Các tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên rất tài hoa và điệu nghệ, họ từng có tiếng là “Thăng Long đệ nhất kéo,” cắt tóc như múa. Từ Bắc tới Nam, đâu đâu cũng có người làng Kim Liên thành danh với nghề cắt tóc.
Cắt tóc – một nghề nằm trong trăm nghề của kẻ chợ xưa kia. Ở làng Kim Liên khi ấy, nghề cắt tóc được “tôn vinh” như một nghề cao đẹp vang bóng một thời của kinh thành Thăng Long xưa, từng đi vào trong ca dao: “Kim Liên xanh vỏ đỏ lòng/Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”. Từ Nam chí Bắc, nói tới thợ cạo làng Kim Liên ai ai cũng biết tiếng. Trải qua hơn 500 năm, đến nay nghề cắt tóc đã trở thành nghề truyền thống của làng Kim Liên.
Làng nghề cắt tóc giữa Thủ đô
Theo các cụ truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đến dự. Lý trưởng đã nhờ thầy “xem” cho làng làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cạo mặt, cạo… tóc trái đào cho trẻ con liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Từ đó, làng cắt tóc Kim Liên trở thành nổi tiếng.
Thợ cắt tóc Kim Liên thường cắt cho nam giới kiểu tóc nồi đất, trẻ em kiểu chỏm trái đào, nhưng đến thời Pháp thuộc, kiểu cắt tóc đã có sự thay đổi lớn. Từ năm 1954 đến 1968, nghề cắt tóc của làng Kim Liên phát triển mạnh, nhiều “tay” cắt tóc của làng đã trở thành nổi tiếng, bắt đầu vươn ra làm ăn ở khắp các phố phường đất Hà thành.
Những đôi bàn tay khéo léo vừa “múa kéo” vừa “múa lược”
Các tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên rất tài hoa và điệu nghệ, họ từng có tiếng là “Thăng Long đệ nhất kéo,” cắt tóc như múa. Tiếng lành đồn xa, không chỉ làm tại các hiệu nổi tiếng ở Hà thành mà người dân làng đã đi các tỉnh lân cận để mở hiệu. Từ Bắc tới Nam, đâu đâu cũng có người làng Kim Liên thành danh với nghề cắt tóc.
Đến làng cắt tóc Kim Liên, khách hàng không thể quên được tài “hóm hỉnh” của những người thợ cắt tóc. Vào nghề, điều đầu tiên họ được học không chỉ là cầm kéo làm đẹp mà còn là thái độ làm thế nào để người cắt tóc vui vẻ, thoải mái mới là thành công. Đó là nghệ thuật tạo “tình cảm” với khách hàng của làng nghề này.
Ngay dưới mái hiên, trước sân đình những trai làng Kim Liên bắt đầu phô diễn ngón nghề tài hoa
Khôi phục làng nghề
Thế nhưng, thiên hạ lắm người vẫn nghĩ cắt tóc tầm thường. Chỉ cần sắm lấy cái gương, ít đồ dao kéo, tông đơ thì ai cũng làm thợ cắt tóc được. Sự mặc cảm với ý nghĩ rằng, nghề cắt tóc là một nghề hèn kém, nghề cùng đường của những ai sa cơ lỡ vận… đã ăn sâu vào trong tiềm thức lớp thanh niên làng Kim Liên. Vậy nên, đã có lúc nghề cắt tóc truyền thống của làng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Buồn trước nghề truyền thống bị mất đi, ý tưởng khôi phục làng nghề được ông Bùi Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phương Liên cùng với các cụ cao niên trong nghề lên kế hoạch thực hiện. Vậy nên, từ năm 2005, trong ngày hội Đền – Đình Kim Liên (từ 13/3 đến 16/3 âm lịch), những anh phó cạo lại có dịp khua lược vẫy kéo, trưng trổ ngón nghề đã mang lại tên tuổi cho làng trong cuộc thi “Tay kéo vàng” sôi động.
Cuộc thi không chỉ có giá trị chọn ra những người thợ khéo léo, tài hoa, mà điều quan trọng nhất và ý nghĩa nhất mà nó làm được, đó là nó nhắc nhở người làng Kim Liên, thế hệ trẻ Kim Liên, rằng Kim Liên đã từng có một nghề truyền thống rất mực tài hoa…
Bảy năm nhìn lại, nỗi niềm đau đáu của những nghệ nhân kéo làng dành cho nghề truyền thống đã ít nhiều được vợi bớt, khi lớp thanh niên trong làng đã bắt đầu quay lại với nghề, yêu và sống bằng nghề. Giờ đây, cả làng Kim Liên có hơn 200 thợ cắt tóc, có những gia đình có cả ba, bốn thế hệ cùng hành nghề.
Tuy nhiên khác với mọi năm, năm nay làng Kim Liên không tổ chức thi tài giữa các tay kéo, mà chỉ tổ chức Trình diễn “Hội làng nghề cắt tóc Kim Liên” vào chiều ngày 15/3 âm lịch như một dịp để khách thập phương thử tay nghề tài hoa của những trai làng Kim Liên và cũng để quảng bá và phát triển một làng nghề truyền thống của người Hà Nội. Những du khách đến tham dự đều được các “tay kéo vàng” phục vụ miễn phí.