Lý tuổi 25, đầu cạo trọc, phục trang đơn giản, trang điểm cũng không. Cô tự nhận là đã mất đi 50% người hâm mộ vì kiểu tóc mới, nhưng Lý cho biết sự thay đổi này giúp cô có nhiều dũng khí đối mặt với những khó khăn lớn…
Gặp Lê Cát Trọng Lý một sáng đầu hè oi bức ở Hà Nội. Lý bé nhỏ, đầu cạo trọc, quần jeans áo jeans đơn giản – lên sân khấu cô còn đơn giản nữa là. Một chút trang điểm cũng không.
Quán café ở một biệt thự cổ, trên con phố nhỏ ít xe qua lại, mà hẳn không nhiều người Hà Nội biết đến, nhưng lại là chốn lui tới yêu thích của Lý. Lý nhìn nắng “chênh vênh” trên tường, kêu lên “đẹp quá!”. Bài hát của Lý, nào là “Chênh vênh”, nào là “Lẩn thẩn”, nào là “Ngây ngây”. Nhưng, trong câu chuyện, có vẻ là một Lê Cát Trọng Lý mạnh mẽ.
Mạnh mẽ vì cô kiên trì với dòng nhạc của mình, cách làm việc của mình, thực hiện được dự định của mình. Và biết rõ mình. Nhưng, rút cuộc, vẫn là cảm giác như lúc nào cô cũng “Thu lu” ngồi đâu đó một góc trong đời, chẳng làm phiền đến ai. Chỉ trừ những bài hát của cô, nó chạm đến tận tim người khác…
Lý vừa ra mắt phim tài liệu âm nhạc “Vui” về chuyến rong ruổi cùng âm nhạc. Hành trình đó hẳn rất nhiều “vui”?
– Vui có, buồn có, khó khăn thuận lợi có, nhưng quý nhất là mình được sống hết sức. Với tôi đó là niềm vui. Vui không phải là lúc nào cũng phơi phới, mà là đi theo cái bên trong mình và sống với nó một cách trọn vẹn.
Nếu hỏi lại Lý về khoảnh khắc nhớ nhất trong chuyến đi?
– Khoảnh khắc đáng nhớ thì nhiều lắm. Nhưng tôi không nghĩ nhiều về kỷ niệm. Tôi làm vì một mục đích cụ thể, chia sẻ một việc cụ thể thì tôi nhớ, giờ nói lại chuyến đi thì không nhớ nữa.
Gần đây Lý hay xuất hiện trên sân khấu cùng với hai nghệ sĩ nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang (nhị) và Đức Minh (đàn môi). Sự kết hợp đó có đem lại sự thay đổi nào cho âm nhạc của Lý?
– Cái gốc thì không thay đổi. Tôi thích sự kết hợp đó. Lúc chơi nhạc, anh Quang và anh Minh đem lại cảm giác trong sáng, họ thích chơi nhạc thật sự và yêu âm thanh mà họ tạo ra. Họ đem lại sự rung động cho khán giả. Tôi thích tâm hồn của hai anh trong âm nhạc.
Khi biểu diễn, Lý hay hỏi khán giả nhạc của Lý có làm mọi người chán không, buồn ngủ không, sao Lý quan tâm đến tâm trạng khán giả như vậy?
– Khán giả là nền tảng để tôi làm việc, không có khán giả thì không có tôi luôn. Sáng tác của tôi là dành cho tôi, nhưng biểu diễn là dành cho khán giả. Biểu diễn có khán giả khác với chơi nhạc một mình trong phòng. Việc chia sẻ, quan tâm đến tâm trạng của mọi người là một phần trong công việc. Nếu không phù hợp thì tôi sẽ điều chỉnh.
Khán giả rất chia sẻ với Lý mà, đêm diễn nào cũng cháy vé!
Một số người. Tôi không kỳ vọng tất cả mọi người đều yêu mến mình. Nhưng tôi dành cho mọi người sự trân trọng như nhau. Và sự chia sẻ đó nhiều hơn âm nhạc, đó là sự chia sẻ về tinh thần.
Có phải vì âm nhạc của Lý nói hộ tâm trạng nhiều người?
Ai cũng có nỗi buồn, sự cô đơn trống trải, mất mát trong lòng. Tôi không nói hộ, tôi chỉ nói sự thật. Họ cảm thấy là vì họ có sẵn điều đó.
Khi Lý hát một mình trong phòng với khi hát trước khán giả, có khác gì nhau không?
Khi hát trước khán giả, tôi cũng khoanh một vùng riêng giống lúc hát trong phòng. Sau khi hát tôi chia sẻ với mọi người rất nhiều. Nhưng lúc hát thì y như trong phòng kín. Mình có 3 phút đó sống trọn vẹn với bài hát đó. Xưa ồn ào thì tôi phân tâm, khó chịu, sau này ồn ào hay im lặng không ảnh hưởng đến tôi. Một hay 1.000 khán giả là như nhau. Nếu trong 1.000 người ít nhất có 1 người muốn nghe mình hát, nếu mình không yêu mình, tôn trọng mình, sống trọn vẹn với bài hát trong 3 phút đó, thì là không tôn trọng một người đang chăm chú nghe đó. Điều đó hơi khắt khe, không phải lúc nào cũng làm được, nhưng trong nghề của tôi đó là một phẩm chất cần thiết.
Hát, có vẻ giống thiền?
Bình thường thôi. Đó là công việc mà. Khi làm việc mà tôn trọng chính mình thì ít có khả năng mình không tôn trọng người khác. Bình thường mình dễ sai với người khác. Tôi nghĩ nên kỹ, nên cẩn thận. Khi nào mình tổn thương vì những sai lầm của mình, lời nói, hành động, việc làm, nếu cái sai cứ lặp lại thì tổn thương cứ lặp lại. Tôi là người yêu mình, không muốn lặp lại tổn thương đó mãi, nên có xu hướng điều chỉnh.
