Now Reading
Nghệ thuật thành công với “phong thủy khuôn mặt”

Nghệ thuật thành công với “phong thủy khuôn mặt”

Anh là một trong những người đầu tiên của làng tóc phía Nam “du nhập” thuật ngữ và kỹ thuật cắt nhuộm tóc 3D về cho ngành tóc Việt. Bẵng đi hơn 1 năm kể từ sau ngày anh xác lập kỷ lục trình diễn cắt tóc 3D trong vòng 50 giây, gặp lại, không còn thấy anh nói đến kỹ thuật 3D nữa…

Dường như Trần Đức Thuận – nhà tạo mẫu trẻ sớm thành danh này giờ luôn biết cách bước qua những thành công đã đạt, để  tiếp tục mơ mộng đến những mục tiêu xa hơn, nhắm hướng đi cho mình đến những hành trình dài rộng hơn mà trong suốt 19 năm làm tóc, tận sâu thâm tâm anh vẫn không ngừng theo đuổi.

“Trật tự” của ngành tóc

Là người đầu tiên du nhập thuật ngữ và kỹ thuật cắt nhuộm tóc 3D về Việt Nam, anh nghĩ sao khi giờ đây 3D đã trở thành một trào lưu?

Thực ra, nói chuyện về kỹ thuật cắt nhuộm tóc 3D, đến bây giờ chính mình cũng ngại. Ngại vì trên thị trường cụm từ 3D đã thành một trào lưu bị lạm dụng quá nhiều. Cái gì lạm dụng cũng thành lố, nhất là khi những người lạm dụng thuật ngữ này để “câu khách”, mong thu hút được khách hàng nhiều hơn, đôi khi cũng không hiểu kỹ thuật cắt nhuộm tóc 3D cần được xây dựng trên cái căn bản, nó chỉ là bổ trợ cho những kỹ thuật cắt nhuộm tóc căn bản được thi triển tốt hơn, cho ra những mái tóc có các khối, sóng tóc bồng bềnh nổi bật hơn và màu nhuộm có chiều sâu hơn mà thôi. Nhiều bạn đã lạm dụng và làm sai đi kỹ thuật cắt nhuộm tóc 3D ban đầu mà những bậc thầy tóc quốc tế, phương Tây đã sáng tạo ra. Thuận nghĩ, trào lưu nào rồi cũng sẽ đi qua và cái còn lại sẽ là những gì mà người ta còn thấy hữu ích, ứng dụng được cho tay nghề, cho đường dài của mình. Chẳng hạn như với chính Thuận, không phải bất cứ khách hàng nào muốn cắt nhuộm tóc 3D, Thuận cũng làm. Tùy thuộc vào mái tóc, vào khối hình tóc, vào màu nhuộm…, mà Thuận dùng 3D để áp dụng nó đôi chút, để đạt được một mái tóc hoàn thiện và khách hàng ưng ý, chứ không làm tràn lan…

Dường như sự cạnh tranh trên thị trường tóc có thể đã và đang ngày càng “căng” lên, khiến những nhà tạo mẫu tóc như anh không khỏi… sốt ruột?

Đúng là thị trường tóc ngày này rất cạnh tranh, nhưng Thuận nghĩ không phải ai cũng “sốt ruột” như là chị nghĩ. Tóc, cũng như bất kỳ thị trường dịch vụ nào, dù mới mẻ hay già cỗi, cũng đều đi theo quy luật của trật tự và đẳng cấp. Dù cạnh tranh cỡ nào và bằng “vũ khí” gì đi nữa, anh nào kém cỏi thì cũng không thể “mờ mắt” khách hàng mãi được. Tự thân, nó sẽ có một trật tự và sự đào thải tự nhiên để những ai còn trụ lại, những giá trị đích thực, sẽ được biết đến mà không phải quá mức “vật vã cạnh tranh” hay phải chứng tỏ mình bằng mọi phương cách. Đó là suy nghĩ của Thuận thôi, không biết của mọi người thì như thế nào?

