Thi thoảng, trên các tạp chí thời trang hay giải trí lại xuất hiện thông tin về lễ giỗ tổ của  một vị tổ nghề, ngành tóc cũng vậy, vừa mới thấy trong Nam có lễ giỗ tổ nghề, đã lại thấy Liên hiệp ngành tóc phía Bắc tổ chức dâng hương trong lễ giỗ tổ. Vậy, câu trả lời thoả đáng cho lai lịch của vị tổ ngành tóc nằm ở đâu?

Người Việt cắt tóc từ khi nào?

Theo dã sử và chính sử thì từ thời Hùng Vương dựng nước, người Việt đã có tục để tóc dài, búi tóc, hoặc cắt ngắn. Điều này rất dễ hiểu vì mái tóc dài ra theo năm tháng, nếu không tìm mọi cách để cắt ngắn chúng đi, con người sẽ sinh hoạt rất bất tiện với mái tóc nặng trĩu trên đầu.

Tuy nhiên, thời kỳ này, công cụ cắt tóc chỉ là những kim khí đơn giản bằng đồng hay bằng sắt chủ yếu được sử dụng cho lao động sản xuất và tự vệ.

Sự phát triển hưng thịnh đạo Phật vào thời Lý đặt ra một câu hỏi: Ai cạo đầu cho các sư và dùng vật gì để cạo? Dụng cụ ở đây chắc chắn là kim khí, bởi thời Lý,công nghệ đúc đồng, luyện kim cũng rất phát triển. Tuy nhiên, thời kỳ này, cắt tóc chưa phải là một nghề và có lẽ vì thế mà không có chứng cớ nào thuyết phục rằng ông tổ nghề tóc ra đời từ thời kỳ này.

Vậy tổ nghiệp ngành tóc là ai, xuất hiện khi nào?

 Một trong những điểm nhấn của phong trào Duy tân năm 1905 là lời kêu gọi đàn ông bỏ búi tó củ hành, bỏ đuôi sam và cắt tóc ngắn, nhằm hưởng ứng mục tiêu “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh ”. Thanh niên, học sinh, sinh viên tập trung từng đoàn, từng tốp khắp từ Nam ra Bắc với kéo và tông đơ trên tay, ca vang bài hát  Húi hè! – Húi hè! Húi hè! Bỏ cái ngu này, bỏ cái dại này. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo, húi hè!…Đã có lúc họ bị thế lực phản động gọi là giặc tông đơ, giặc húi hè hay giặc đồng bào… Chí sĩ Nguyễn Quyền (1886 – 1941) còn nổi tiếng bởi hai câu thơ : Phen này cắt tóc đi tu/  Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân.

Như vậy, với sự xuất hiện của các dụng cụ chuyên biệt phục vụ cho việc cắt tóc, có thể nói, cắt tóc chính thức được coi là một nghề ở thời kỳ này.

Vậy ai là người Việt Nam đầu tiên biết đến các phương tiện cắt tóc hiện đại và áp dụng chúng để làm nghề, đem lại thu nhập cho bản thân ? Cho đến nay, lịch sử Việt Nam chưa có ghi chép nào khẳng định điều này nhưng có một quan điểm chung cho rằng: nghề làm tóc ở Việt Nam được lan truyền bởi các bà đầm Pháp. Những người này đã mang theo các dụng cụ chuyên biệt từ phương Tây sang Việt Nam và hướng dẫn những người Việt cắt cho mình. Có thể từ đây, người Việt đã học được cách sử dụng công cụ làm tóc và áp dụng chúng trên quan điểm văn hoá, thẩm mĩ của mình.

Sự xuất hiện ngành tóc ở ba miền Bắc – Trung – Nam còn nhiều tranh cãi, vì vậy mà những lễ tri ân tổ nghiệp giữa ba miền được tổ chức vào những thời điểm khác nhau. Dù vậy, những người làm nghề đều gặp nhau ở tấm lòng tri ân và ngưỡng vọng với người đã khai sinh và phát triển cắt tóc thành nghề với tên gọi : Nghề làm tóc.

Mun

Exit mobile version