TÓC ĐẸP – Các nhà khoa học khảo cổ đến từ trung tâm Y Sinh học Ai Cập KNH, thuộc Đại học Manchester đã tiến hành nghiên cứu những xác ướp có độ tuổi từ 2.300 đến 3.500 năm được khai quật tại khu mộ Hy Lạp La Mã ở Dakhleh Oasis, thuộc vùng sa mạc phía Tây.
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, từ thời kỳ cổ đại (hơn 3.000 năm về trước), người Ai Cập đã hình thành ý thức thời trang cho tóc bằng cách sản xuất ra một loại sản phẩm có nguồn gốc từ chất béo để tạo kiểu cho tóc. Họ đã sử dụng thứ sản phẩm này để tạo kiểu cho cả tóc ngắn và tóc dài, việc làm quăn tóc bằng kẹp và thậm chí tết lẫn sản phẩm đó vào những phần tóc thẳng để làm bím tóc dài hơn.
Bằng cách sử dụng các kính hiển vi ánh sáng và điện tử, các nhà khoa học đã phát hiện trong 18 xác ướp được tiến hành nghiên cứu thì có đến 9 xác ướp được bôi lên tóc một hỗn hợp chất béo và kết quả đưa ra đã chắc chắn rằng, loại hỗn hợp đó là sản phẩm làm đẹp. Kết quả nghiên cứu từ một vài xác ướp được bảo quản nhân tạo cho thấy, người Ai Cập cổ còn sử dụng keo vuốt tóc để chuẩn bị cho cuộc sống của họ ở thế giới bên kia. Không chỉ vậy, loại hỗn hợp làm đẹp được tìm thấy ở những xác ướp được bảo quản tự nhiên bằng cát khô chứng tỏ rằng, người Ai Cập cổ còn sử dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Một điều kì lạ là thậm chí đối với những xác ướp được bảo quản nhân tạo, trên tóc những xác ướp này lại không có các chất nhựa hay những chất liệu ướp xác, điều này cho chúng ta thấy, tóc được tạo kiểu hoàn toàn tách biệt với quá trình ướp xác. Các nghiên cứu sâu hơn về chất liệu này bằng các phép đo phổ khối và phép ghi sắc đã chỉ ra rằng hỗn hợp chất làm đẹp này có chứa aixit palmitic và axit stearic.
Tiến sĩ McCreesh, 29 tuổi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, hiện là nhà khoa học thính giảng tại trường Đại học Manchester cho biết: “Mặc dù nghiên cứu này không thể xác định được loại keo vuốt tóc có nguồn gốc từ động vật hay thực vật nhưng khả năng từ động vật vẫn cao hơn”.
Cô cho biết thêm: "Những người Ai Cập cổ sử dụng những sản phẩm bằng chất béo giống như loại keo vuốt tóc chúng ta sử dụng ngày nay. Và điều đó được minh chứng bằng những điểm tương đồng rất đáng kinh ngạc. Chúng ta đều biết rằng, những bức vẽ trên lăng mộ với những nón thuốc bôi dẻo được đội lên đầu người Ai Cập cổ. Người ta nghĩ những nón thuốc bôi dẻo này được làm bằng chất béo và nhựa thơm. Vì vậy khi chúng tôi xác định xem tóc của một số xác ướp có chút dấu vết nào như vậy không. Và kết quả, chúng tôi đã phát hiện có một loại chất béo được sử dụng cho việc tạo kiểu tóc".
"Có rất nhiều kiểu tóc và kiểu cắt tóc, một vài xác ướp có những kiểu tóc quăn rất đẹp. Bằng kính hiển vi chúng tôi có thể nhìn thấy các chất béo đã được sử dụng đặc biệt trên những tóc quăn để giữ cho chúng đúng nếp như những gì người ta làm ngày nay. Một trong những xác ướp với mái tóc khá ngắn làm chúng tôi đùa cô ta trông như nữ minh tinh Marilyn Monroe. Một vài người khác thì lại có tóc quăn dài hơn một chút như nữ ca sĩ Rihanna. Một vài người nam trẻ hơn thì lại chia tóc ra làm các phần riêng biệt và kẹp nó xuống bằng loại keo dưỡng tóc", tiến sĩ McCreesh nói.
Tiến sĩ cho biết: "9 xác ướp còn lại bị phai đi rất nhiều lượng chất béo được sử dụng để tạo kiểu tóc, vì vậy chúng tôi không thể biết chắc chắn số đó có dùng hay không. Cũng giống như ngày nay vậy, một số người thích thì họ dùng còn số khác lại không. Một vài trong số những xác ướp được bảo quản tự nhiên nên chúng tôi có thể xác định rằng người Ai Cập cổ đã sử dụng loại keo dưỡng tóc trong đời sống hàng ngày cũng như khi chết đi. Có thể những người có khả năng sử dụng sản phẩm này không phải là những người nghèo nhất nhưng một điều chắc chắn loại keo này không chỉ hạn chế cho riêng các Pharaon hay tầng lớp có địa vị cao mà tất cả các thường dân đều có thể dùng nó. Điều này hoàn toàn tuyệt vời, bạn có thể tưởng tượng trong xã hội Ai Cập hơn 3.000 năm trước, người dân đã biết chăm sóc tóc và làm cho nó quăn như những gì chúng ta có thể làm ngày nay. Loại chất dưỡng tóc được tìm thấy có chứa axit béo bao gồm axit palmitic và axit stearic, nhưng hi vọng rằng những nghiên cứu khoa học sâu hơn nữa có thể giúp chúng ta xác định được thành phần chính xác các chất được sử dụng để làm nên loại mỹ phẩm này”.