Xu hướng tẩy tóc để nhuộm màu thời trang đang được giới trẻ ưa chuộng. Mặc dù ai cũng biết tẩy tóc là một việc vô cùng có hại cho tóc và ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng với mong muốn sở hữu mái tóc với gam màu lạ, sành điệu, chất chơi, nhiều bạn trẻ đã không ngại “nhắm mắt đưa..đầu”.
Đã có rất nhiều độc giả inbox cho Tóc Đẹp hỏi về vấn đề này. Hãy cùng Tóc Đẹp tìm hiểu tất tần tật về quá trình tẩy tóc để giúp bạn có đủ kiến thức trước khi đưa ra quyết định sở hữu các gam màu tóc nổi nhé.
Tẩy tóc là gì?
Tẩy tóc là quá trình làm sáng màu tóc, thường áp dụng khi nhuộm để tẩy đi màu tự nhiên của tóc, giúp màu nhuộm sáng và chuẩn hơn. Tóc càng tối màu sẽ càng phải tẩy nhiều lần với chất tẩy có nồng độ đậm đặc hơn và phải lưu lại trên tóc trong thời gian lâu hơn để có thể mất hẳn màu.
Thông thường, mái tóc đen, nâu đen đặc trưng của người Việt sẽ phải trải qua trung bình 2 lần tẩy tóc mới đủ điền kiện để nhuộm tóc màu sáng.
Thuốc tẩy tóc có chứa hydrogen peroxide, là một loại hóa chất có tính oxy hóa cao và tẩy mạnh. Chất này thường được kết hợp với amoniac và chất tạo màu nhằm phá vỡ tế bào biểu bì ( hay còn gọi là lớp cutin) của tóc. Khi đi vào lớp biểu bì tóc, hợp chất peroxide sẽ phóng oxy làm mất màu tóc.
Quá trình tẩy tóc không tạo ra một màu cụ thể như trắng hoàn toàn hoặc vàng hoàn toàn. Bạn sẽ thấy có nhiều vùng tóc sáng màu và sẽ có hơi sậm màu sau khi tẩy. Kết quả tẩy tóc phụ thuộc vào thành phần eumelanin và phenomelanin trong tóc. Eumelanin là loại sắc tố giúp tóc có màu đen hoặc nâu. Còn sắc tố phenomelanin sẽ làm tóc có màu vàng hoặc nâu đỏ.
Phần lớn tóc người châu Á sậm màu từ đen đến nâu đậm nên tẩy tóc là rất cần thiết trước khi nhuộm các màu sáng như bạch kim, hồng, tím, xám khói…Tuy nhiên, tùy màu nhuộm mà các thợ làm tóc có thể chọn loại thuốc tẩy có nồng độ peroxide khác nhau như 3%, 6%, 8%.
Mỗi chỉ số sẽ cho hiệu quả khác nhau khi ứng dụng trên tóc. Thuốc tẩy có chứa nồng độ peroxide thấp sẽ tốt hơn cho tóc nhưng quá trình tẩy lại yếu. Trong khi loại có nồng độ cao sẽ giúp việc tẩy tóc nhanh nhưng lại có nhiều rủi ro. Quá trình tẩy tóc có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu thuốc tẩy đọng lại trên tóc trong thời gian dài có thể mang lại hiệu quả khó lường.
Những rủi ro từ tẩy tóc
Tẩy tóc là một quy trình rất “dã man” với tóc và thực sự là một trải nghiệm không mấy dễ chịu. Dưới tác dụng của hóa chất tẩy tóc, da đầu bạn sẽ phải trải qua một cuộc tra tấn đúng nghĩa. Sau khi tẩy, tóc sẽ bị:
– Mất độ ẩm: Khi thuốc thuốc tẩy tiếp xúc với tóc, chúng sẽ làm sợi tóc nở ra, lớp biểu bì bọc sợi tóc bị vỡ. Quá trình này khiến cấu trúc tốp xốp hơn trước rất nhiều, vì thế, tóc bạn mau khô và dễ hư tổn.
– Gãy tóc: Người ta còn gọi quá trình này là “gãy tóc hóa học”. Sự đứt gãy này là do lớp biểu bì bị vỡ, các thành phần bên trong tóc tiếp xúc với chất tẩy khiến tóc giòn và dễ gãy hơn.
– Bỏng: Nếu không cẩn thận để thuốc tiếp xúc trực tiếp với da đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy ngứa ran. Tình trạng này xảy ra khi da đầu mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Sau đó, bạn sẽ có cảm giác da đầu bị bỏng, nổi mẩn đỏ, kèm theo các cơn đau rát.
– Biến màu: Khi tiếp xúc với da dầu, thuốc tẩy tóc cũng có khả năng làm biến đổi màu da. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm, thời gian sẽ giúp da lấy lại màu tự nhiên của chúng. Tẩy tóc thực sự không nguy hại nếu quá trình tẩy được thực hiện chuyên nghiệp. Những hư tổn cho tóc chỉ bắt đầu xảy ra khi việc tẩy tóc cứ tiếp diễn thường xuyên.
Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn là may chán vì ít nhất thì bạn đã được tẩy tóc đúng quy trình một cách chuyên nghiệp. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bạn không may gặp phải thợ làm tóc kém tay nghề? Đó là tóc bị mủn, rụng thành từng mảng, da đầu bị nhiễm trùng, lở loét…
Những rủi ro thống kê trên đây chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho những bạn quá ham làm đẹp mà phớt lờ hậu quả. Bạn hãy tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy, nơi có những chuyên gia thực sự có tay nghề và trình độ khi muốn tẩy, nhuộm tóc để không phải lâm vào tình trạng “tiền mất tật mang”.