Bi Talentueux – Tên thật là Nguyễn Đăng Tiến. Hiện là Giảng viên Tiếng Anh của trường Học viện Ngoại Giao và đang du học tại Wellington, New Zealand. Với tuổi đời còn rất trẻ, Bi đã được nhận làm giảng viên của Học viện Ngoại giao ngay khi vừa ra trường, nhưng đó không phải là tất cả, bởi chàng trai này còn là một nhạc công có hạng, được đứng trên các sân khấu lớn từ cấp đoàn thể đến cấp chính phủ từ khi còn rất nhỏ. Nếu không phải là một Giảng viên, có lẽ bạn đã trở thành một nhạc công, một nhà thiên văn học hoặc một vũ công giỏi. Có dịp tiếp cận một con người tài năng như thế, chúng tôi đã cố gắng “moi” những thông tin về cá nhân anh chàng, cả những tâm sự, những chuyện mà anh chưa từng kể…
Phóng viên: Chào Bi, cũng đã là một khoảng thời gian rất dài kể từ mùa Đông năm ngoái, khi tôi được chứng kiến bạn chơi Violin. Từ đó đến nay có vẻ như mọi thứ đã thay đổi nhiều, bạn có thể chia sẻ những xáo trộn lớn trong khoảng thời gian đó được không ?
Xin chào Tạp chí Tóc đẹp và bạn đọc! Mùa đông năm ngoái mình còn đang ở dàn nhạc B-Symphony nhưng sau đó do phải tập trung vào việc học để ôn thi tốt nghiệp thì mình đã phải chia tay dàn nhạc rồi. Thật sự mà nói thì từ đó đến giờ cuộc sống của mình thay đổi khá nhiều. Trong thời gian đó mình đã rất hạnh phúc khi tìm cho mình được một định hướng nghề nghiệp lâu dài đó là trở thành một giảng viên đại học và hiện tại mình đang theo một khóa học ngắn hạn tại New Zealand để tháng 10 tới có thể trở về giảng dạy tại Học viện Ngoại giao.
Phóng viên: Từ một sinh viên, bạn trở thành một Giảng viên khi tuổi đời còn rất trẻ, điều đó có khiến bạn già đi hoặc buộc phải già đi không ?
Thật sự đã có rất rất nhiều người nói với mình: “Trời ơi, thầy giáo trẻ như thế này thì sinh viên học sao được”?. Nhưng mình nghĩ đó là một lợi thế đó chứ. Vì mình nghĩ thầy giáo trẻ sẽ dễ dàng hiểu được tâm lý sinh viên. Hơn nữa, mình vừa ra trường, chỉ cách đây vài tháng thôi, mình vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường như các em ấy. Vì vậy mình sẽ giảng dạy theo những phương pháp của một người thầy mà mình nghĩ rằng khi còn là sinh viên mình mong ước có một người thầy như vậy. Nói cách khác, mình sẽ tâm lý với sinh viên hơn. Đôi khi các bạn sinh viên gọi mình là thầy, mình cũng thấy già đi và có chút buồn cười thế nào ấy. Nhưng nghĩ lại thì điều đó cũng thú vị mà, mình sẽ sớm quen thôi, vì mình cảm thấy mình đã đạt được ước mơ trở thành thầy giáo.
Phóng viên: Bạn chia sẻ thêm về cuộc sống tại Wellington đi, nơi đó thế nào ? Bạn có gặp khó khăn gì khi tiếp cận với một nền văn hóa mới hay không ?
Wellingtonư? Không có gì để miêu tả được ngoài hai chữ “tuyệt vời”. Mình thật sự bị cuộc sống ở thành phố này mê hoặc. Con người ở đây thân thiện và lịch sự vô cùng, họ sẵn sàng nở nụ cười với một người họ chưa từng gặp. Môi trường của Wellington rất sạch sẽ và trong lành. Mình nghĩ vị trí thứ 3 trên bảng xếp những vùng đất yên bình nhất thế giới đã nói lên tất cả về sức hấp dẫn của Wellington cũng như đất nước New Zealand rồi. Văn hóa New Zealand cũng khá dễ để người nước ngoài hòa nhập nên mình không gặp quá nhiều khó khăn.
Phóng viên: Bạn đặt mục tiêu gì cho ngày trở về ?
