Tóc Đẹp – Mỗi thành phố lớn có tới hàng nghìn salon tóc, khách hàng thật khó biết đến salon của bạn nếu như bạn không có chiến lược tiếp thị tốt. Errol Douglas, nhà tạo mẫu tóc hàng đầu nước Anh, chủ sở hữu chuỗi salon cùng tên đã đưa ra những lời khuyên rất thiết thực về việc xây dựng một kế hoạch tiếp thị hình ảnh salon thành công.
Xây dựng hình ảnh riêng
Giống như mọi công ty cần đưa ra một hình ảnh riêng, salon tóc của bạn cũng vậy. Bạn cần khách hàng “nhận dạng” salon của bạn bằng cách tạo ra những điểm khác biệt. Nào, hãy lấy một tờ giấy và liệt kê những câu hỏi: Bạn nhắm tới đối tượng khách hàng nào? Những ai là đối thủ của bạn?
Từ việc trả lời chính xác những câu hỏi này, bạn sẽ có được những hình dung cụ thể. Ví dụ như câu 1, bạn định nhắm tới đối tượng khách hàng nào? Nếu trả lời chung chung là mọi người có nhu cầu làm đẹp tóc thì bạn sẽ rất khó có một chiến lược tiếp thị đúng đắn. Những salon tóc muốn thành công thì phải hiểu được rằng sẽ chỉ có một số đối tượng khách hàng nhất định đến họ làm đẹp mà thôi. Vậy nên, nhiệm vụ đầu tiên là tìm hiểu rõ xem những khách hàng đó là ai và sau đó tập trung vào tiếp thị cũng như cách duy trì nhóm khách hang đó. Điều này được xây dựng dựa trên phong cách sống của chính bạn. Là một người thợ giỏi, bạn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Nhưng sẽ có một đối tượng khách hàng mà bạn sẽ cảm thấy phấn khích hơn khi làm việc. Hãy tận dụng điều này và biến nó thành lợi thế riêng của bạn.
Để biết được đối thủ cạnh tranh, nhất là với một salon tóc có phân khúc thị trường giống mình, bạn cần phân tích một cách kỹ lưỡng để tìm hiểu họ có những thế mạnh, điểm yếu gì. Điều này đồng thời giúp bạn linh hoạt và đáp ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Bằng cách biết được các salon tóc khác đang làm gì, bạn có thể chắc chắn được là giá cả của bạn cạnh tranh, việc tiếp thị hình ảnh của bạn là hợp lý và dịch vụ của bạn thu hút khách hàng.
Có một logo hình ảnh salon tốt
Logo là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra hình ảnh của một thương hiệu. Chính vì thế, khi hoạch định chiến lược kinh doanh, các doanh nhân luôn dành nhiều thời gian để xây dựng một logo ấn tượng và ý nghĩa. Nếu bạn định tạo dựng một logo cho salon của mình, hãy cân nhắc những điều dưới đây để có thể tiết kiệm được tối đa công sức cũng như tiền bạc mà vẫn có điệu hiệu quả mong muốn.
Để quảng bá cho bản thân: Bằng cách tìm tìm ra hình ảnh về sản phẩm hay dịch vụ mà khách hàng có thể hình dung về bạn qua logo. Bạn có thể nghĩ đến một vật đơn giản liên quan đến nghề tóc của bạn kinh doanh như một chiếc kéo, một chiếc máy sấy, một mái tóc…
Để nổi bật: Một logo phù hợp, thiết kế đẹp mắt, in ấn công phu có thể giúp bạn nổi bật hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành.
Để thu hút nhiều khách hàng hơn: Khách hàng thường bị vẻ bề ngoài bắt mắt chinh phục. Vì thế, “vẻ bên ngoài cùng cảm giác lôi cuốn” có thể là một trong những yếu tố khiến họ quyết định ghé salon của bạn.
Hiểu rõ khách hàng
Nắm thông tin về khách hàng là cơ sở để bạn phục vụ tốt hơn. Bạn phải biết được (1) ai là khách hàng của bạn, (2) họ mong muốn đìều gì và (3) đâu là động lực khiến họ tới salon của bạn. Đó những yếu tố cần thiết của một kế hoạch tiếp thị hiệu quả.Đừng nhầm lẫn “mong muốn” với “nhu cầu”. Khách hàng đến salon không nhất thiết phải uốn xoăn hay nhuộm, nhưng họ sẽ thực hiện điều này nếu bạn thuyết phục được điều này sẽ giúp họ đẹp hơn, trẻ hơn. Một ví dụ, bạn nghĩ sao nếu có khách hàng đến salon chỉ định cắt nhưng rồi lại trở ra với mái tóc nhuộm và sấy rất đẹp? Con người mua những thứ họ mong muốn (tất nhiên là khi họ có tiền!) chứ không phải những thứ họ cần.
Để thật sự hiểu rõ khách hàng, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
- Thu nhập của họ đảm bảo cho họ có thể chi bao nhiêu cho một lần chăm sóc – làm đẹp tóc?
- Mức độ thường xuyên ghé salon tóc của họ?
-
Điều gì khiến họ quyết định thay đổi kiểu tóc?
Biết rõ Salon của bạn
(Về cả điểm mạnh cũng như điểm yếu)
SWOT là từ tiếng Anh viết tắt của: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội kinh doanh và những mối đe doạ của một doanh nghiệp. Khi lập kế hoạch chiến lược kinh doanh cho bất cứ công ty nào thì cũng phải tiến hành đánh giá các yếu tố không chỉ trong salon của bạn mà còn cả từ hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh và môi trường kinh doanh hiện tại. Phân tích các yếu tố SWOT là một phân tích như vậy.
Hoàn tất một phân tích SWOT giúp bạn vạch ra biện pháp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ những điểm yếu của mình tới kết quả kinh doanhtrongkhi phát huy tối đa các điểm mạnh của bạn. Theo lý thuyết, phân tích này sẽ giúp bạn tận dụng sức mạnh của mình, chớp lấy các cơ hội kinh doanh trên thị trường do các điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh hoặc khi các đối thủ này bỏ trống thị trường.
Hãy bắt đầu điền vào danh mục:
Các điểm mạnh (Strengths): Hãy đánh giá xem salon của bạn làm tốt những công đoạn chăm sóc – làm đẹp tóc nào? Điều gì khiến bạn nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh? Bạn có lợi thế gì so với các salon khác?
Các điểm yếu (Weaknesses): Liệt kê ra những lĩnh vực mà bạn gặp khó khăn và phải nỗ lực thực hiện. Khách hàng phàn nàn về những điều gì? Những yêu cầu nào mà đội ngũ salon của bạn chưa đáp ứng được hay làm chưa tốt?
Các cơ hội (Opportunities): Hãy cố gắng tìm ra những lĩnh vực mà các điểm mạnh của salon bạn chưa được phát huy triệt để. Các xu hướng thị trường có hợp với những điểm mạnh trong salon bạn không? Có lĩnh vực sản phẩm hay dịch vụ nào mà bạn có thể thực hiện tốt nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành không?
Những mối đe doạ (Threats): Hãy xem xét những vấn đề cả bên trong và bên ngoài salon mà có thể gây thiệt hại cho kết quả hoạt động kinh doanh của bạn. Các vấn đề nội bộ của salon bao gồm tình trạng tài chính, đội ngũ nhân viên, sự phát triển và những khó khăn gặp phải? Các vấn đề bên ngoài bao gồm, đối thủ của bạn có mạnh lên không? Xu hướng thị trường có khoét sâu yếu điểm của bạn không? Bạn có thấy mối đe doạ nào đối với sự thành công của salon không?