Theo lệ thường, sau dịp Tết Âm lịch hàng năm, giới làm tóc cả nước lại nô nức, xôn xao vào ngày Hội lớn nhất: Giỗ Tổ ngành Tóc. Năm nay, Hội ngành Tóc Thành phố Hồ Chí Minh (HHA) đã đi đầu trong đổi mới và tạo ra sự hợp nhất đối với cả ba trụ cột của ngành tóc: (1) Nhà tạo mẫu; (2) các chi hội, câu lạc bộ; và (3) các hãng sản xuất và phân phối mỹ phẩm.
Theo chị Phạm Ngọc Nữ, Quyền Chủ tịch HHA, đó là sự “hợp nhất” lần đầu tiên của tất cả những người hoạt động trong ngành tóc. Chị Nữ đã trao đổi cùng Tóc Đẹp quanh chủ đề này.
Mỗi năm ngành Tóc đều có ngày Giỗ Tổ ngành Tóc, truyền thống tốt đẹp đó trong năm nay được HHA tiếp tục phát huy và xây dựng thành chương trình với các phần lễ, hội với những nét đổi mới như thế nào, thưa chị?
Năm nay, Lễ Giỗ Tổ ngành Tóc được Hội ngành Tóc TP.HCM tổ chức với những thay đổi quan trọng hứa hẹn nhiều điều bất ngờ, Thay đổi trước hết thể hiện ở cái tên lễ hội. Mọi năm, chúng tôi tổ chức lễ với tên gọi là “Lễ Giỗ Tổ Ngành Tóc”, năm nay thì tên gọi là “Lễ Tri ân Tổ nghiệp Ngành Tóc”. Như vậy, với tên gọi mới thì mọi người sẽ có cách nhìn khác hơn; bởi đã làm nghề thì ai cũng muốn tri ân tổ nghiệp, ai cũng muốn dành một ngày trọng đại để tri ân nghiệp tổ và cùng chia sẻ với các đồng nghiệp.
Xuất phát từ sự thay đổi đó, diện mạo, nội dung của Lễ Tri ân Tổ nghiệp Ngành Tóc năm nay cũng sẽ có nhiều thay đổi: Lễ tri ân Tổ nghiệp sẽ được đại chúng hóa, tất cả các nhà tạo mẫu tóc, các thợ chính, thợ phụ, học viện ngành tóc, các salon lớn, nhỏ đều bình đẳng và đều có cơ hội để được nhận tấm vé cùng tham dự buổi lễ dưới một mái nhà chung. Khác với mọi năm trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ, đối tượng tham gia chỉ có các nhà tạo mẫu tóc và các chủ salon lớn, các thợ chính. Tôi cho đây là thay đổi căn bản nhất của lễ hội năm nay.
Để thực hiên được một sự thay đổi căn bản như vậy, hẳn Ban tổ chức cũng đã phải tính toán và lo liệu đủ kinh phí?
Kinh phí luôn là vấn đề lớn đối với bất kỳ tổ chức nào muốn đứng ra thực hiên một sự kiện lớn. Những năm trước đây, đồng hành với HHA thường có 1 – 2 hãng mỹ phẩm tài trợ; năm nay điểm khác biệt lớn là sẽ không có sự độc quyền đối tượng nhà tài trợ, không có sự phân biệt hãng mỹ phẩm lớn, nhỏ, trong nước hay ngoài nước, mà sẽ có nhiều hãng mỹ phẩm, câu lạc bộ, các chi hội cấp quận huyện, hội viên, nhà tạo mẫu… bắt tay nhau cùng với Hội thực hiện chương trình này. Chúng tôi không xem họ là đối tác tài trợ nữa mà họ chính là một thành phần của Ban tổ chức, cùng chia sẻ với nhau từ vấn đề kinh phí, hoạch định nội dung, phân phối vé mời, đến các khâu nhỏ hơn đề ra được một chương trình bao gồm cả phần Lễ và phần Hội. Lần đầu tiên mọi người sẽ thấy 12 hãng mỹ phẩm nổi tiếng trong vai trò Ban tổ chức đồng hành cùng nhau phối hợp hoạt động rất “ăn ý” với các thành viên trong các câu lạc bộ, các chi hội… Cũng nhờ vậy mà phương án bán vé thu phí ban đầu cũng đã có sự thay đổi; ngoài HHA trực tiếp gửi vé mời, các hãng mỹ phẩm, các chi hội, các câu lạc bộ cũng nhận vé mời và phân phối lại cho hệ thống các salon và hội viên thuộc bộ phận của mình. Như vậy, đối tượng được mời sẽ đa dạng và đông đảo hơn; mọi người cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.
