 kiểu cắt tóc, uốn tóc 10 kiểu và nhuộm 15 kiểu là những gì Vũ phải thực hiện để lấy Chứng chỉ nghề Tóc cấp III. Thêm vào đó, Vũ luôn tranh thủ “mình làm nhanh thì người hướng dẫn có thể chỉ cho mình những kỹ thuật nâng cao và những kiểu tóc lạ nữa.”
Học viện Baxter (Melbourne – Úc) là nơi nhiều du học sinh quốc tế theo học chuyên ngành Tóc và Thẩm Mỹ
Thời gian rảnh rỗi, Vũ tham gia vào hoạt động trong trường như chương trình "Sun Flower" (Hoa Hướng Dương), đến những vùng sâu, vùng xa của nước Úc cắt tóc miễn phí cho người dân. Ngoài ra, chàng trai này luôn tìm cơ hội để có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế như phụ việc trong cửa hàng của bạn và ‘make up’ cho bạn bè và người quen.
Chia sẻ về nghề tóc, Vũ tâm sự rằng, giao tiếp rất quan trọng đối với lĩnh vực tưởng như chỉ cần tay nghề và năng khiếu này. Mặc dù kỹ thuật làm tóc rất quan trọng nhưng người làm tóc phải biết nói chuyện và hỏi han khách hàng để biết được nhu cầu, sở thích của họ. Như vậy, người thợ cắt tóc mới giảm thiểu được các ‘tai nạn nghề nghiệp’ khi khách hàng phật ý vì không thích kiểu tóc mới hay thợ hiểu sai yêu cầu của họ.
Theo Bayvut.com.au