Một “trật tự” trong ngành tóc như anh vừa đề cập, còn có thể hiểu là có cả người đi trước, người đi sau, có sự “kính trên nhường dưới” chứ không có sự lẫn lộn trong cạnh tranh, xếp hạng bừa bãi hay thậm chí “lập lờ đánh lận con đen” ở cả trên thị trường lẫn trên các phương tiện thông tin truyền thông như hiện nay?

Mình chỉ xin nói những câu chuyện của cá nhân mình thôi. Mình theo nghề tóc tính đến nay đã 19 năm, suýt soát mấy hôm nữa là tròn trịa 20 năm. Trong 19 năm đó, mình có 6 năm theo học nghề thầy Quyết (nhà tạo mẫu tóc Đức Quyết – PV). Rồi sau đó, mình cũng được tài trợ theo học rất nhiều khóa đào tạo ở nước ngoài, đi sang cả Ý, Singapore, Thượng Hải… Ở mỗi một người thầy mình đều học được những cái hay của họ. Nhưng có lẽ tận sâu trong thâm tâm, thầy Quyết vẫn là người để lại dấu ấn sâu đậm cho mình nhất. Có lẽ vì mình nghe, biết và theo học thầy từ những ngày còn rất trẻ, nên những dòng chữ được ghi những trang giấy đầu đời bao giờ cũng khó mờ phai trong tâm trí. Hoặc cũng có lẽ do những người thầy nước ngoài chỉ đào tạo cho mình về những kỹ năng làm nghề, sự chuyên nghiệp trong công việc. Mình không đủ thời gian và cũng không đủ vốn liếng ngoại ngữ để được học các thầy về phong cách sống, đạo đức, tác phong làm việc. Vì vậy mà đến tận bây giờ thầy Quyết vẫn như là thần tượng của mình, nhất là trong những ấn tượng về sự tận tâm, hết lòng với khách hàng, trong phương thức ứng xử những bất ngờ của công việc. Mình nghĩ một “trật tự” ở đây cũng nên hiểu là sự “biết mình, biết người” theo kiểu như vậy. Bây giờ thì phương tiện truyền thông, đặc biệt trong ngành tóc chuyên sâu, cũng đã khá nhiều. Sự lẫn lộn và mất “trật tự” càng lớn.

Anh đã dành những lời “có cánh” cho thầy của mình. Vậy xin được hỏi thẳng thắn là tại sao anh không tiếp tục làm chung dưới Salon Đức Quyết, mà ra mở salon riêng?

Chuyện đó thì phải nói thế này: Năm 1994, mình vào Nam đứng quản lý tiệm cho một người bà con, lúc đó là chủ tiệm Hoa Hồng trên đường Phạm Văn Hai khá nổi tiếng, đường mà thầy Quyết mở salon bây giờ. Thầy Quyết lúc đó là thợ của tiệm Hoa Hồng. Thế là nghề tóc “quyến rũ” mình và mình theo học. Vừa học vừa đứng chân quản lý. Học xong ra nghề, mình vẫn tiếp tục làm chung với thầy Quyết. Mãi một thời gian mình mới ra mở tiệm. Mình nghĩ chuyện mở tiệm riêng cũng là bình thường. Không có người thầy nào vì yêu quý học trò mà muốn cứ giữ mãi học trò trong vòng tay. Và cũng không có người trò nào nhất thiết muốn thể hiện sự quý mến thầy, thì cứ phải ở lại với thầy mà không “đỉnh thiên lập nghiệp”. Đến bây giờ thì dù thầy và mình đều đứng chủ hai salon, nhưng tình thầy trò thì vẫn như xưa. Cũng như mình thôi. Sau lưng mình là một thế hệ học trò mới. Nhiều bạn rất thành danh như Hiếu – Hải Phòng; Huê – Hải Phòng; Trung Anh, Trung Em – Buôn Mê Thuột; Phạm Rồng – Thái Bình; Khánh Model -Phan Thiết… Các bạn ở khắp mọi nơi và mình cũng vẫn tự hào có các bạn từng là học trò.

