Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống một người nào đó ngỏ lời nhờ bạn cho mượn tiền. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể sẵn sàng giúp đỡ nếu họ không có lý do thực sự chính đáng. Và bạn cảm thấy thật khó để nói câu từ chối. Phải làm sao đây?
Từ chối khéo léo sẽ giúp cho bạn không đánh mất những mất quan hệ cũng như tránh được những rắc rối, đồng thời cũng không làm cho người muốn mượn tiền bạn cảm thấy khó chịu và mất mặt.
1.Nói khéo
Để từ chối cho mượn tiền thì cách đơn giản và phổ biến nhất là nói khéo rằng mình đã hết tiền vì phải mua một vật dụng gì đó hay đóng những khoản tiền cần thiết cho gia đình. Chị Ngọc Linh (Q. Tân Bình) cho biết: “Khi muốn từ chối cho mượn tiền, mình thường lấy lý do là vừa đóng tiền điện tháng này hay là vừa mua chiếc máy quạt mới, hay dành tiền để mua quà sinh nhật cho ông xã,… nên hết tiền, không cho mượn được. Nói như thế thì bạn mình cũng tỏ ra thông cảm và hiểu cho mình hơn.” Tuy nhiên, khi dùng cách này, bạn phải đưa ra một lý do hết tiền thật chính đáng và không nên lặp lại cách này quá nhiều lần.
2.“Sao anh, chị không nói sớm?…”
Từ chối theo cách này yêu cầu bạn phải thật khéo léo và tỏ ra “thành thật”. Nếu bạn bè hay đồng nghiệp muốn mượn tiền mà bạn chưa biết từ chối thế nào thì bạn có thể nói rằng: “Sao anh/chị không nói sớm, em vừa cho chị A mượn tiền rồi!” đồng thời tỏ ra tiếc nuối vì không thể giúp đỡ người đó. Với cách làm này thì người đó không thể trách bạn “keo kiệt” vì không phải bạn không muốn cho mượn tiền mà chỉ là bạn đã cho người khác mượn rồi.
3.Than vãn
Với một số người hay mượn tiền bạn mà bạn biết trước người đó sắp ngỏ lời mượn tiền thì bạn có thể dùng cách than vãn hết tiền với chính người đó. Đây là “chiêu” từ chối cho mượn tiền mà chị Thu Hiền (Chùa Bộc) tán thành: “Với những người có “sở thích” mượn tiền thì mình giả vờ than vãn hết tiền, cháy màng túi với chính người đó thì chẳng còn lý do gì để họ tiếp tục ý định mượn tiền mình. Ai lại đi mượn tiền một người đang “khổ sở” vì hết tiền!”. Nhưng bạn nên nhớ chỉ than vãn với những ai “thích” mượn tiền bạn thôi nhé, đừng áp dụng chiêu này với mọi người vì như thế sẽ khiến bạn trở thành người thích than vãn chuyện tiền nong trong mắt mọi người đấy!
4.“Tiền “nhà” em giữ hết rồi…”
Cánh đàn ông thường vì ngại hay vì sĩ diện nên không biết từ chối thế nào cho khéo khi bạn bè, đồng nghiệp muốn mượn tiền. Cách dễ dàng và tránh làm mất lòng nhất là nói với người muốn mượn tiền bạn rằng: “Em muốn giúp anh lắm nhưng tiền “nhà” em giữ hết rồi. Anh thông cảm nhé!”. Phụ nữ thường là người quản lý tiền bạc trong gia đình nên người bạn đó sẽ không thể “bắt bẻ” gì khi bạn đưa ra lý do này. Và tất nhiên là người bạn của bạn chẳng dại gì mà “làm phiền” đến “nhà” bạn để mượn tiền đâu!
5.Vỏ quýt dày, móng tay nhọn
Với những người thường xuyên mượn tiền mà không hề thấy ngại khiến bạn cảm thấy khó chịu thì bạn nên tìm cách thay đổi “tâm lý” này. Bạn có thể giả vờ để quên ví trong lúc đi ăn chung với người đó và mượn tiền người đó để thanh toán. Ngay sau đó, bạn hãy hoàn trả lại số tiền đã mượn trong thời gian sớm nhất kèm theo lời “nhắn nhủ”: “Phiền bạn quá, mình ngại nhất là mượn tiền của người khác. Cảm giác như đang làm phiền người khác vậy! Cảm ơn bạn nhé!”. Có thể người bạn của bạn sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ và hạn chế mượn tiền bạn hơn.
6.Đừng tỏ ra “cần là có”
Mượn tiền đôi khi là một “thói quen” của ai đó nhưng cũng có khi thói quen đó hình thành dựa trên cách cư xử không khéo léo của bạn. Để tránh việc thường xuyên bị mượn tiền và không phải “nát óc” nghĩ cách từ chối sao cho không mất lòng thì bạn không nên biến mình thành nơi mượn tiền “cần là có” và cho mượn quá dễ dàng. Khi mượn tiền quá dễ dàng thì “nguy cơ” bạn tiếp tục bị mượn tiền là rất cao. Từ chối một cách khéo léo và hợp lý sẽ khiến bạn tránh được những rắc rối không cần thiết.
FFenh