Now Reading
Khi giới tóc xài tiền

Khi giới tóc xài tiền

Đầu tư mới, tái đầu tư vào chính cơ nghiệp mà mình đang có, hay gửi tiền tiết kiệm…, là những lựa chọn hàng đầu của người làm nghề dịch vụ tóc. Hãy lắng nghe ý kiến của một số người hoạt động lâu năm trong nghề tại thành phố Hồ Chí Minh xem họ có dự định gì về cách xài tiền.

Anh ĐẶNG –  Nhà tạo mẫu tóc

Viện tóc Đặng 119 Phan Đình Phùng, P17, Q. Phú Nhuận

Một trong những dự án hợp tác đầu tư lớn nhất và tâm huyết nhất của tôi là cùng một số anh em trong ngành mở trường dạy nghề  Sáng tạo từ năm 2005. Đây là một giai đoạn dài cho khởi đầu, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện thật nghiêm túc và kỳ vọng về sự phát triển của dự án này trong dài hạn. Phần lớn khoản tiền tích lũy mà tôi có được trong 30 năm làm nghề đã được dành cho dự án này.

Nhiều anh, chị trong nghề làm tóc thường có thiên hướng đầu tư, kinh doanh. Cũng có nhiều người đầu tư vào bất động sản. Đó là dạng tài sản rất đảm bảo cho tương lai của gia đình, con cái sau này. Cá nhân tôi thì việc quản lý salon của mình cũng “ngốn” không ít chi phí, do đó, khó mà có khái niệm “tiền nhàn rỗi”. Vì ngoài chi phí vận hành cơ sở, còn chi phí cho gia đình, nên không dễ dàng để tự cho mình dư dả.

Trong kinh doanh dịch vụ của mình, kinh nghiệm của tôi là nếu tổ chức tốt, thì lượng khách đến với dịch vụ sẽ từ đủ đến đông hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến những yếu tố có thể tác động đến doanh thu, ví dụ như ảnh hưởng kinh tế, lạm phát, thiên tai, dịch họa, Việt kiều không về nước…

Tại salon của tôi, đối tượng khách quen, thân thường là giới tri thức, văn phòng, kinh doanh, thương mại. Nói họ xài sang cũng đúng, mà vừa phải cũng không sai. Tùy từng người mà có mức độ chi tiêu cho làm đẹp khác nhau. Nhưng về căn bản, tôi thấy nhu cầu làm đẹp của xã hội hiện nay rất cao. Thậm chí, trong lúc kinh tế khó khăn như bây giờ, mọi người vẫn có nhu cầu và sẵn sàng làm đẹp nếu có cơ hội sử dụng dịch vụ ở mức phí phù hợp. Khi lên mạng internet, rất nhiều địa chỉ bán thẻ khuyến mãi như muachung, hotdeal…, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ làm đẹp với mức giảm giá hấp dẫn đến 80%, và số lượng người đặt mua thẻ cũng rất cao. Nghĩa là cơ hội của dịch vụ làm đẹp rất lớn. Vấn đề là nắm bắt cơ hội và cung cấp dịch vụ của mình ra sao để có thể đem lại nguồn thu tốt nhất, cũng như sự hài lòng cao nhất của khách hàng.

Làm được, nhưng cũng phải căn cơ thì mới có tích lũy. Tôi thường gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Hình thức sử dụng đồng tiền này khá “truyền thống”, đơn giản, an toàn, tuy không sinh lợi nhiều.

Chị KIM ANH – Chuyên viên trang điểm và tư vấn tóc

Salon Đức Quyết 49 Nguyễn Bặc, P.3, Q. Tân Bình

Hiện tại, salon chúng tôi có 3 thợ chính và gần 20 thợ phụ, bao gồm các học viên, tạm gọi là quy mô của một hair salon cỡ “vừa”, chưa tính không gian và nhân sự dành cho lĩnh vực trang điểm. Trung bình một tháng, chi phí, chủ yếu lương thợ, điện nước, vật liệu hóa mỹ phẩm… khoảng trên dưới 70 triệu đồng. Đây là con số ước tính, không cộng chi phí mặt bằng thuộc tài sản gia đình. Tức là để có thu, và có thêm khoản “tiết kiệm”, chúng tôi phải cân đối thu nhập trên con số 70 triệu đồng. Thường thì vào những tháng 5,6,7, là mùa hè, nên thu nhập của hầu hết các salon đều sẽ giảm sút do lượng khách vắng đi. Nhưng bù lại, mùa lễ Tết, lại có thu nhập cao hơn.

