Giờ đây, cánh mày râu cũng đã ý thức được việc làm đẹp cho tóc quan trọng như thế nào trong việc xây dựng hình ảnh – hướng đến một quý ông hiện đại và lịch lãm.

1. Gội đầu

Việc gội đầu là bước cơ bản trong việc chăm sóc tóc và da đầu. Mục đích của việc làm này là gột sạch bụi bẩn, chất nhờn, mỹ phẩm và lớp tế bào sừng bong tróc từ da đầu. Thường các chuyên gia khuyên nên gội 2 ngày/lần. Nhưng mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, tóc dễ bám bẩn, bạn có thể gội mỗi ngày.

Thao tác khi gội cũng rất quan trọng. Bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định cho việc xoa bóp và làm sạch da đầu. Tuyệt đối tránh việc vội vàng mà làm nhanh, ẩu. Nếu bạn gãi quá mạnh tay sẽ gây ra trầy xước làm tổn thương tóc và da đầu. Sau khi gội xong, xả kỹ với nước, tuyệt đối không để dầu gội còn bám trên tóc sẽ sinh ra gàu.

Rất nhiều đàn ông nghĩ rằng việc dùng dầu xả cho là không cần thiết. Nhưng trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm như hiện nay, tóc rất dễ bị tổn thương vì vậy thêm một chút dầu xả cho tóc sẽ giống như bạn tráng ra ngoài một lớp bảo vệ, khiến tóc tránh được những tác động xấu từ bên ngoài.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại dầu gội và xả khác nhau dành cho tóc khô, tóc nhờn, trị gàu, dưỡng tóc… Tùy vào từng loại tóc và mục đích sử dụng, bạn có thể dễ dàng bộ sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp.

2. Tạo kiểu

Sản phẩm tạo kiểu như gel, sáp, wax… đã từ lâu không còn thuộc độc quyền của phái đẹp. Với mái tóc ngắn được cắt tỉa cẩn thận, các chàng rất cần sản phẩm tạo kiểu để mái tóc vào nếp và tạo ra nhiều style tóc khác nhau tùy vào hoàn cảnh, công việc.

Nếu không biết chọn sản phẩm gì, sau khi cắt bạn hãy nhờ chính người thợ của mình tư vấn cho cách làm đẹp tóc hàng ngày. Hoặc hãy nói rõ với người bạn hàng điều bạn cần ở mái tóc để họ có thể chọn dùm bạn. Việc vuốt tóc tạo kiểu ban đầu cũng sẽ có vài khó khăn, mái tóc không nào nếp như ý nhưng bạn hãy kiên nhẫn, hãy làm theo đúng chỉ dẫn và quan sát cách người thợ thao tác. Hãy nhớ “chăm hay không bằng tay quen”, chăm chỉ thực hành biết đâu bạn sẽ làm chuyên gia trong lĩnh vực này.

Và cho dù thế nào, bạn hãy sử dụng sản phẩm tạo kiểu cho tóc một cách điều độ và khoa học. Hàng ngày bạn chỉ nên dùng một lượng vừa đủ cho mái tóc và dừng ngay việc dùng sản phẩm đó nếu thấy tóc có vấn đề.

3. Theo dõi thường xuyên tình trạng của tóc

Bạn có tin mái tóc cũng có lúc “ốm” không? Đó là lúc tóc nẩy sinh những vấn đề như da đầu bị gàu, ngứa, tóc chẻ ngọn, rụng nhiều… Đừng lờ qua những dấu hiệu này khi nó còn chưa trầm trọng. Tóc “ốm” thể do nhiều nguyên nhân như: sử dụng hóa chất hay kỹ thuật làm đẹp tóc không đúng, tác động của môi trường, nguồn nước nhiều clo hoặc nhiễm phèn… Ngoài ra, các loại thuốc trị bệnh như vitamin A liều cao, thuốc chống động kinh, thuốc chống ung thư, mất ngủ hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng gây ảnh hưởng đến tình trạng của tóc.

Hãy hỏi ý kiến chuyên gia và tiến hành điều trị ngay lập tức, dứt điểm. Nếu để lâu, tình trạng xấu trên tóc không những làm ảnh hưởng đến bề ngoài của bạn mà còn có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như hói hoặc stress. Bạn biết không có một sự liên quan mật thiết giữa chứng trầm cảm và rụng tóc đấy. Vì vậy, bạn nên giữ sức khỏe tốt và bảo đảm tinh thần luôn thoải mái.

4. Cắt tóc thường xuyên

Tóc đàn ông cần được cắt tỉa nhiều hơn phụ nữ, trung bình xấp xỉ khoảng 4 – 6  tuần bạn nên cắt tóc một lần. Sau khoảng thời gian này tóc sẽ bị mất form và không hợp với bạn nữa.

Bạn cần có một người thợ cắt tóc ưng ý. Một người thợ cắt tóc giỏi sẽ hiểu ý bạn và giúp bạn có một kiểu tóc phù hợp với mình.

Cần thay đổi kiểu tóc của bạn theo thời gian, hãy thử cắt tóc tại salon nếu bạn đã sẵn sàng thay đổi. Đừng giữ hoài một kiểu tóc đã lỗi mốt, điều đó sẽ làm bạn trông không hợp thời.

5. Bổ sung dưỡng chất

Cũng như cơ thể, tóc rất cần được bổ sung dinh dưỡng. Chế độ ăn uống nhiều thịt, uống café nhiều, hút thuốc của đàn ông có tác động xấu đến tóc. Hãy từ bỏ dần những thói quen xấu này.

Ngoài ra, nếu tóc khô cứng và chẻ ngọn, nên tăng cường lượng a-xít béo cần thiết, có nhiều trong các loại cá và các loại đậu, hạt, quả bơ. Nếu tóc ngày càng ít dần, có thể là do bạn đang thiếu chất sắt hoặc suy giảm chức năng tuyến giáp. Khẩu phần ăn chứa nhiều protein, vitamin E, i-ốt sẽ phần nào giúp ngăn ngừa nguy cơ rụng tóc và kích thích tóc mọc trở lại. Ngoài ra, nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để đảm bảo tóc không thiếu nước.

Exit mobile version