Như vậy, hẳn là anh có điều kiện để có thể đưa ra một đúc kết cho đặc trưng và sự khác biệt của thế hệ đi trước, như thế hệ nhà tạo mẫu Đức Quyết, với thế hệ của anh và các bạn trẻ về sau?

Có lẽ đặc trưng và cũng là sự khác biệt lớn nhất của thế hệ các nhà tạo mẫu đi trước, theo mình đó là sự nổi trội của những năng khiếu, tài năng cá nhân. Điều đó khiến thế hệ này có rất nhiều nhà tạo mẫu tên tuổi và tên họ vẫn luôn là “đỉnh núi” của các thế hệ sau. Còn thế hệ mình và các bạn trẻ hiện nay, lại có đặc trưng chung là luôn nỗ lực đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt nhất, phục vụ dịch vụ làm đẹp với giá cả đồng đều, phải chăng. Và sự nổi trội mang tính cá nhân theo đó ít đi, nhưng lại gia tăng sự đồng đều trong chất lượng phục vụ lẫn giá cả, cũng như cho khách hàng lựa chọn nhiều hơn.

Với cá nhân anh thì sao? Đâu là phương châm để Thuận salon trở nên khác biệt với chính thế hệ đàn anh lẫn thế hệ mình?

Luôn luôn thay đổi. Điều khiến khách hàng của mình luôn luôn hài lòng là sự thay đổi thường xuyên, không ngừng trong “làm mới” tóc của khách hàng. Dĩ nhiên, để được như vậy thì nhà tạo mẫu ngoài những gì đã và đang có, lại cũng phải gây áp lực không ngừng học hỏi cho chính mình.

Tư duy với nghề

Một điều đáng ngạc nhiên là dù đã thành danh, với một số giải thưởng từ khi anh còn khá trẻ như Tay kéo vàng 1998, Giải nhất cuộc thi Doube Rich 2001, Kỷ lục cắt tóc 3D trong 50 giây 2011, nhưng kể từ hồi lập nghiệp mở tiệm cho đến nay, dường như Thuận Salon vẫn không mấy thay đổi – vẫn là một địa chỉ, một không gian đó. Dường như anh không có ý định mở rộng, phát triển thương hiệu, dù rằng học trò thì anh nói là “ở khắp mọi nơi”?

Nghề tóc đã cho mình được thỏa mãn những mơ ước mà mình nghĩ mình không còn ham muốn gì hơn. Ham muốn lớn nhất của mình là được làm đẹp cho mọi người. Thì nay, ở không gian này, quy mô này, mình đã được thỏa mãn. Cùng chừng ấy không gian, quy mô, nhân sự, khách hàng… mình cũng đã thấy đủ với cơm ăn áo mặc. Có lẽ không ai ăn cơm được quá ngày ba bữa. Với mình công việc luôn nhẹ nhàng vừa đủ. Còn nếu mở rộng kinh doanh, phát triển thương hiệu, mình e là khó có thể quản lý, kiểm soát được chất lượng. Và như vậy thì sẽ ảnh hưởng thương hiệu và có tác động ngược. Mình cũng khó được thảnh thơi, thư nhàn để dành thời gian cho học hỏi tiếp như hiện nay.

Là người trong cuộc, anh lý giải sự thành công của chính mình ra sao? Được biết, thời gian anh ra nghề mở tiệm không dài, thì đã đạt được các giải thưởng, và khách hàng theo đó nườm nượp tìm đến?