Việc quản lý dòng tiền lưu động và cân đối thu chi của chúng tôi cũng khá đều. Vào mùa hè, giãn khách, thì chúng tôi tăng thêm đào tạo nghề, do đây là thời điểm nhiều học viên là các em học sinh, sinh viên đăng ký nhất. Do cũng đã đi vào hoạt động lâu năm nên khoản đầu tư ban đầu đã được khấu hao hết. Mỗi tháng, trừ chi phí thực tế và chi phí dành để tái đầu tư, chăm chỉ và đắt “show” thì cũng có thể “dư dả”.

Nhiều nhà tạo mẫu tóc và hầu hết những người làm trong lĩnh vực dịch vụ dành cho tóc, đều có xu hướng đã kinh doanh, lại muốn tiếp tục kinh doanh thêm. Ngắn gọn là nếu đã có tiệm và làm ăn tốt, thì cũng muốn mở thêm tiệm nữa. Ngoài ra, cơ hội sử dụng dòng tiền nhàn rỗi, tiết kiệm được cũng khá nhiều. Có thể góp vốn kinh doanh cà phê, thời trang, phân phối mỹ phẩm.v.v, với hình thức hùn vốn và ủy thác quản lý. Với tôi, do có chuyên môn và gắn bó cùng lĩnh vực trang điểm, tư vấn tóc, lại có hair salon, nên đã có kế hoạch mở thêm một tiệm áo cưới với quy mô cỡ “vừa”, mức đầu tư ước khoảng 1,5 tỷ đồng, ở khu vực trung tâm hoặc trong nội thành. Đây là mức đầu tư dự tính, chưa kể phần mở thêm hoặc phối hợp với đối tác studio để xây dựng chuỗi kinh doanh khép kín, nhằm phục vụ khách hàng từ A-Z trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm thuận lợi để triển khai kế hoạch mà mình mong muốn. Do đó, nếu có tiền nhàn rỗi, tôi sẽ gửi vào ngân hàng với hình thức tiết kiệm ngắn hạn. Hiện theo tôi biết, lãi suất tiết kiệm ngân hàng là 18%/ năm. Đó là mức lợi tức khá“ổn”.

Anh Nguyễn Văn Hiếu – Nhà tạo mẫu tóc

Salon Hiếu – 80 Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q.1

Tôi gắn bó với nghề làm tóc đã tròn 20 năm, tuy nhiên, việc mở salon của riêng mình cũng chỉ mới bắt đầu từ năm 2007. Kinh nghiệm của những năm trước đó không chỉ cho tôi nền tảng để xây dựng một hướng đi riêng cho mình, mà kèm theo là những kỹ năng quản lý và phục vụ khách hàng sao cho hiệu quả nhất. Hơn nữa, đây cũng là thời gian tôi bắt đầu tham gia vào giảng dạy, đào tạo nghề ở nhiều nơi. Đi xa, đến những vùng đất mà có lẽ ở đó nghề làm tóc chỉ được phát triển theo một hình thức duy nhất kiểu “cha truyền con nối” nhưng không có nhiều thay đổi từ đời này qua đời khác,kỹ thuật cũng có một khoảng cách rất xa so với những làm nghề tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nên tôi càng hiểu rằng phải làm cho mình không bao giờ cũ. Với tôi, làm tóc là một nghề phục vụ xu hướng thời trang  mà thời trang thì luôn luôn thay đổi. Do đó, nếu người làm nghề sau khi đã định hình, cứ giữ mãi một cách thức, thì cũng có thể xem như là đã cũ và đã tụt hậu.

Do đó, trong quá trình làm nghề, tôi dành một phần lợi nhuận khá lớn cho việc tái đầu tư salon, liên tục nâng cấp từ phương diện hạ tầng salon, trang thiết bị, vật dụng, design cho đến nâng cấp sản phẩm, cập nhật không ngừng với sự phát triển đa dạng của thị trường và nhu cầu khách hàng, cũng như là nâng cấp hình ảnh và chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên. Ngoài ra, tôi cũng tự “nâng cấp” chính tay nghề của mình qua các work shop quốc tế, tham khảo và cập nhật mọi xu hướng thời trang, xu hướng, mẫu mốt tóc, cách xử lý và tạo những mẫu tóc mới.v.v. Nếu tháng này tôi cắt cho khách hàng kiểu tóc này, mấy tháng sau khách hàng quay lại tôi vẫn cắt kiểu tóc đó, kỹ thuật đó…thì chắc hẳn về lâu dài khách hàng thân thiết sẽ không còn gắn bó nhiều.

