Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nghề "người mẫu tóc" đang trở thành một nghề "hot" đối với một bộ phận giới trẻ. Với họ, kiếm tiền bằng "vốn tự có" để trang trải cuộc sống cũng không có gì đáng hổ thẹn. Tuy nhiên, làm nghề "người mẫu tóc" cũng lắm nỗi bi hài…
Kiếm tiền bằng chính mái tóc
Tôi biết đến nghề độc đáo này nhân một lần đi chơi với cô bạn cùng lớp đại học. Hôm đó, tôi và cô bạn đang ngồi ở quán nước ven đường Quán Thánh thì chợt thấy hai thanh niên ăn mặc rất sành điệu đi về phía chúng tôi tự giới thiệu là chủ của một salon tóc P.T bên cạnh. Quán này vốn là một tiệm cắt tóc thời trang đang hợp tác với những nhà tạo mẫu tóc bên Nhật. Khi ấy, các chuyên gia Nhật đột xuất kiểm tra, trong khi quán lại không có người mẫu tóc phù hợp nên chủ salon này yêu cầu phải tìm người làm mẫu. Cô bạn tôi lọt vào "tầm ngắm" của họ. "Em chỉ cần ngồi làm mẫu để thợ cắt tóc. Bọn anh đảm bảo em sẽ có mái tóc không chê vào đâu được. Ngoài ra khi xong việc bọn anh sẽ trả công em đoàng hoàng", một thanh niên thuyết phục.
Sau hồi lưỡng lự, cô bạn tôi cũng đồng ý và chúng tôi ghé vào salon tóc có vẻ "hoành tráng" nhất đường Quán Thánh. Chỉ khi bạn gái tôi được mời làm người mẫu tóc, tôi mới biết trong giới trang điểm, nghề làm người mẫu tóc đang rất thịnh hành, hái ra tiền. Anh Tuấn chủ salon tóc P.T cho biết: "Thông thường, nếu ta cắt hỏng cái áo thì có thể mua tấm vải khác để bồi thường cho khách, nhưng nghề này nếu lỡ tay cắt trọc đầu của khách thì chỉ có nước dẹp tiệm". Bởi vậy, để cho an toàn, nhiều chủ cửa hàng phải thuê một đội ngũ nhân viên làm mẫu cho các học viên thực hành.
Làm người mẫu tóc là một giải pháp kiếm sống cho nhiều bạn trẻ.
Trong khi chờ cô bạn làm mẫu, tôi cũng có dịp tìm hiểu kỹ hơn về nghề độc đáo này. Anh Tuấn chia sẻ: "Những người tham gia làm người mẫu tóc đa phần là sinh viên hoặc những người chưa có thu nhập ổn định. Họ cho thuê tóc để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống".
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay có hai hình thức thuê "người mẫu tóc" mà các salon hay áp dụng đó là cho thuê tóc làm mẫu và cho thuê cắt. Thuê làm mẫu nghĩa là học viên chỉ được quyền tạo mẫu trên mái tóc mà không được phép cắt tỉa, trong khi đó với người cho thuê cắt thì học viên có thể được chỉnh sửa trực tiếp vào mái tóc của họ. Tất nhiên giá cả cho mỗi hình thức đó khác nhau và bao giờ cho thuê cắt cũng đắt hơn cho thuê làm mẫu khoảng 1,5- 2 lần. Giá thuê tóc cũng không cố định mà tùy vào thời gian ngồi làm mẫu, cũng như sự hao tổn của mái tóc mà người chủ sẽ trả giá sao cho phù hợp. "Thường thì chúng tôi trả giá từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng (mỗi ca làm kéo dài khoảng 2h) cho một người mẫu tóc", anh Tuấn nói.
Nguyễn Thu Trinh, một "người mẫu tóc" ở salon P.T cho biết: "Cuộc sống sinh viên vốn rất khó khăn, trong khi gia đình em lại không có điều kiện. Thấy bạn bè rủ đi làm người mẫu tóc, vừa nhẹ nhàng, vừa kiếm được tiền lại vừa được làm đầu miễn phí nên em cũng háo hức đi vừa để biết, vừa có thêm tiền. Công việc thì đơn giản, chỉ việc ngồi một chỗ để cho các học viên thực hành. Em hiện cho thuê tóc làm mẫu nên lương không cao bằng những người khác nhưng an toàn và ít rủi ro hơn".
