ĐÓ ĐÂY – Khi xem các bộ phim cổ trang về triều đại nhà Thanh, Trung Quốc, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với bộ tóc khá kỳ lạ của cánh mày râu với phần trước được cạo nhẵn thín, phía sau là bím tóc đuôi sam dài thượt.

Vì sao đàn ông bấy giờ lại để bộ tóc độc đáo, kỳ lạ như vậy? Ý nghĩa thực sự của nó ra sao?



Kiểu tóc đuôi sam đặc trưng của đàn ông dưới triều nhà Thanh, Trung Quốc

Vương triều Thanh do người Mãn Châu sáng lập và thống trị. Dân tộc này vốn có tên gọi là Nữ Chân. Vào năm 1664, sau khi lật đổ nhà Minh, tộc người này bắt đầu xây dựng chính quyền thống trị toàn cõi Trung Quốc, lập ra vương triều nhà Thanh trong lịch sử phong kiến.

Để xóa nhòa được ảnh hưởng sâu đậm của phong tục, tập quán Hán tộc đã ăn sâu vào tiềm thức dân chúng, giai cấp thống trị Mãn Thanh không chỉ thiết lập cơ cấu chính quyền các cấp, mà còn ban hành hàng loạt quy định về văn hóa tập tục, nhằm truyền bá sâu rộng quyền uy, sức ảnh hưởng của dân tộc mình trong đời sống xã hội.

Trong số ấy, ngoài quy định bắt phụ nữ từ bỏ tục bó chân theo kiểu “kim liên tam thốn” (gót sen ba tấc), thay đổi trang phục, người Mãn còn ép buộc đàn ông trong thiên hạ cắt tóc cạo đầu theo tập quán của dân tộc mình. Lệnh này ban ra rộng rãi và siết chặt kỷ cương. Những ai trái lệnh, có thể bị xử tử. Vì lẽ ấy, dân gian bấy giờ mới lưu truyền câu nói: “Không để tóc còn đầu, còn tóc mất đầu”. Dù bất mãn và phản kháng dữ dội, nhưng cuối cùng người Hán vẫn phải thuận theo quy định của triều đình.

Sở dĩ, nhà Thanh ban hành quy định này vì bộ máy thống trị hy vọng đánh bại tinh thần dân tộc hằn sâu trong nếp nghĩ của người Hán, đặc biệt là những nhân sĩ ở tầng lớp cao trong xã hội. Cùng với đó, người Mãn cũng khát khao củng cố, duy trì địa vị thống trị của mình trên toàn bờ cõi và không muốn bị đồng hóa bởi tộc Hán. Và thực tế lịch sử cho thấy, những chính sách nghiêm ngặt này của nhà Thanh đã gặt hái những thành quả đáng kể. Bách tính dần phải thuận theo, không chỉ trong cách ăn vận mà ở đầu tóc.

Đặc điểm của bộ tóc kỳ lạ này là phần tết bím có độ dài tùy ý, nhưng vùng còn lại trên đầu phải cạo sạch. Vì vậy, tần suất để “vệ sinh” đầu tóc của cánh mày râu phải rất thường xuyên. Một khi tóc phía trước mọc lên nhiều, vừa khó nhìn, vừa bị xem là phạm pháp. Tần suất chăm chút cho mái tóc của họ thường là “5 ngày tết một lần, 10 ngày cạo một bận”. Nghĩa rằng, chỉ trong 10 ngày, cánh mày râu sẽ phải cạo tóc một lần.

Trong số ấy, để chăm chút mái tóc cho hoàng đế đòi hỏi phải rất kỳ công và cẩn thận. Thời gian cạo tóc buộc phải chọn đúng thời điểm mặt trời ở góc Đông Nam. Cung đình nhà Thanh đặt ra nhiều quy định thú vị với những người chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc mái tóc cho đấng thiên tử. Khi vào cung, người này buộc phải kinh qua bước kiểm tra nghiêm ngặt, trút sạch y phục của mình và thay bằng trang phục do hoàng thất đặc chế, rồi được thái giám dẫn tới gặp hoàng đế. Trong quá trình cạo, thị vệ của vua sẽ đứng ngay cạnh, chăm chú dõi theo tay cầm dao của người thợ. Nếu phát hiện có hành động bất thường, thị vệ sẽ lập tức bắt giữ kẻ “to gan lớn mật”.

Trong cung còn quy định, người thợ cạo chỉ được phép dùng tay phải cầm dao. Nếu không cẩn thận, làm rách da đầu, gây chảy máu, dù chỉ một chút, ngay lập tức người thợ sẽ bị xử tội. Bất luận là cạo đầu hay cạo mặt, cũng chỉ được phép đưa lưỡi dao theo chiều thuận.

Tựu chung lại, những ai được giao trọng trách nặng nề này luôn phải đối mặt với vô vàn áp lực. Chỉ một phút lơ là, bất cẩn, họa bất khôn lường. Ngược lại, với những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẽ được ban thưởng tiền vật hậu hĩnh, xứng đáng.

Thói quen đầu tóc này tồn tại tới thời cách mạng Tân Hợi, sau khi nhà Thanh sụp đổ trở nên mai một và không còn lưu truyền trong xã hội.

Theo Kienthuc.net.vn

Exit mobile version