TÓC ĐẸP – Các hoạt động rầm rộ nhất bao gồm tết tóc, phẩm màu tóc và những chợ buôn tóc. Hoạt động của các loại dịch vụ này vô cùng đa dạng. Nhưng đi kèm với tiện ích mới, cũng không ít hiểm họa khó lường…

Chưa bao giờ đề tài làm đẹp tóc trở nên nóng hổi với các bạn nữ mê làm đẹp như hiện nay. Hiện đang xuất hiện rất nhiều dịch vụ mới về tóc, trong cuộc sống đời thực cũng như trên mạng Internet…

"Cơn bão" tết tóc

Hàng trăm clip hướng dẫn tết tóc được đăng tải trên YouTube khiến trào lưu làm đẹp cổ điển này bùng lên mạnh mẽ. Việc biến hóa đủ kiểu dành cho tóc ngắn, tóc dài đến các kiểu tết tóc cầu kỳ đều có đủ.

Bạn gái hào hứng chuyền tay nhau những bí kíp này, tạo thành một hiệu ứng làm đẹp. Khoảng 3 tháng trở lại đây, tết tóc trở thành một dịch vụ làm đẹp được cộp mác "thân thiện – bình dân – giá rẻ".

Hầu hết "thợ tết tóc" trên mạng không phải dân chuyên nghiệp. Không ít các cô nàng ghiền xem YouTube và tự học là chính, trong đó, cả khách hàng và "thợ" đều là sinh viên. Giá một lần tết tóc mà các bạn "thợ" đưa ra dao động từ 20.000 – 50.000 đồng.

 
Một bạn nữ sinh viên tự quảng cáo các kiểu tóc mình tết trên Facebook

Hoàng Thi (trường ĐH Sài Gòn) cho biết: "Vì tết tóc giá rẻ nên tụi mình thường kèm dịch vụ make-up, vẽ móng để tiện cho các khách đến tận nhà làm luôn một lần". Các tiệm tóc tại gia cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Dần dà, tết tóc đã trở thành món kinh doanh thực thụ, mang lại thu nhập không tệ. Gian hàng tết tóc cùng các dịch vụ liên quan tới tóc luôn hiện diện trong những dịp "garage sale" và những buổi "chợ phiên" có rất đông bạn trẻ tham gia.

Quy trình làm việc, ban đầu, vốn chỉ có vài bạn "thợ" họp với nhau, thuê một góc nhỏ hoặc có chung một địa chỉ, đưa lên mạng. Khi nắm được thông tin ở đâu có "garage sale", nhóm sẽ huy động thành viên đến đó.

Với tần suất mỗi tuần có 2 – 4 hội chợ diễn ra liên tục và định kỳ, các "thợ" tóc sinh viên có thể thu nhập 2 – 3 triệu đồng. Các nhóm "thợ" hiện đang chuyên nghiệp hóa. Nhiều nhóm có cả áo đồng phục, phụ kiện và biết tạo thương hiệu cho mình.

Trang fanpage của các nhóm làm tóc cũng tạo hiệu ứng trong cộng đồng mạng. Có những trang như tettocxtyle đạt tới 120.000 like. Nhiều chủ trang giữ chân fan bằng cách phát triển trào lưu tóc tết thành một thú chơi.

Hằng tuần, các bạn tự quay clip dạy tết tóc, tư vấn make-up. Các chiêu thức này thu hút lượng fan ngày càng đông, nhờ vậy, các chủ trang quảng cáo và bán thêm mỹ phẩm bằng uy tín của mình.

Tóc – món hàng bán buôn

Các bạn trẻ cả nam và nữ hiện nay đều chơi tóc như mốt thời trang, nên nhu cầu tóc ngắn hóa tóc dài, làm mới mình bằng… tóc người khác trở nên thịnh hành. Khi các xu hướng nối tóc được giới trẻ ưa chuộng thì nguồn buôn tóc cũng là một nguồn kinh doanh béo bở.

Cách đây một năm, giá của mỗi lọn tóc khoảng 60.000 – 70.000 đồng thì nay, các chủ tiệm tăng lên 150.000 – 200.000 đồng… Có những đợt, tóc giả hiếm, nhiều nơi nâng giá bán cao hơn nữa, ở các mức khác nhau.

Hiện nay, nguồn tóc dễ tìm hơn rất nhiều. Chỉ cần bay một chuyến sang khu chợ tóc nổi tiếng tại Thái Lan, các bạn trẻ kinh doanh ngành tóc tha hồ gom hàng về. Một bạn cho biết, khu chợ ở Thái phân làm hai nhóm cao cấp và bình dân, bán các loại mặt hàng liên quan đến tóc.


