Trò chuyện với nhà tạo mẫu tóc Ngô Huy Hùng, điều mà bạn dễ dàng cảm nhận thấy là tình yêu, sự gắn bó của anh với nghề tóc cũng như đất mỏ Quảng Ninh, nơi nuôi anh nên người và tạo dựng sự nghiệp.

Nhẹ nhàng, từ tốn và thuyết phục, điều mà hẳn anh đã chinh phục rất nhiều khách hàng, đặc biệt là giới chị em, NTMT Hùng chia sẻ cơ duyên của anh đến với nghề tóc cũng như dự định trong tương lai.

Thưa anh, lý do nào đã đưa anh đến với nghề làm đẹp này?

Nói thật, lúc trẻ mình cũng có nhiều dự định và cũng không nghĩ là sẽ gắn bó với nghề này đâu. Một lần tình cờ, mình đến chơi, thăm một cậu em ở thành phố Hải Phòng. Mình được dắt đi cắt tóc của một anh thợ mà trước đó cậu ta đã hết lời ca ngợi về tay nghề “cực đỉnh”. Quả thật, cắt lần đầu mình đã bị chinh phục luôn. Lúc đó là những năm đầu thập niên 90, giới trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ảnh Hồng Kông. Mình nhớ không nhầm là lúc đó kiểu đầu của các diễn viên Quách Phú Thành, Lê Minh, Lưu Đức Hoa…, rất được chuộng. Anh thợ cắt tóc người Hải Phòng đó trước đấy đã học nghề tóc ở Hồng Kông và cắt những kiểu đầu này rất chuẩn. Mình thích những kiểu tóc của anh tạo cho mình đến độ cứ tóc dài ra là lại đến anh cắt. Vậy là cứ tháng đôi lần mình lại kiếm cớ đi Hải Phòng, có khi nói là đi thăm bạn bè nhưng thực chất là đến anh đó cắt tóc.

Rồi mình thấy nghề cắt tóc này thật thú vị. Cắt một mái tóc đẹp, đem lại niềm vui cho mọi người và thu nhập cũng rất ổn. Mình đã tính đến gặp anh thợ cắt tóc ở Hải Phòng kia và xin anh cho theo học. Nhưng xa cách về địa lý, mà điều kiện của mình lúc đó chưa đáp ứng được. Gần nhà mình ở Quảng Ninh có một bác chuyên cắt tóc nam, hành nghề từ thời Pháp, cắt những kiểu đầu nam cơ bản cũng rất ổn, mình đến chỗ bác xin học nghề và gắn bó với cây kéo từ dạo đó. Sau mấy tháng học nghề, mình ra mở tiệm, ban đầu chủ yếu là phục vụ khách hàng nam giới.

Từ một người thợ cắt tóc nam, để trở thành một nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, hẳn anh cũng phải nỗ lực học hỏi rất nhiều?

Đúng vậy. Cuối những năm 90, nhu cầu về một mái tóc đẹp của khách hàng, đặc biệt là chị em bắt đầu tăng đáng kể. Không chỉ là cắt mà mở rộng sang các các dịch vụ làm hóa chất uốn, nhuộm, ép… Mình quyết định đóng cửa tiệm tóc nam và đi học thêm về nghề tóc tại salon của chị Hoàng Nga, Cây kéo vàng nổi tiếng thành phố Hải Phòng lúc đó và cả bây giờ. Có thể nói mình rất may mắn khi gặp được chị Nga, được chị quý và nhiệt tình dìu dắt. Những kiến thức chị truyền thụ cho mình, cùng với những kinh nghiệm tích lũy được, mình đã mở được một salon tóc nho nhỏ, phục vụ nhu cầu làm đẹp đa dạng của khách hàng ở thành phố Hạ Long.

Chính là salon tóc Hùng bây giờ?

Không phải. Salon của mình lúc đó mở được hai năm nhưng rồi phải đóng cửa. Lý do cũng khá buồn cười, mẫu thuẫn với chủ nhà mà chung quy chỉ là mình nhuộm tóc cho chị vợ mà chưa được sự cho phép của anh chồng.

Thấy cứ thuê nhà mở tiệm bị phụ thuộc, chủ nhà o ép vậy cũng không ổn, mình muốn tính kế lâu dài. Cộng với thời gian hai năm làm nghề mình thấy có nhiều kiến thức mình còn còn thiếu. Mình quyết định không mở tiệm lại vội mà vào Sài Gòn học thêm về nghề tóc.

Như vậy, anh có thêm người thầy nữa bên cạnh chị Hoàng Nga. Ai là người được anh tin tưởng, gửi gắm?