Trinh còn cho biết thêm, nghề làm người mẫu tóc không cần tố chất gì đặc biệt, cũng không nhất thiết phải có tóc dài, đẹp mà kiểu tóc nào cũng được chấp nhận. Bởi lẽ kiểu tóc càng đa dạng thì học viên càng có cơ hội thực hành cắt và tạo kiểu. Điều quan trọng của nghề này là phải chấp nhận những rủi ro. Thông thường khi được nhận vào làm việc, chủ quán và người mẫu tóc sẽ thỏa thuận bằng miệng về những điều khoản với nhau trong trường hợp không mong muốn như: Cắt hỏng, làm tổn thương cơ thể… Tuy nhiên người chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là những người làm mẫu tóc. Nếu xảy ra sự cố gì đa phần người mẫu phải chịu cảnh "tóc mất, tật mang". Nếu chủ quán bồi thường thì số tiền cũng không đáng là bao…
Sau một tiếng làm "người mẫu tóc", bạn gái tôi rời salon P.T với một mái tóc rất sành điệu và 100.000 đồng tiền công. Tất nhiên mái tóc ban đầu đã bị cắt tỉa đi rất nhiều nhưng do được thợ chính làm nên không xảy ra những tai nạn mà tôi đã được Trinh chia sẻ khi ngồi trong quán.
Cẩn thận hiểm họa từ thuốc nhuộm tóc.
Những tình huống "dở khóc, dở cười"
Nghề gì cũng phải chấp nhận những rủi ro và nghề làm mẫu tóc cũng không ngoại lệ. Thu Giang (sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết: "Trước khi đi làm người mẫu tóc, tôi có mái tóc khá dày và mượt. Nhưng sau hai tháng làm người mẫu với những lần cắt, tỉa, hấp, uốn… nó đã trở nên xơ cứng và cụt lủn. Tuy số tiền thu về khá ổn định nhưng mái tóc là "góc con người" khi bị cắt cụt đi như vậy thì việc kiếm tiền cũng tạm ngừng. Tôi phải đợi tóc dài ra mới tiếp tục "hành nghề" được". Theo bật mí của Giang, chúng tôi biết được trong thế giới của những người làm mẫu tóc cũng có những tình huống "khóc dở, mếu dở". Giang cho biết: "Salon tóc của chúng em có đội làm mẫu gồm 7 người cả trai lẫn gái. Số học viên cũng đông nên mỗi người mẫu có khi phải làm đến mấy ca một ngày. Có hôm học viên dùng kéo tỉa tóc, tỉa thế nào đứt mất cả một mẩu tai của người làm mẫu khiến anh này phải đi băng bó. Vừa mất tiền vừa mang tật vào người".
Cũng theo Giang cho biết, chuyện nhiều người mẫu bị hỏng cả mái tóc vì học viên sơ sẩy là chuyện hết sức bình thường. Có người còn bị sứt đầu, mẻ trán vì những hành động lóng ngóng của học viên. Chính bởi vậy, số lượng người làm mẫu không hề cố định mà nay người này vào, mai người kia ra. Mỗi Salon tóc thường có đội phòng bị và luân phiên thay thế nhau để phòng những bất trắc trong quá trình làm việc.
Nguyễn Thị Hoa (nhân viên Salon tóc Minh Thành trên đường Nguyễn Trãi) cho biết: "Đặc trưng của nghề làm mẫu tóc là ngồi bất động gần như cả ngày nên rất hại cho sức khỏe. Có những hôm về nhà, chân tôi bị tụ máu, phồng lên như bị phù, toàn thân ê mỏi. Do phải ngồi trong một tư thế cố định quá lâu nên các đốt sống lưng của tôi đau nhói, nhất là phần cổ và bả vai. Có hôm đau như bị kim châm, tôi phải mua thuốc giảm đau về uống. Nhiều hôm đau quá phải xin nghỉ làm".
"Không những thế, trong quá trình làm người mẫu tóc, chúng tôi còn phải đối mặt với chất hóa học có trong thuốc nhuộm tóc rất có hại cho sức khỏe", Trang tâm sự.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong chất nhuộm tóc có chứa Para-phenylenediamin. Các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh chất này có thể gây ung thư, dị ứng, chàm, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng hoặc thường xuyên sử dụng. Trong khi đặc trưng của nghề làm người mẫu tóc là phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên mỗi người cần phải hết sức cẩn trọng với nó.
Bị dị nghị là "dân chơi"
Người làm mẫu còn phải đối mặt với những thái độ dị nghị từ bạn bè và người xung quanh. Minh Trang (nhân viên Salon tóc Huy Quang trên đường Tây Sơn) ngậm ngùi chia sẻ: "Bạn bè thấy tôi hay thay đổi kiểu tóc nên cứ tưởng là người đua đòi ăn chơi nên đa phần đều có tâm lý ngại nói chuyện hoặc không được thân mật như người khác. Tôi thì không có thời gian đi giải thích cho tất cả mọi người được. Tai hại hơn nữa là bác chủ nhà cũng không hài lòng. Vì thấy tôi liên tục thay đổi kiểu và màu tóc nên sau một tháng thuê nhà, bác chủ đã không cho tôi thuê tiếp nữa. Thế là lại mất công đi tìm nhà trọ mới mà vẫn nơm nớp lo rằng chủ nhà không cho ở khi thấy tôi "chịu chơi" như thế".
Theo NDT