Mình sẽ trở thành giảng viên của Học viện Ngoại giao ngay khi trở về Việt Nam vào tháng 10 này. Mục tiêu lâu dài của mình đó là phấn đấu để được giảng dạy tại trường, tích lũy kinh nghiệm và 2 năm sau mình sẽ tiếp tục quay lại Wellington để theo học thạc sĩ ngôn ngữ học. Và sau đó ư? Chắc chắn mình sẽ quay trở lại và giảng dạy ở Học viện Ngoại giao. Vì mình đã quá yêu ngôi trường này mất rồi.
Phóng viên: Sắp tới bạn có kết hợp giữa việc hoàn thành tốt nhiệm vụ Giảng viên và một dự án nào khác hay không ?
Mình đang ấp ủ thực hiện một clip cover, trong đó một mình mình sẽ chơi tất cả các nhạc cụ mà mình biết và hòa tấu vào thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Có thể mình sẽ có sự trợ giúp của em trai mình nữa, một tay trống trẻ đầy nhiệt huyết. Và mình sẽ thực hiện quay clip này ngay khi trở về Việt Nam.
Phóng viên: Vậy ngoài chơi nhạc cụ và sư phạm, bạn còn có sở trường nào khác không?
Có chứ, mình là một người thích tìm tòi và học tập. Mình đã từng là một Bboy trong quãng thời gian còn là học sinh. Mình cũng học Taekwondo, bơi lội, thiên văn học, nhiếp ảnh trong một thời gian khá dài và đến giờ mình vẫn còn duy trì. Mình muốn biết thật nhiều thứ, nhưng tất nhiên không phải là mỗi thứ biết một ít. Mình muốn hiểu biết thật nhiều nhưng mình luôn phấn đấu để đạt được đến một trình độ nhất định nào đó. Mình không có thói quen bỏ dở giữa chừng hay tự hài lòng với bản thân. Vì như vậy thì thật là phụ lòng cha mẹ đã ủng hộ và tạo điều kiện cho mình.
Phóng viên: Âm nhạc là một phần cuộc sống, nhưng có vẻ như bạn đang “từ bỏ” nó để đi theo chuyên ngành của mình ? Ngoài Violin bạn còn chơi được loại nhạc cụ nào khác không?
Ồ không, mình sẽ không bao giờ từ bỏ bất cứ một sở trường nào mà mình đã học được. Mình sẽ duy trì nó, vì âm nhạc là một món ăn tinh thần không thể thiếu của mình. Ngoài violin ra, mình có thể chơi guitar, piano, organ và mình cũng đang học thêm trống. Violin là nhạc cụ mình cảm thấy thích nhất và mình nghĩ là sở trường mạnh nhất của mình. Nhưng thật ra violin mình mới học từ năm lớp 11 thôi. Tuổi thơ của mình gắn liền với cây đàn guitar và piano.
Phóng viên: Chức danh đội trưởng đội nhạc cụ của CLB âm nhạc Học viện Ngoại giao là một kỉ niệm đẹp, bạn có thể nói rõ hơn về chức danh này không ?
Đó là một trong những điều mình cảm thấy tự hào nhất trong quãng đời làm sinh viên. Và thật vui là mình tiếp tục được ở lại trường làm giảng viên để có thể duy trì chức vụ này. Đội nhạc cụ của mình thuộc CLB âm nhạc Học viện Ngoại giao và chức vụ của mình là quản lý thành viên và lo việc biểu diễn cho đội.
Phóng viên: Mình thấy ở phương Tây rất nhiều nghệ sĩ lớn sẵn sàng ra phố để chơi nhạc, bạn có nghĩ mình sẽ làm vậy không ? Vừa để kiếm tiền, vừa để thể hiện mình ?
Haha, thật sự ở Việt Nam thì mình không thể làm vậy vì dù sao người dân mình cũng không quen với hình ảnh đó. Nhưng bạn biết không, khi mình sang Wellington thì mình vô cùng ngạc nhiên vì rất nhiều người nhạc công giỏi nhạc ngoài phố. Theo mình tìm hiểu thì đa phần họ không phải là những người chơi nhạc ngoài phố để kiếm tiền. Họ chỉ ra đường để tập nhạc là chính và kiếm tiền chỉ là cho vui mà thôi. Một công đôi việc ấy mà!
Phóng viên: Mình hỏi nhỏ nhé, Bi Talentueux nghĩa là gì ?
Talentueux tiếng Pháp có nghĩa là tài năng đó bạn. Nhưng mình chỉ đặt vì từ đó phát âm nghe hay thôi chứ không phải mình tự nhận mình tài năng đâu nha. Haha.
Xin cảm ơn Bi về buổi trò chuyện rất thú vị này, chúc cho mọi ước mơ của bạn trở thành sự thật nhé!