Chính là anh Sấm, chủ Salon tóc Sấm Ly Ly, một nhà tạo mẫu tóc không chỉ nổi tiếng về tay nghề mà còn vì cái tâm của anhvới học trò. Mình học được ở anh rất nhiều, không chỉ kiến thức về nghề mà cả cách quản lý salon, điều hành thợ, giao tiếp với khách hàng… Mình học ở salon của anh Sấm được một năm và thực sự rất trân trọng những gì anh đã dậy. Anh vừa như một người thầy, một người anh của mình. Bây giờ có dịp vào TP.HCM, mình luôn ghé salon của anh đầu tiên. Anh em lại có dịp trò chuyện, hàn huyên  về cuộc sống, gia đình, nghề nghiệp…

Chính những điều tiếp thu được từ chị Hoàng Nga, anh Sấm Ly Ly mà mình nghiệm thấy trong nghề này, muốn giỏi thì phải không ngừng phấn đấu, học hỏi. Hiện giờ, mình luôn tranh thủ học thêm tại các khóa tu nghiệm ở nước ngoài. Mình đã đi một số nước châu Á và hy vọng sẽ sớm đặt chân lên các nước châu Âu để tiếp cận với công nghệ làm tóc tiên tiến của họ. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên tham dự các buổi tranning do hãng tổ chức với giảng viên nước ngoài về giảng dậy.

Salon tóc Hùng ở số 3 phố Rạp Hát, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động từ bao giờ thưa anh? Quy mô của salon và điều gì khiến anh nghĩ là nét riêng khiến cho khách hàng đến với anh?

Từ năm 2005. Đây là căn nhà mà vợ chồng mình mua được bằng tiền dành dụm, mình thoát được cảnh phải lo lắng vì phải thuê nhà, tìm địa điểm, mà chỉ tập trung vào làm nghề cho thật tốt. Mặc dù diện tích không lớn, có 30m2 nhưng mình sửa sang, sắp xếp cũng ổn định. Mình dành cả tầng 1 và tầng 2 để làm tóc. Hiện salon của mình, ngoài mình ra còn có 5 bạn thợ. Các bạn được đào tạo, huấn luyện để làm thật tốt một chuyên môn, bạn chuyên sấy, bạn chuyên uốn, bạn chuyên nhuộm… Như vậy, dù mình có hay không có ở salon các bạn vẫn làm mọi thứ trôi chảy. Thi thoảng, có những trường hợp các bạn bị không chủ động được, có thể gọi điện thoại cho mình, nói rõ tình trạng tóc, mình tư vấn từ xa để các bạn biết cách giải quyết.

Mình nghĩ, điều mà mình hướng tới cũng là slogan tại salon, chính là “Tạo nét riêng cho bạn”. Bạn ở đây là những khách hàng đã tin tưởng gửi gắm mái tóc nơi mình. Mình nghĩ, đẹp không thì rất chung chung, tìm được nét riêng, cá tính, thế mạnh của mỗi người, tôn nó lên để những người xung quanh nhận ra, đó mới là điều quan trọng nhất.

Thời gian này, khách đến salon của anh hay làm kiểu đầu nào nhất? Nói thật, anh từng bị tai nạn nghề nghiệp nào với khách hàng chưa? Anh xử lý ra sao? 

Khách hàng đến salon của mình chủ yếu là giới công sở, văn phòng ở thành phố Hạ Long. Các bạn nữ thích kiểu đầu xoăn ngắn nhẹ nhàng, ép phồng tự nhiên, dễ tạo kiểu và chăm sóc. Mà nhuộm cũng màu trầm và nền nã. Mình để ý thấy, những kiểu tóc mốt, trào lưu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… chỉ một thời gian ngắn sau là đã lan về Hạ Long.

Còn về tại nạn nghề nghiệp, lớn thì không có nhưng nhỏ nhỏ thì mình cũng gặp rồi. Mà gọi là tai nạn cũng không hẳn đúng, là vì khi khách hàng đưa ra yêu cầu, mình tư vấn và bắt tay vào làm. Làm xong, khách hàng thấy hài lòng nhưng sau đó, có thể là luôn buổi chiều hoặc một vài ngày sau, nhận những lời khen chê của bạn bè, đồng nghiệp, đôi khi cũng bâng quơ thôi, họ cảm thấy không thỏa mái và gọi điện tho mình để than phiền. Những lúc như vậy mình sẽ hỏi cặn kẽ những điểm nào ở kiểu tóc mà họ thấy không thích, không hợp với họ. Và nếu có thể, họ cứ ghé salon để sửa, mình sẽ làm lại theo yêu cầu của họ đến khi họ hài lòng. Thật ra, theo kinh nghiệm của mình, những khách hàng như vậy thường là thiếu tự tin, mình nói để họ thấy tin tưởng vào bản thân, vào vẻ đẹp riêng mà thời phú cho họ là họ thoải mái ngay. Nói thật, sau khi mình giải thích, cũng chưa thấy khách hàng nào quay lại để bắt đền, chỉ có quay lại để tiếp tục nhờ mình làm đẹp mái tóc thôi (cười).

Câu hỏi cuối cùng, dự định của anh trong tương lai?

Mình muốn mở một salon tóc thật quy mô, hoành tráng ở thành phố Hạ Long quê mình. Hiện tại, nhu cầu làm đẹp của khách hàng nữ giới ở đây rất lớn mà cửa tiệm nhỏ của mình vẫn chưa đáp ứng được hết. Nếu làm được vậy, chị em cũng cảm thấy đỡ thiệt thòi vì không còn thua kém các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Chắc chắn khi đó xuống Hạ Long, Quảng Ninh bạn sẽ bắt gặp nhiều mái tóc đẹp hơn bây giờ.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Exit mobile version