Kể từ khi được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc vào năm 2005, vở nhạc kịch Laundry vẫn thu hút được sự quan tâm của khán giả cho đến tận thời điểm này với hơn 1000 lần biểu diễn. Giải thưởng kịch bản và lời thoại tốt nhất cùng với nội dung giàu tính nhân văn sâu sắc, Laundry chứng minh được giá trị của nó tồn tại với thời gian.

Vở nhạc kịch Laundry là câu chuyện về cuộc sống của những con người nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi ở thủ đô Seoul. Một cô gái  27 tuổi làm việc trong hiệu sách, một công dân nhập cư bị kì thị, phân biệt đối xử, một góa phụ chăm sóc cho cô con gái khuyết tật. Giữa cuộc sống tấp nập, ồn ào của sự phát triển đô thị, khoảng cách giàu nghèo quá lớn, họ dường như bị xã hội hiện đại bỏ quên, lạc lõng và đầy buồn tủi.

Hình ảnh mở đầu của vở kịch, Na Young – cô gái trẻ đến từ vùng nông thôn Gangwon phơi quần áo trên mái nhà đã gặp anh hàng xóm Solongo, vốn là một chàng trai đam mê văn chương người Mông Cổ. Sau sự nhút nhát, ngượng ngùng ban đầu, họ trở thành những người bạn gần gũi và dần khám phá nhau. Cô gái và chàng trai nhìn e lệ, trò chuyện, tâm tình với nhau bằng tiếng hát. “Tên tôi là Solongo, nó có nghĩa là cầu vồng. Đất nước tôi đẹp như cầu vống, rực rỡ nhiều sắc thanh, mặc dù vậy tôi vẫn phải đến Seoul vì mưu sinh cuộc sống. Trên mái nhà này chẳng bao giờ ấm áp, nhưng tôi đứng đây vì muốn gần với bầu trời kia, để hát lên rằng chúng ta hãy là bạn như tôi với trời xanh này nhé.” Với ca từ ý nghĩa, bài hát này đã được đưa vào chương trình văn học của học sinh lớp 9 ở Hàn Quốc.

Sự đồng cảm về hoàn cảnh, địa vị xã hội khiến hai con người đến với nhau bằng tình yêu trong sáng, họ cùng nắm tay trên mọi nẻo đường, chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống. 

Câu chuyện khiến người xem cảm động bởi tình người được thể hiện giản dị và hết sức chân thành, hình ảnh người góa phụ xoa dịu nỗi đau của cô gái trẻ khi cô bị ngược đãi ở nơi làm việc là một phân cảnh giàu sức gợi, nó thể hiện thông điệp của vở kịch: những tâm hồn đồng điệu nâng đỡ nhau, khát khao về tình yêu và hạnh phúc của họ không bao giờ mất đi trong bốn bề đô thị.

Cuộc sống nơi thành phố phồn hoa quả thực không đẹp như người ta mong đợi, bị phân biệt đối xử, sa thải, thất nghiệp, túng quẫn, bị đuổi ra khỏi nhà thuê… những điều đó tưởng chừng như sẽ khiến các nhân vật tuyệt vọng, quỵ ngã. Nhưng cũng chính trong lúc khó khăn, tối tăm nhất, họ lại thấy những ánh sáng của cuộc đời; lòng bao dung giữa nhân loại khiến họ đủ niềm tin để cùng bước tiếp.

Họ nhận thêm công việc giặt khô, hình ảnh từng lớp rèm vải nối tiếp nhau bay phấp phới trong gió hòa lẫn bong bóng xà phòng và hương thơm dịu mát là một hình ảnh đẹp chứa đựng nhiều giá trị nhân bản. Dẫu cuộc đời đôi khi là bi kịch thì chúng ta vẫn có thể vượt qua, làm nó tươi sáng hơn, chỉ cần có sức mạnh của niềm tin và lòng hi vọng. Đó cũng chính là nội dung ẩn sau cái tên Laundry “hãy gột sạch tăm tối để hướng tới những giá trị sáng lạng, tươi mới hơn”. Không ít khán giả nhắm mắt tận hưởng giai điệu du dương của ca khúc, cảm nhận mùi hương nhẹ nhàng tinh khiết từ những lớp vải và thốt lên rằng: “Như đang được xem nhạc kịch 4D”.

Cũng chính vì những giá trị sâu sắc về tình người đó, Laundry đã được công diễn tại Nhật Bản sau thảm họa sóng thần vào năm ngoái. Trong lúc người dân Nhật những tưởng như tuyệt vọng với hậu quả tàn khốc do thiên tai tàn phá, vở nhạc kịch với thông điệp về lòng can đảm như một liều thuốc để chữa lành những vết thương trong tâm hồn; hầu hết ai từng xem Laundry đều thấy một nụ cười thanh thản an nhiên trên gương mặt họ. Hơn thế nữa, khi ra về không ít người còn ngân nga giai điệu của khúc ca “hi vọng” trong vở kịch, nó khiến người ta cảm thấy yêu đời và tin vào tương lai đầy hứa hẹn.


Nam diễn viên Kim Jong Gu, người đóng vai Solongo thừa nhận rằng con người anh đã thay đổi rất nhiều khi tham gia  diễn xuất trong Laundry“Tôi khá xấu hổ để nói điều này, nhưng thật sự tôi trở nên dịu dàng, ấm áp hơn trước rất nhiều.Tôi thích nhân vật Solongo và khi hóa thân vào anh ấy, tôi bỗng nhận ra rằng mình đã biết nghĩ, quan tâm đến những người xung quanh không rõ từ bao giờ.”

Vở nhạc kịch Laundry tuy chỉ là một chương trình quy mô nhỏ, nhưng sức lay động mà nó mang lại quả thực rất mãnh liệt. Đánh giá từ sự thành công lâu dài của nó tại Hàn Quốc từ năm 2005 đến nay và phản ứng tích cực tại Nhật Bản, nó có tiềm năng trở thành một hit lớn trên thị trường ở nước ngoài. Hiện Hàn Quốc đang chuẩn bị để xuất khẩu Laundry sang Ai Cập và một số nước Châu Âu, có lẽ trong tương lai gần công chúng Việt Nam sẽ được thưởng thức tác phẩm này trên sân khấu kịch nước nhà.

Exit mobile version