Nói như vậy có quá không? (cười)… Nếu có một phần thành công nào đó, thì mình cho đó là nhờ ở khả năng biết thiết kế hiểu tóc hợp với khuôn mặt của khách hàng. Ngay từ học nghề mình đã thấy điều đó là vô cùng quan trọng. Nó đòi hỏi stylish hair phải có con mắt thẩm mỹ tổng thể, phải từ khuôn mặt khách hàng để hình dung ra kiểu tóc nên như thế nào sẽ phù hợp với công việc, ăn mặc của người đó, đặc biệt tôn vinh những nét đẹp trên khuôn mặt của người đó và che dấu đi những góc cạnh, nét xấu nếu có. Thứ nữa là phải có kỹ thuật, căn bản để biến được hình dung trong đầu thành mái tóc đẹp, như dụng ý ban đầu. Anh có hình dung tốt, có tưởng tượng hay, có khiếu thẩm mỹ, mà không có căn bản để biến hình dung thành sự thật thì coi như uổng phí. Ngược lại, có những người thợ rất giỏi nghề nhưng lại thiếu khiếu thẩm mỹ, không có con mắt nhìn và phán đoán, tư vấn kiểu tóc đẹp cho khách hàng, thì coi như cũng chỉ được một nửa. Do đó, cũng phải nói thêm, tôn chỉ của mình đối với nghề là: Phải làm sao cho khách hàng có một mái tóc hợp với “phong thủy” khuôn mặt, làm sao để kiểu đầu, gương mặt khách hàng sẽ rạng ngời, tỏa sáng! Và nói chung quy lại, muốn làm được như vậy, phải có tư duy nghề!

Khách hàng có “tương tác” với quan điểm, tôn chỉ này của anh?

Dĩ nhiên! Ai cũng muốn có một mái tóc “ăn rơ” với phong thủy khuôn mặt của họ. Nói một cách nôm na, không khách hàng nào muốn cắt xong mái tóc, nhuộm xong cái đầu, khi soi gương bỗng thấy mặt mình tối hù, hoặc già đi vài ba tuổi. “Rạng ngời, tỏa sáng” khuôn mặt nhờ mái tóc, đó chính là điều 100% khách hàng mong đợi. MÌnh có thể lấy kinh nghiệm 20 làm nghề để khẳng định chắc chắn điều này!

Hài lòng, và có thể nói bằng lòng với hiện tại. Vậy, chặng đường trong nghề tiếp theo của anh, vẫn sẽ như bây giờ hay sẽ còn có nhiều bất ngờ khác, chẳng hạn như biết đâu rồi sẽ có kỷ lục mới được xác lập?

Có hai điều mình vẫn đang phấn đấu cho con đường phía trước. Thứ nhất: tiếp tục học. Khi đi học nước ngoài qua nhiều khóa tu nghiệp, mình nhận thấy các giảng viên nước ngoài chỉ dạy kỹ năng, kỹ thuật, xu hướng dựa trên chất tóc và khuôn mặt người Tây phương là chủ yếu. Do đó, để ứng dụng được với người Việt, mình lại phải có tư duy, suy ngẫm, sáng tạo riêng. Thứ hai, thực sự trong thâm tâm, mình vẫn mong mỏi được làm cái gì đó cho thế hệ trẻ làm nghề mới. Các bạn trẻ bây giờ đang có rất nhiều điều kiện để học hỏi, làm nghề, nhưng lại cũng không dễ dàng có được nhận thức, nền tảng tốt ngay từ đầu mới bước vào nghề. Nhiều bạn đi học nghề nhưng vẫn còn mơ hồ, vẫn có những suy nghĩ chưa đúng với nghề tóc. Và như đã nói, cả sự thiếu “trật tự” và đảo lộn mọi trắng đen thật giả trong ngành tóc hiện nay cũng khiến các bạn thoái chí, không xác định được con đường đi để tạo nên những “đỉnh núi” như các thế hệ đi trước. Mà như vậy thì đến bao giờ nghề tóc Việt Nam mới được sánh vai ngang tầm quốc tế với các nước phát triển khác? Do đó, “mộng” của mình vẫn là… học, để trang bị cho mình đầy đủ mọi kỹ năng, tri thức, kể cả tri thức giao tiếp, truyền đạt, thuyết phục… và khi đủ điều kiện, thật sự tự tin, mình sẽ mở rộng giao lưu và tăng cường thời gian cho các hoạt động cộng đồng hỗ trợ các bạn trẻ.

Xin cảm ơn và chúc anh sớm đạt tới những mong muốn mới!

What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.