Thị trường tóc giả, tóc nối luôn nhộn nhịp vì nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng

Ở các sạp bình dân có bán cả hàng kém chất lượng. Giá thành rẻ hơn và hàng xài rồi thì được bán lại giá mềm, lúc nào cũng có sẵn. Theo bạn này cho biết, thứ đang được ưa chuộng nhất hiện nay là các lọn tóc bím tết sẵn, chỉ cần dùng kẹp đính lên là nhìn y như tóc thật, giá chỉ 50.000 – 100.000 đồng/mẫu.

Song song với tóc thật, còn có dạng tóc làm từ sợi nilông nhân tạo. Loại này giá cực rẻ nhưng lại dễ trôi màu. Dù hiện nay, dùng tóc giả vẫn được các bạn trẻ coi là một cách làm đẹp hiệu quả và nhanh chóng nhưng nếu dùng không đúng cách, nhất là đối với loại nguyên bộ trùm lên đầu, lớp "da" bên trong xử lý không kỹ sẽ dễ bị ẩm mốc, gây dị ứng da đầu khi tiếp xúc nhiều lần.

Quỳnh Như (trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: "Dùng tóc sợi nilông một thời gian, màu chảy ra hết, để lộ nguyên hình sợi nilông trắng bên trong. Màu nhuộm dễ gây ngứa ngáy khi tiếp xúc với da người dùng".

Ngoài ra, theo Hải My, một bạn làm tóc, nhiều người bán hàng ham lợi sẵn sàng đánh lừa người mua thiếu kinh nghiệm về độ bền của tóc.

Trọc đầu vì "thuốc thần"

Những gói nilông đóng mác "thuốc kích tóc", "thuốc tẩy tóc" hiện được rao bán tràn lan trên mạng. Nghe những tên này, nhiều bạn nữ sinh viên bị đánh lừa, hỏi thăm và bỏ tiền mua. Trước những lời tung hô của chủ cửa hàng về gói thuốc giúp tóc dài ra 1 cm mỗi đêm hay chỉ cần ủ 20 phút sẽ biến tóc nhuộm trở về màu tóc đã làm, không ít "thượng đế" tin ngay mà không đặt câu hỏi nghi vấn.

Thùy An (trường ĐH Sài Gòn) từng mua một lọ ủ tóc mau dài về nhà dùng. Bạn cho biết: "Ủ vài hôm thấy hơi rát da đầu. Khi mình hỏi bạn chủ bán hàng, bạn ấy bảo thuốc đang kích để da đầu mau mọc tóc. Nhưng càng ủ mình càng bị rát và thấy như bị phỏng. Đi bác sĩ da liễu, bị mắng một trận vì liều mạng dùng thuốc không nguồn gốc. Khiếp quá, mình đành bỏ luôn!".


Nếu không cẩn thận, bạn sẽ trở thành nạn nhân của việc làm đẹp do chính bạn mang lại

Còn phép màu của những gói thuốc tẩy tóc thì Hồng Anh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) từng là một nạn nhân. Hồng Anh cho biết, ban đầu "thuốc" làm màu nhuộm trôi đi nhưng dần dà thuốc quá mạnh, ăn vào cả bên trong sợi tóc, làm cho tóc ngày càng xơ xác. Những nạn nhân của loại thuốc này đều phải cắt bỏ phần hư, thậm chí cạo trọc, rồi tốn công dưỡng lại một thời gian dài.

Chăm sóc tóc là một nhu cầu cần thiết. Thế nhưng các bạn cần hết sức tỉnh táo khi mua sản phẩm hay thử một loại hàng mới. Hãy chọn những thương hiệu uy tín, đừng ngại tiếc tiền mà đánh liều sức khoẻ. Tóc rất lâu mới có thể mọc lại nên bạn đừng vội mang bản thân để thí nghiệm chỉ vì các trào lưu làm đẹp tức thời hay mấy lời quảng cáo vô căn cứ để rồi có ngày khóc vì tóc.

Nguy hiểm ở chỗ, hiện nay, cổng trường đại học là nơi tập trung những đối tượng chuyên bán hàng rởm, núp dưới danh nghĩa "thuốc làm đẹp tóc". Yến Linh (trường ĐH Tôn Đức Thắng) mua một lô kem dưỡng, dầu bóng, dầu tóc từ một người bán dạo với giá hơn 500.000 đồng, vì tin lời quảng cáo rằng đây là loại dùng trong spa cao cấp.

Tất cả sản phẩm đều được hướng dẫn pha với nước. Sau hai lần dùng, da cổ Linh (nơi tiếp xúc với kem dưỡng) nổi mẩn đỏ loang lổ. Dù tiếc tiền nhưng cô bạn phải bỏ hết cả bộ sản phẩm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe

 Mỹ Linh – SVVN

Có thể bạn quan tâm

___________________________________________________________________


"Tóc dài, ai bán tôi mua"


Nhộn nhịp thị trường tóc giả


Nghề kinh doanh "tóc thánh ở "Ấn Độ"

Xem tất cả

Exit mobile version