Theo quy luật, sau giá xăng dầu, nhiều mặt hàng khác sẽ tăng giá theo. Các bà nội trợ không khỏi hoang mang, lo âu vì giá thực phẩm, điện nước, đặc biệt là giá gas theo đó lên cao chóng mặt. Trước tình hình giá nhiên liệu này tăng cao từng ngày, không ít người phải đau đầu nghĩ ra hàng loạt phương án để ứng phó.
Tăng giá ồ ạt khi lạm phát chưa yên
Người dân ngày càng thêm lo ngại và đầy áp lực khi mới chỉ hơn một tháng sau Tết mà giá cả các mặt hàng liên tiếp tăng một chuỗi nối nhau trong khi lạm phát chưa giảm. Theo thống kê, trong năm 2011 đã có rất nhiều đợt tăng giá gas. Các đợt tăng giá gas trong năm 2011 cộng với 2 tháng đầu năm 2012 đã đẩy giá gas tại Việt Nam lên một mức kỷ lục.
Ngay từ đầu năm, diễn biến giá gas đã có nhiều bất lợi, chi đến thời điểm này, giá gas đã có 6 lần được điều chỉnh tăng. Đến ngày 1/3, hầu hết các hãng đã tăng giá gas ở mức cao nhất từ trước tới nay lên thêm 52.000 đồng/bình 12 kg. Giá tới tay người tiêu dùng tăng vọt lên 477 nghìn đồng/bình 12 kg và ở nhiều cửa hàng bán lẻ có mức trên 500 nghìn đồng.
Phương kế ứng phó với bão giá gas
Dù giá gas tăng bất ngờ và đột biến nhưng hầu hết người dân vẫn phải chấp nhận vì cũng không có sự lựa nào khác. Tuỳ điều kiện sống của mỗi gia đình mà họ đang xoay sở để sử dụng sao cho thật tiết kiệm nhất.
Quay lưng với bếp gas
Bếp than được sử dụng để đun nấu những thứ cần thời gian dài như nấu nước, ninh xương…
Nhiều người đã đành “nói không” với sản phẩm tiện ích này mà chuyển sang dùng các loại bếp khác để thay thế. Biện pháp phổ thông nhất là "tậu" thêm bếp than tổ ong bổ sung vào gian bếp của gia đình. Mặc dù vẫn biết rằng dùng bếp than tổ ong không tiện, không sạch, mùi than lại độc hại, nhưng vì rẻ hơn nên nhiều gia đình vẫn chấp nhận dùng để tiết kiệm được một phần chi phí. Chị Nguyệt (Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi chỉ dùng bếp gas để nấu nướng những thứ đơn giản. Còn việc ninh xương, nấu cháo, đun nước tắm… sẽ chuyển tất sang bếp than tổ ong".
Nhiều người lựa chọn bếp từ thay thế bếp gas
Những người có tiền thì chuyển sang dùng bếp từ, bếp điện, bếp halogen hay bếp hồng ngoạicho an toàn và tiện lợi. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ dùng bếp từ tốn tiền điện, nhưng thực ra chi phí bếp gas cũng khá cao. “Với gia đình nấu ăn thường xuyên, nếu một bình gas hơn 400.000 đồng dùng được trung bình một tháng. Nếu dùng bếp từ thì chi phí thấp hơn hoặc cùng lắm là bằng. Bếp từ có nguy cơ cháy nổ thấp, đun nấu nhanh, nhiệt không tản ra ngoài bề mặt nên tiết kiệm được nhiệt năng, không bị nóng". Anh Toàn, một người có kinh nghiệm sử dụng bếp từ đã vài năm nay, cho biết.
Muôn nẻo tiết kiệm gas
Không có nhiều lựa chọn để có thể thay đổi phương tiện đun nấu, tuy vẫn dùng gas nhưng nhiều người dân bắt đầu tính toán làm sao thật tiết kiệm với loại nhiên liệu đang ngày càng trở nên đắt đỏ này.
Từ năm 2009, anh Tiến Thắng ở Tp. Hồ Chí Minh đã phát minh ra thiết bị có tác dụng tiết kiệm gas đến 30%, giúp làm giảm thời gian đun nấu, giảm mùi gas sống và khí thải độc hại. Sản phẩm của anh khi tung ra thị trường được rất nhiều người ủng hộ và tìm mua sử dụng với giá hơn 300.000 đồng một thiết bị.
Thiết bị tiết kiệm gas này sẽ được lắp đặt vào ống dẫn gas để oxy dễ tiếp xúc với gas hơn
Bên cạnh đó, loại kiềng tiết kiệm gas cũng bán rất chạy hàng khi có tác dụng hội tụ nhiệt tối đa vào phần đáy nồi, tăng hiệu quả sử dụng ngọn lửa của bếp, giúp tiết kiệm từ 10-20% thời gian đun nấu. Chắn gió từ bên ngoài thổi vào, đồng thời ngăn nhiệt tỏa ra môi trường làm hao hụt ngọn lửa, không hao gas, giảm lượng gas tiêu thụ.
Đế kiềng tản nhiệt giúp tiết kiệm gas từ 10-20%
Trên các diễn đàn của phụ nữ, chủ đề về giá gas được chị em bàn luận rất rôm rả, mọi người cùng rỉ tai nhau những cách để tiết kiệm gas một cách triệt để nhất:
1. Chỉnh ngọn lửa vừa phải: Chỉ cần vặn ngọn lửa cháy bám quanh đáy nồi là đủ. Ngọn lửa quá lớn vừa tốn gas mà món ăn của bạn lại lâu chín bởi lượng nhiệt thay vì tập trung vào đáy nồi lại bị phân tán ra xung quanh.
2. Tập trung nấu đồ ăn cùng một lúc để không phải bật tắt bếp nhiều lần: Cần chuẩn bị sẵn nguyên liệu nấu, rửa sạch, xắt thực phẩm, tẩm ướp, rửa nồi niêu xong rồi hãy bật gas. Không để thời gian lửa cháy rỗi.
Tập trung nguyên liệu nấu ăn cùng lúc sẽ giảm thời gian nấu nướng và tiết kiệm gas
3. Dùng vòng kim loại chụp lên mặt bếp sẽ tiết kiệm 5% gas.
4. Thường xuyên chùi rửa bếp gas: Mỗi ngày sau khi nấu, bạn nên chùi rửa bếp gas, để những cáu bẩn không đọng lại làm bít các lỗ khí (đường dẫn gas). Nếu không chùi rửa thường xuyên, lỗ khí sẽ dễ bị bít khiến một phần gas thất thoát ra ngoài, lâu ngày ngọn lửa sẽ nhỏ dần. Điều này giải thích vì sao những chiếc bếp gas mới mua về thường ít hao gas hơn bếp cũ.
5. Khóa bình gas mỗi khi nấu xong, vừa an toàn lại có thể giúp bạn tiết kiệm được một lượng gas nhỏ thoát ra ngoài.
6. Dùng nồi nấu với độ dày phù hợp: Những chiếc nồi phù hợp cũng giúp bạn tiết kiệm được một lượng gas đáng kể, bởi nồi dày thường phải tốn thêm thời gian đốt nóng lâu hơn. Vì thế nên sử dụng những loại nồi có đáy mỏng cho các món xào nấu, nồi áp suất cho các món hầm.
FFenh