Da đầu bị nấm, tóc chỗ thưa chỗ dày, lở ngứa…những hậu quả do nấm tóc gây ra luôn khiến cho những ai mắc phải chứng bệnh này chịu nhiều khổ sở.
Nấm da đầu ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và sức khỏe
Khởi đầu bằng những nốt sừng sần nhỏ gây ngứa và rụng tóc, sau đó những nốt này lan ra xung quanh tạo thành mảng vảy. Tóc bị nấm trở nên cứng và gãy sát, chân tóc được nhúng trong màu trắng nên người bệnh rất dễ lầm tưởng là gàu.
Có nhiều trường hợp, người bệnh do không phát hiện và điều trị kịp thời đã bị bội nhiễm, mụn mủ xung quanh hoặc dọc tóc có hột màu đen hoặc trắng làm gãy tóc, rụng tóc ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và sức khỏe.
Trẻ em, người lớn đều có thể bị nấm tóc nhưng trẻ em thường dễ bị mắc hơn bởi nấm tóc có thể lây trực tiếp từ người sang người hay từ các đồ vật sang người. Nguyên nhân cơ bản nhất gây bệnh nấm tóc là do việc giữ vệ sinh kém, tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn Tricophiton, nấm tóc và sừng (Keratin) ký sinh trên tóc, chân tóc… gây bệnh.
Với những người làm các công việc nặng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, khói bụi… da đầu thoát nhiều mồ hôi, bám bẩn càng khiến vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để sinh sôi và phát triển.
Mũ bảo hiểm cũng là một trong những tác nhân quan trọng gây nên chứng nấm tóc (nấm da đầu). Ngoài ra, bệnh nấm tóc cũng có thể do lây trực tiếp giữa người bị nấm tóc truyền sang hoặc có thể lây qua các vật dụng trung gian như lược chải đầu, gối, mũ nón…
Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh nấm tóc, bệnh nhân không nên cào gãi, chà sát da, gây rách da đầu bởi điều này sẽ làm cho nấm lây nhanh và rộng hơn. Thay vào đó, cần vệ sinh kỹ da tóc, để tóc khô thoáng, tránh đội mũ nón gây ẩm ướt da đầu trước khi tới khám tại các cơ sở chuyên điều trị bệnh ngoài da. Ngoài ra, để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và sử dụng thuốc phù hợp.
Nguồn: Dân Trí