Đến nay, chưa có một công trình khảo cứu chính thức nào về đề tài nghề tóc ở Việt Nam, hoặc ở thời điểm nào thì “ông tổ” nghề tóc VN xuất hiện và cắt tóc được coi là một nghề trong xã hội. Đây là một thiếu sót cần được bổ sung, nhất là khi nghề tóc Việt Nam hiện đã rất trưởng thành với nhiều hiệp hội, câu lạc bộ, với nhiều nhà tạo mẫu đẳng cấp; và đã có những hoạt động tri ân nhân ngày giỗ tổ nghề tóc diễn ra hàng năm. Tóc Đẹp xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết về chủ đề này.
Cắt tóc dạo ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19
Nghề tóc, cũng như mọi nghề nghiệp khác, là một lĩnh vực hoạt động mà qua đào tạo, người làm nghề có được những tri thức, những kỹ năng để tạo ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều kiện cần và đủ cho nghề tóc ra đời bao gồm những yếu tố sau:
1. Sự phát triển của kỹ thuật: Trong nghề tóc, đó là kỹ thuật luyện kim với các sản phẩm, dụng cụ làm nghề thô sơ nhất như dao. Các sản phẩm tinh xảo và chuyên dụng khác, cũng xuất phát từ kỹ nghệ luyện kim về sau mới xuất hiện.
2. Nhu cầu xã hội: Nhu cầu này là của số đông, ở nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội. Giả thuyết các thái giám cắt tóc cho các ông vua, bà chúa trong các triều đại phong kiến, là ông tổ nghề tóc, không thể xem là có cơ sở vì khi đó công việc này chỉ được thực hiện cho một vài người ở phạm vi hẹp, không phải từ nhu cầu xã hội.
Mái tóc của người Việt xưa (ảnh tư liệu Pháp)
Trên cơ sở các yếu tố này, người viết đặt ra những giả thuyết:
Ông tổ nghề tóc VN là người đầu tiên cắt tóc cho các bà đầm Pháp?
Việc xác định ai là ông tổ nghề tóc VN, hiện vẫn đang có nhiều ý kiến tranh cãi. Theo ý kiến của một số nhà tạo mẫu tóc đại diện cho giới làm tóc ở hai miền Nam, Bắc thuộc nhiều thế hệ, mặc dù là tranh cãi chủ yếu xoay quanh vấn đề địa giới, nhưng thống nhất ở một điểm: Ông tổ nghề tóc VN có thể xuất hiện ở thời Pháp thuộc, đầu thế kỷ XX, là người đầu tiên tiếp cận được với những dụng cụ làm tóc chuyên dụng (có nguồn gốc từ Pháp, do các bà đầm Pháp mang sang VN); và được hướng dẫn các kỹ năng làm tóc từ chính những bà đầm này.
Các kểu tóc của thiếu nữ Hà Nội xưa
Theo đó, nhu cầu làm đẹp cùng váy đầm, tóc ngắn đã lan dần sang các bà vợ của giới quan chức, thơ lại làm việc cho người Pháp. Đây cũng là những khách hàng đầu tiên của người hành nghề làm tóc thời đó tại Việt Nam.
Vậy người Việt ở khu vực nào, Nam Kỳ – với Sài Gòn, Gia Định; Bắc Kỳ – Hà Nội, Hải Phòng; và Trung Kỳ – Hội An, Đà Nẵng, đã tiếp cận sớm nhất với “văn minh” làm tóc, thông qua những người Pháp?
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Do đó, các vị tiền bối của nghề tóc thuộc thế hệ nửa đầu thế kỷ XX vẫn không tìm được tiếng nói chung khi muốn xác định ai, ở khu vực nào, là người đầu tiên hành nghề làm tóc ở VN!
Cũng xin nói thêm, phải đến những thập niên 1920-1930, cùng với sự mở rộng của các đô thị, tầng lớp tiểu tư sản người Việt ra đời, văn minh phương Tây “đổ bộ” vào sinh hoạt hàng ngày như nghệ thuật, thời trang…, thì mới có hình ảnh cô tân thời răng trắng, áo dài, tóc bồng. Khi đó, khái niệm “thời trang” bao gồm nghề tóc như một hiện tượng xã hội, mới có mặt ở Hà Nội – Sài Gòn.
Nghề tóc có thể ra đời từ phong trào Duy Tân – Đông Kinh Nghĩa Thục?
Một trong những tiền đề cho sự ra đời văn hóa thị dân đầu thế kỷ XX, là phong trào Duy Tân năm 1905. Đây là cuộc vận động cải cách xã hội, “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” với tâm điểm là “đoạn tuyệt với cái lạc hậu cũ”, hô hào đàn ông VN “bỏ búi tó” và “cắt tóc ngắn”. Vì vậy, dân chúng có lúc đã gọi những người tham gia phong trào gọi là “Giặc Tông đơ” hoặc “Phong trào Húi hè!” hoặc “Giặc Đồng Bào”. Phong trào “Cắt Búi Tó, Cắt Tóc Ngắn” khởi đi miền Trung, từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ra Huế và được dân chúng khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt. Thanh niên, học sinh từng đoàn, từng nhóm, đứng trên mọi nẻo đường với chiếc kéo, chiếc tông đơ (tondeuse) trên tay, ca vang bài “Húi hè!” với lời hát: “Húi hè, húi hè! Bỏ cái ngu nầy, bỏ cái dại nầy. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo, Húi hè!”.
Một gương mặt sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, chí sĩ Nguyễn Quyền (1869 – 1941), còn có bài thơ “Cắt tóc”: “Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc Lập ở chùa Duy Tân …”
Có thể thấy ở thời này, các dụng cụ của nghề tóc như kéo, tông đơ và nhu cầu xã hội đều đã có. Vậy chúng ta có thể khẳng định nghề tóc ở VN đã có ở thời này.