Bài hát của Lý hay nhắc đến “giấc mơ không có thật”, “giấc mơ đã mất”…
– Đó là tôi tưởng tượng khi người già hoài niệm về những ước vọng không thực hiện được. Thực ra cần gì già, 30 tuổi là có thể hát về giấc mơ đã mất rồi. Nếu đủ duyên, đủ điều kiện thì giấc mơ sẽ hoàn thành.
Lý có giấc mơ nào “không có thật”?
– Tôi không nghĩ nhiều như vậy. Tôi đặt mục tiêu thì sẽ hoàn thành mục tiêu. Trong công việc tôi rất rõ ràng. Trong tình cảm hay là gia đình, bạn bè cũng vậy. Không hoàn thành thì chịu thôi. Nhưng ngay cả không hoàn thành thì mình đã sống trọn vẹn với mình. Ước mơ không mang lại lợi ích gì cho mình và mọi người thì từ bỏ không hối tiếc, dành năng lượng làm cái khác.
Ở khía cạnh nào đó Lý rất mạnh mẽ?
– Tôi là người yếu đuối nên phải làm tới cùng. Nếu đủ mạnh thì sẽ thấy việc gì tới sẽ tới. Nhưng vì yếu đuối nên cố gắng hết sức, kiên trì đến cùng. Lúc kiên trì sẽ tìm thấy nhiều sự thật trong đó. Sự thật về bản thân mình, về đối tượng mà mình theo đuổi, dù là vật chất hay tinh thần.
Lý có gọi mình là thành công trong âm nhạc không?
– Thời điểm này, nghề giúp tôi sống được không phụ thuộc vào ai. Tối thiểu của một người trưởng thành trong xã hội hiện đại là độc lập, đơn giản vậy thôi. Còn hôm nay thành công, mai thất bại là bình thường. Hôm nay danh tiếng, mai hư danh là bình thường. Khó lường lắm.
Một mình Lý làm tất cả, từ sáng tác đến tổ chức biểu diễn. Vất vả quá.
– Cái thế phải làm vậy. Người khác làm không đúng hết ý mình. Với lại tôi muốn làm thử cho có kinh nghiệm. Nếu sản phẩm sống được thì tôi có thể chia sẻ phương pháp của mình với mọi người. Khó, nhưng vẫn có con đường cho những người độc lập làm được. Chịu khó làm việc thôi, không có cách nào khác. Tôi yêu quý, trân trọng công việc của mình.
Độc lập trong âm nhạc có khó khăn với Lý?
– Không khó nếu biết đủ. Nếu cứ mong chờ thì sẽ khó. Cách làm việc của tôi là biết sử dụng phương tiện, nhưng luôn luôn trong tâm thế của người bắt đầu. Kinh nghiệm nhiều hơn hay danh tiếng chỉ là phương tiện, công cụ. Nếu trong tâm thế của người đã đi xa rồi thì không làm việc được, vì mình khẳng định mất rồi. Mà khẳng định rồi là không sáng tạo được nữa.
Lý có phát hoảng vì nhạc thị trường không?
– Mọi người nói nhiều về nhạc thị trường, nhưng tôi không phủ nhận người ta. Không có họ, không có mình luôn. Họ làm nên sự khác biệt của mình.
Nhìn rõ về mình, về cuộc sống quá, có tốt không?
– Vậy mù mờ về nó thì tốt sao?
Lý có thấy mình hạnh phúc?
– Lúc có, lúc không. Hạnh phúc là chập chờn mà. Mất đi điều kiện của hạnh phúc là thấy đau khổ ngay. Với người này, hạnh phúc là con cái, với người khác, là công danh, tiền bạc. Hạnh phúc thật là không có điều kiện.
Nếu nghĩ tới những địa điểm đã qua và đã sống, nơi nào Lý muốn ở lại nhất?
– Nơi nào có người tôi yêu thương.
Có vẻ Hà Nội đã thành rất thân thiết với Lý thì phải?
– Tôi yêu Hà Nội. Thân hay không thì không biết. Nhiều khi yêu nhưng thân không nổi thì sao? Có những người như vậy mà.
Người ta hay nói, mỗi lần thay đổi kiểu tóc là có một sự thay đổi trong cuộc sống…
– Có. Với tôi là tốt. Là được sống nhiều hơn. Khi cắt tóc tôi mất khoảng 50% fan hâm mộ, Cũng may họ chỉ buồn tý xíu thôi. Ba tôi nói không biết con làm gì, hình ảnh tóc xù dễ thương xây dựng bao nhiêu năm, đi vào lòng người. Tôi nói, ba muốn người ta yêu con vì tóc hay vì là chính con, vì âm nhạc, nỗ lực của con? Khi quyết định cắt tóc, không phải là tôi không sợ đâu. Nhưng là tuyên chiến đấy. Cắt tóc hay không thì tôi không thay đổi nhiều. Nhưng cắt tóc cho tôi nhiều dũng khí đối mặt với những khó khăn lớn hơn.
Suy nghĩ cách này, Lý có thấy đơn độc?
– Đơn độc tốt mà. Bản chất của mình là đơn độc. Mình không sống tách rời mọi người, nhưng bản chất là đơn độc.
Tuổi 25, giống tên một album của Lý – mà giờ thực ra 26 rồi, Lý có thấy mình khác trước?
– Có lẽ là ít quyết liệt hơn. Hôm nay còn khác hôm qua nữa mà.
Cảm ơn Lý!
Theo LĐ