Chị có thể cho biết tại sao HHA có chủ trương chọn sự đại chúng và hợp nhất này, thay vì tiếp tục mô hình Lễ hội khá “tinh tuyển” và cũng đã từng thành công qua nhiều năm?
Chúng tôi quan niệm rằng sứ mệnh của Hội Ngành Tóc là phục vụ cho tất cả mọi người, mọi thành phần hoạt động trong ngành tóc, chứ không chỉ cục bộ cho riêng ai. Do đó, ngày Lễ tri ân Tổ nghiệp Ngành Tóc cũng là ngày lễ chung của tất cả mọi người trong nghề làm tóc. Hội có trách nhiệm phải cố gắng làm sao để càng nhiều người tham gia càng tốt, ai cũng được tham dự ngày Lễ trọng đại này; đặc biệt vinh danh 3 thành phần nòng cốt đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp phát triển của ngành tóc nước nhà là các thợ làm tóc, các salon tóc và các hãng hóa mỹ phẩm trong cũng như ngoài nước.
Để đẩy mạnh tính đại chúng trong các hoạt động phát triển của Hội, nhân dịp Lễ này Ban Tổ chức cũng đã lên kế hoạch ra mắt 12 Chi hội Ngành Tóc của một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Đây là thành quả của các nhà tạo mẫu tóc ở các địa phương; các Chi hội này vừa mới được thành lập vào cuối năm 2011, sau khi HHA được sự cho phép của Sở Công Thương TP.HCM (cơ quan chủ quản). Việc ra mắt và cử đại diện các Chi hội chính là để hướng tới các hoạt động chuyên nghiệp, qui cũ hơn, thay cho các hoạt động tự phát của người làm nghề tại các địa phương như trước đây. Vừa qua, Hội đã chính thức chọn và kết hợp với trường dạy nghề Khôi Việt để làm văn phòng và nơi đào tạo nâng cao tay nghề cho hội viên. Sau Lễ ra mắt, chúng tôi sẽ xây dựng phương hướng hoạt động cụ thể nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề đồng thời củng cố tâm lý và xây dựng tư cách đạo đức cho những nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp trong thế hệ thanh niên trẻ. Hội khẳng định các Chi hội chính là nên tảng, là cơ sở để HHA phát triển đúng hướng, giúp cho thế hệ những nhà tạo mẫu tóc trẻ theo kịp cùng đà phát triển của kỹ nghệ ngành tóc trên thế giới.
Với định hướng quần chúng, đại trà, tức là để lễ hội được “trả” về với quần chúng, chắc chắn Ban tổ chức cũng đã lường trước những khó khăn trong vai trò điều phối chung? Và chị đã hình dung đến một Lễ tri ân Tổ nghiệp 2013, 2014… cũng sẽ tiếp với định hướng, mô hình mới?
Với vai trò điều phối, chúng tôi cố gắng làm đường dẫn, “link” các đối tượng lại với nhau. Thực sự điều này hơi có phần… mạo hiểm vì chỉ cần một mắt xích lỏng ra là chương trình sẽ gặp vấn đề. Nhưng đến nay mọi chuyện vẫn diễn biến trên tinh thần đoàn kết hài hòa, chứng minh cho thấy Hội luôn quan tâm đến tất cả các thành viên tham gia Lễ hội trên tinh thần bình đẳng công bằng và tuyệt đối không trở thành một tổ chức cục bộ.
Chúng tôi kỳ vọng đến một Lễ hội tri ân tổ nghiệp 2013, 2014… cũng sẽ tiếp tục với định hướng này khi mô hình mới chứng tỏ hướng đi đúng, chứng tỏ sự hữu ích, lý thú cho mọi người và là tiếng nói của tất cả những ai đã, đang và sẽ làm nghề tóc.
Xin được hỏi ở cương vi Trưởng ban tổ chức, bí quyết để cá nhân chị “link” mọi đối tượng và cùng ngồi lại với nhau, cùng lắng nghe và làm việc với nhau ?
Tôi nghĩ đơn giản mọi tổ chức, cá nhân đều có mặt mạnh, mặt yếu của mình, nhưng bất kỳ ai cũng có những điểm tốt. Quan trọng là khơi được cái mạnh, cái tốt của đối tượng để tất cả cùng có thiện ý làm việc với nhau. Riêng cá nhân tôi, trong vai trò tạm gọi là “điều phối”, đại diện cho Hội, tôi luôn cố gắng để làm việc vì một chữ “chung”, chứ không vì quyền lợi cá nhân hay vì bất kỳ đối tượng nào. Khi chúng tôi minh bạch và không vị kỷ, vị lợi, thì mọi người sẽ không e ngại đối thoại hay đắn đo trong việc cùng chúng tôi thiết lập những đường dẫn, những cơ hội để cùng nhau xây dựng và phát triển giá trị mới của nghề.
Rất cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở!