Tuổi thơ của cư dân 7x, 8x hay 9x đời đầu, luôn gắn liền với những chiếc ghế gỗ của những người thợ cắt tóc vỉa hè. Khi ấy đâu có nhiều salon để lựa chọn như bây giờ, thợ cắt tóc cũng nghèo mà người đi cắt tóc cũng nghèo. Thế nhưng trải qua hàng ấy năng “sinh tồn” với sự đi lên của thời trang, điều kiện sống, những hàng cắt tóc vỉa hè ở Hà Nội vẫn đông nghịt khách. Vấn đề không còn là tiền nữa, mà là ở đó, cho họ cái cảm giác thân thuộc và bình dị hơn. Nhiều đại gia sẵn sàng đỗ xịch chiếc xe 4 bánh mới tinh của mình trước một ông thợ cạo già, chỉ để mong kiếm lấy 15 phút thư thái dưới cây kéo già ấy. Những hình ảnh đó gợi lại cho chúng ta một chút trầm tư và băn khoăn hơn về cái nghiệp cắt tóc nam đầy thách thức này.

Vỉa hè đường Thái Thịnh là nơi tập trung nhiều người thợ cắt tóc nhất, tầm 20, 30 chiếc ghế dọc ngang cả con phố, tạo ra một cảnh quan vừa cổ kính và thân thuộc với người dân Hà Nội. Trong số những người thợ cạo ở đây, cũng có những người dư sức mở được một cái salon cho bằng bạn, bằng bè, tuy nhiên họ chọn gửi gắm sự nghiệp của mình trên cái vỉa hè này. Có rất nhiều lý do để giải thích, đầu tiên là họ không mất quá nhiều tiền để đầu tư cho một “cửa hiệu” cắt tóc chừng vài mét vuông, với chiếc gương, tông đơ, kéo, ghế (đã “xịn” hơn xưa, vì có lớp đệm), tất cả cũng chỉ chừng vài triệu. Giá cắt tóc cũng mềm hơn phân nửa so với salon, chỉ khoảng từ 30 đến 40.000 là đã có được một kiểu đầu đẹp, hợp thời, được chè thuốc, đọc báo, nói chuyện rất thoải mái. Giữa chủ và khách không có bất kì khoảng cách nào, đây cũng là vấn đề rất lớn của salon. Salon bao giờ cũng kén khách và cầu kì. Mặt khác, cái mà những người thợ cạo ở đây thu được ngoài niềm vui còn là tiền bạc. Có bác tâm sự, vào những thời kì cao điểm, làm một tháng được 10 triệu là chuyện bình thường. Nếu có tay nghề cộng với khéo léo dẫn chuyện với khách thì có những ngày cắt mỏi tay. Điều rất đặc biệt ở khu phố cắt tóc vỉa hè này là không ai bảo ai, mọi người đều rất nhường nhịn, ít cạnh tranh. Buôn có bạn, bán có phường, mọi người đều “ra đường kiếm sống” và việc bảo ban nhau làm việc, hỗ trợ nhau là chuyện ai cũng làm. Chưa kể, đằng sau những cây kéo là những câu chuyện đời, “cũng là dựa vào nhau mà sống” – Bác Tuấn, một người thợ cắt tóc ở phố Thái Thịnh tâm sự.

Nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất là chuyên môn. Nhiều người thợ tại đây kể chuyện, ngoài việc chiều theo ý khách, họ vẫn phải thường lên mạng, đọc tạp chí để có thể cập nhật những xu hướng mới nhất của làng thời trang, để khi khách yêu cầu thì không được phép bỡ ngỡ và phải phục vụ tận tình và chuẩn xác nhất. Có một câu hỏi đặt ra là những chiếc ghế ở đường Thái Thịnh sẽ tồn tại được bao lâu, chưa nói đến chuyện độc tôn hay không, khi mà Salon ngày một nhiều và những người thợ thì ngày một giỏi ? Hàng chục năm nay người ta vẫn đi tìm câu hỏi, nhưng có vẻ như chẳng ai quan tâm đến đáp án, bởi vì sở thích của mỗi người khách nhau. Và đôi khi, trong nghề cắt tóc, chuyên môn chỉ là một phần, cũng còn nhờ vào cái duyên nữa.

C.O.K.E

Exit mobile version