Mỗi lần ngồi học bài, xem phim hay những lúc rảnh rỗi, bé Lam (13 tuổi) lại đưa tay lên đầu nhổ tóc. Kết quả là một vùng đỉnh đầu to bằng lòng bàn tay trọc lốc.
Chị Thu có cô con gái 13 tuổi có tật thích nhổ tóc. Ban đầu bé Lam lấy tóc châm vào tai, sau đó nhổ từng cọng một. Đặc biệt, những lúc ngồi học bài mà bị căng thẳng quá là bé lại đưa tay lên đầu nhổ tóc và kết quả là một vùng đỉnh đầu to bằng lòng bàn tay trọc lốc. Có những lúc ngồi chơi trên sofa hay khi xem tivi, Lam cũng đưa tay lên nhổ tóc, bị mẹ mắng thì bé quay ra nhổ… lông mày hoặc lông mi.
Mỗi lần vào phòng con chị càng điên tiết vì thấy tóc mọi chỗ mọi nơi, từ trên giường, nền nhà cho đến bàn học, đâu đâu cũng thấy tóc.
Dọa dẫm con đủ kiểu như cho soi gương, chụp ảnh những mảng đầu trọc lốc cho con xem nhưng vẫn không thành công, cuối cùng chị Thu đành đưa con đi gặp bác sĩ. Kết quả khám bệnh cho thấy, con chị bị tâm thần thể hội chứng nhổ tóc. “Đau khổ quá! Con gái ngoan, chỉ có hơi ít nói thôi! Có vẻ như con bị trầm cảm mà bố mẹ không biết. Thấy con nhổ tóc toàn quát con. Cứ chần chừ không đưa con đi khám bác sĩ tâm lý vì ngại, vì lười, vì nghĩ sao con mình có thể bị thế được!?”, chị Thu tâm sự.
Thích nhổ tóc là dấu hiệu trầm cảm?
Đây là căn bệnh hiếm gặp trong các loại bệnh về rối loạn tâm thần. Nó có thể đến bất chợt với ai đó, ở một thời điểm hay độ tuổi bất kỳ không thể đoán trước được. Khác với bệnh tâm thần khác như hoang tưởng, động kinh, bệnh này không thể dò được bằng điện não đồ, mà chỉ dựa vào những chẩn đoán lâm sàng.
Sách Tâm bệnh học – Đại học Y viết rằng khoa học gọi nó là Hội chứng Tic, tức là 1 hành động lặp đi lặp lại nhiều khi là vô thức, không kiểm soát được bản thân. Thuộc một dạng tâm bệnh nhẹ. Cùng loại này còn có: mút tay, cắn móng tay, đầu lắc lắc, mắt máy liên tục…
Bởi vậy, khi thấy có những “sở thích”, thói quen” nhổ tóc không thề kiềm chế được, hãy:
– Hướng con vào các hoạt động khác khi có hành động này.
– Kể con nghe những câu chuyện, cho xem hình ảnh về hậu quả của nó.
– Mọi người trong nhà luôn nhắc nhở, chỉnh sửa cho con ngay khi con có hành động đó.
– Hãy dành thời gian để tâm sự thật nhiều với con, rồi cố gắng tạo việc cho con bận nhưng thoải mái, cho đầu óc con thư giãn, và tay luôn bận, để con bỏ tật nhổ tóc đi.
Nếu đã áp dụng những biện pháp trên một thời gian dài mà con bạn vẫn không từ bỏ sở thích nhổ tóc, cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần để có hướng điều trị sớm, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
Tuy nhiên, không phải trẻ em nào thích nhổ tóc cũng đều có vấn đề về thần kinh hay là dấu hiệu của tiền trầm cảm. Có thể nó chỉ dừng lại ở những hội chứng nhẹ như vậy thôi. Đôi khi do quá căng thẳng hoặc không ý thức được việc làm của mình mà các bé thường có hành động một cách vô thức như vậy. Cha mẹ nên quan tâm đến con để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh để hành động của bé trở thành một thói quen khó bỏ.
Các mẹ không nên lơ là nhưng cũng đừng lo lắng quá đà, nhất là đừng khiến con nghĩ là mình có vấn đề gì trầm trọng. Đa số các cháu tuổi mới lớn, nếu nhận được đầy đủ tình thương yêu, sự quan tâm và tôn trọng của cha mẹ (thể hiện vừa đủ, không thiếu thốn, và cũng không quá thừa khiến các cháu cảm giác mất tự do, bị áp lực, hoặc dân chủ quá trớn) thì rồi cũng sẽ vượt qua được các vấn đề đặc trưng của tuổi.
Theo MASK