See Also

Hồi mới ra mở salon độc lập, phần vốn liếng không nhiều nên việc nâng cấp dần dần cũng giúp tôi mở rộng được uy tín và ngày càng có thêm nhiều khách hàng. “Đóng đô” tại địa bàn quận I, Đa phần khách hàng của tôi là cán bộ công nhân viên chức, hầu hết đều  khó tính nhung rất tin tưởng vào sự tư vấn của nhà tạo mẫu.

Một trong những “nâng cấp” về phần nghề mới đây, mà tôi rất ưng ý và nhiều khách hàng khi thử nghiệm qua cũng đã đánh giá rất cao là “sáng tạo” uốn tóc 3D với sự hỗ trợ của công nghệ cắt, uốn, và hóa mỹ phẩm .Uốn tóc 3D cho người sở hữu mái tóc một cảm giác mái tóc  bồng bềnh  rất tự nhiên. Đây cũng là dịch vụ góp phần mang lại doanh thu lớn cho Hiếu salon.

Bên cạnh đó, tôi cũng tích lũy một phần lợi nhuận để dành cho một vài hoạt động đầu tư khác. Trước mắt , tôi vẫn chưa tính đến chuyện có nên mở thêm chi nhánh hay salon khác không, vì điều đó phụ thuộc khả năng “san sẻ” chính bản thân mình, chia thời gian ra cho những địa điểm khác nhau. Những khách hàng thân quen của tôi có lẽ họ sẽ không định đến một “Hiếu” khác, mang tên tôi nhưng lại không có tôi ở đó.

Anh THANH TÙNG – Nhà tạo mẫu tóc

Viện tóc Thanh Tùng 95 Phan Đình Phùng, P.17, Q.Phú Nhuận

Có lẽ cũng như đa phần những salon lớn khác tại trung tâm Sài Gòn, chi phí nặng nhất trong kinh doanh là mặt bằng. Một mặt tiền ở phố lớn với diện tích tương đối rộng, có không gian lễ tân, khách chờ, khoảng 10 ghế cắt, uốn, duỗi…, chi phí thuê sẽ đắt gấp 5-10 lần so với diện tích tương tự nhưng lại ở phố nhỏ, hoặc hẻm nhỏ. Ngoài ra, các chi phí để vận hành thường xuyên cho một salon, theo tôi là không đáng kể.

Trong 20 năm làm nghề, salon của tôi đã tiếp nhiều đối tượng khách hàng đa dạng. Giới trí thức, văn phòng, kinh doanh khi đến đây đều muốn chính tôi cắt tóc, tạo kiểu cho họ, hơn là giao cho các thợ khác. Cũng có thể nói tôi có một số “vốn liếng” lớn –  đó chính là khách hàng, với uy tín mình đã gây dựng trong suốt thời gian làm nghề.

Từ doanh thu, trừ chi phí đầu tư, vận hành thường nhật, tôi cũng tích lũy được một phần lợi nhuận dành để xài khi mình muốn. Thường thì tôi chỉ xài cho những gì thấy hợp lý. Ví dụ như mua đất đai, trái phiếu, cổ phiếu, hay hùn hạp với bạn bè để cùng làm ăn. Tùy từng thời điểm mà mỗi sự “hợp lý” lại khác nhau. Và sự hợp lý đó là do cá nhân mình nhìn nhận, nhưng cũng chưa chắc đã đúng với thời thế, và thời thế đã tạo cho lựa chọn của mình thêm thuận lợi. Đôi khi, tôi cũng gửi ngân hàng tiết kiệm hoặc giữ tiền mặt. Nhưng giữa việc giữ tiền mặt và gửi ngân hàng, tôi thích “vế trước” – gửi ngân hàng hơn.

Hiện nay, tôi là một trong những cổ đông của Trường dạy nghề Sáng tạo. Đó là một dự án gắn bó với nghề của mình và đáng để đầu tư tiếp tục trong thời gian tới.

Còn bạn thì sao? Bạn có ý tưởng gì về cách xài tiền?

What's Your Reaction?
Excited
0
Happy
0
In Love
0
Not Sure
0
Silly
0
View Comments (0)

Leave a Reply

© 2019 Tạp chí Tóc Đẹp. All Rights Reserved.